Chứng cứ trong Tố tụng hình sự được quy định như thế nào?

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, chứng cứ là một trong những nội dung quan trọng, đóng vai trò là một trong những căn cứ quyết định một người có bị truy cứu trách nhiệm về một loại tội phạm cụ thể theo quy định hay không. Sau đây là các quy định về “Chứng cứ trong tố tụng hình sự” theo quy định của pháp luật.

I. Chứng cứ trong tố tụng hình sự là gì?

Chứng cứ trong tố tụng hình sự được định nghĩa tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sư 2015 (gọi tắt là BLTTHS) như sau:

“Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”

So với quy định trước đây, khái niệm trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã mở rộng chủ thể sử dụng chứng cứ khi không quy định chỉ giới hạn “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án" mới có quyền này. Điều này đảm bảo quyền tham gia của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác vào quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể là việc tham gia sử dụng chứng cứ, và cả việc kiểm tra, đánh giá các nguồn chứng cứ.

Dựa trên khái niệm này, chứng cứ có các đặc điểm sau: Chứng cứ là có thật, bảo đảm tính khách quan; Chứng cứ có tính hợp pháp; Chứng cứ phải liên quan đến vụ án. Như vậy, nếu thiếu một trong ba yếu tố trên thì sẽ không được xem là chứng cứ.

Ví dụ về chứng cứ trong tố tụng hình sự: A trông thấy B chém chết C và về nhà kể cho vợ nghe. Vợ A đã đến khai báo với cơ quan điều tra. Nội dung lời khai của vợ A là chứng cứ thuật lại, vì vợ A không trực tiếp biết được sự việc mà chỉ biết được qua khâu trung gian là lời kể của A.

II. Các nguồn xác minh, thu thập chứng cứ được quy định như thế nào?

Trong đó, theo Điều 87 BLTTHS 2015, chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

1. Vật chứng

Vật chứng theo Điều 89 là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

2. Lời khai, lời trình bày

Lời khai, lời trình bày: theo quy định lời khai được dùng làm chứng cứ rất đa dạng, nhưng quan trọng nhất vẫn là lời khai của bị cáo, bị hại (nếu có), người làm chứng,… So với vật chứng, lời khai mang tính chủ quan và chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Do vậy, trong nhiều vụ án, việc chỉ đánh giá lời khai mà đưa ra quyết định có hay không hành vi tội phạm, đôi khi sẽ mang tính chủ quan và rất dễ dẫn đến oan sai. Lời khai ban đầu do cơ quan điều tra thông qua các biện pháp nghiệp vụ mà có được, sau đó trong quá trình xét xử Toà án tiếp tục kiểm tra tính hợp pháp của nguồn chứng cứ này.

3. Dữ liệu điện tử

Theo Điều 99 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

Nhìn chung, loại chứng cứ này thường chỉ xuất hiện trong các vụ án liên quan đến công nghệ thông tin, việc thu thập loại chứng cứ cũng đòi hỏi nhiều biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành.

4. Kết luận giám định, định giá tài sản

Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định (theo Điều 100);

Kết luận định giá tài sản là văn bản do hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu. Đồng thời, hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó (Điều 101 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).

5. Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

Những tình tiết được ghi trong biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được lập theo quy định của Bộ luật này có thể được coi là chứng cứ.

6. Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác

Tại Điều 103, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án.

7. Các tài liệu, đồ vật khác

Những tình tiết liên quan đến vụ án ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm quy định tại Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì được coi là vật chứng.

III. Các loại chứng cứ trong vụ án hình sự

Phân loại chứng cứ là việc phân chia chứng cứ trên cơ sở những căn cứ nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, căn cứ vào mối quan hệ với đối tượng cần chứng minh

+ Chứng cứ trực tiếp là chứng cứ liên quan trực tiếp đến đối tượng chứng minh. Bằng chứng cứ trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể chứng minh được ngay hành vi phạm tội, người thực hiện tội phạm, lỗi của người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các yếu tố nhân thân và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. 

+ Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ không liên quan trực tiếp mà chỉ liên quan gián tiếp đến đối tượng chứng minh. Chứng cứ gián tiếp chỉ xác định sự kiện chứng minh; chứng cứ gián tiếp không chỉ rõ hành vi phạm tội, người thực hiện tội phạm, lỗi của người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các yếu tố nhân thân và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Chỉ khi kết hợp với các chứng cứ khác, chứng cứ gián tiếp mới có thể giúp xác định được đối tượng chứng minh. Chứng cứ gián tiếp cũng có giá trị chứng minh nhất định về những vấn đề cần phải chứng minh.

Thứ hai, căn cứ vào hình thức

+ Chứng cứ gốc là chứng cứ được thu thập trực tiếp từ nơi xuất xứ của nó mà không thông qua khâu trung gian nào. Trường hợp người làm chứng trực tiếp biết được các tình tiết liên quan đến vụ án và tự mình khai báo với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì nội dung lời khai đó là chứng cứ gốc. Ví dụ: A thấy B đe doạ giết C và vài ngày sau thì C bị giết. A đã đến khai báo với cơ quan điều tra. Nội dung lời khai của A là chứng cứ gốc vì nó được thu thập trực tiếp từ A nhưng đó là chứng cứ gián tiếp vì nó không chỉ rõ là liệu B có hành vi giết C hay không.

+ Chứng cứ sao chép lại, thuật lại là chứng cứ thu thập được không phải trực tiếp từ nơi xuất xứ của nó mà qua một hay nhiều khâu trung gian. Những thông tin, tư liệu liên quan đến đối tượng chứng minh hay sự kiện chứng minh được thu thập thông qua bản sao hoặc qua một người được nghe kể lại. Ví dụ: A trồng thấy B chém chết C và về nhà kể cho vợ nghe. Vợ A đã đến khai báo với cơ quan điều tra. Nội dung lời khai của vợ A là chứng cứ thuật lại, vì vợ A không trực tiếp biết được sự việc mà chỉ biết được qua khâu trung gian là lời kể của A.

Thứ ba, căn cứ vào ý nghĩa pháp lý hình sự của chứng cứ 

+ Chứng cứ buộc tội là chứng cứ xác định tội phạm được thực hiện, xác định người phạm tội, lỗi của người phạm tội, các tình tiết định khung tăng nặng, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và các tình tiết khác bất lợi cho người phạm tội khi giải quyết vụ án.

+ Chứng cứ gỡ tội là chứng cứ xác định không có hành vi phạm tội, xác định hành vi không cấu thành tội phạm, xác định các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự, các tình tiết định khung giảm nhẹ, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các tình tiết khác có lợi cho người phạm tội khi giải quyết vụ án.

IV. Mức phạt khi cản trở thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự?

Những người tham gia tố tụng có các hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ nhằm thay đổi sự thật của vụ án trong tố tụng hình sự sẽ bị xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15, cụ thể như sau:

Khoản 1 Điều 13 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH1 quy định:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Người tham gia tố tụng khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật, trừ người bị buộc tội;

+ Người tham gia tố tụng từ chối khai báo hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ cung cấp tài liệu, đồ vật, trừ người bị buộc tội.

Khoản 2 Điều 13 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH1 quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng làm giả hoặc hủy hoại chứng cứ gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, vụ việc.

Khoản 3 Điều 13 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH1 quy định: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại khai báo gian dối, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 13 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15;

+ Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 13 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15;

+ Người giám định, người định giá tài sản từ chối kết luận giám định, định giá tài sản mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Khoản 1 Điều 13 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH1 quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch, người dịch thuật thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch, người dịch thuật dịch gian dối;

+ Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định, người định giá tài sản thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định, người định giá tài sản kết luận sai với sự thật khách quan;

+ Người giám định, người định giá tài sản kết luận gian dối.

Khoản 5 Điều 13 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH1 quy định: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với luật sư lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối.

Khoản 6 Điều 13 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH1 quy định: Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 2, điểm a và điểm b khoản 3, điểm a và điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15.

Như vậy, hành vi cản trở việc thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự có thể bị xử phạt hành chính lên đến 40.000.000 đồng.

V. Những biện pháp nào được xác định là các biện pháp thu thập chứng cứ?

Các biện pháp thu thập chứng cứ:

Thứ nhất, thu thập bằng cách yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ

Để chuẩn bị cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình được tốt, đương sự cần chuẩn bị những chứng cứ cần thiết. Các đương sự cũng có thể thu thập chứng cứ từ các nguồn khác nhau.

Thứ hai, thu thập chứng cứ bằng cách yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu trữ chứng cứ cung cấp chứng cứ

Trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã là nguyên tắc chung. Việc cung cấp chứng cứ phải được thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn, chủ thể cung cấp chứng cứ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chứng cứ mà mình đã cung cấp. Nếu không cung cấp được chứng cứ mà mình đang lưu giữ thì phải thể hiện bằng văn bản và gửi đến chủ thế có yêu cầu, trong đó phải nêu rõ lý do.

Trên thực tế, với nhiều vụ việc hình sự khi khởi kiện, người khởi kiện không nắm giữ chứng cứ và đã có yêu cầu cơ quan nắm giữ chứng cứ cung cấp để phục vụ cho việc khởi kiện của mình, nhưng vì nhiều lý do mà việc thu thập chứng cứ của họ bị kéo dài do không nhận được trả lời từ phía được yêu cầu.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp chứng cứ cho Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, đương sự những tài liệu họ đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu. Việc cung cấp chứng cứ phải trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của chủ thể này.

Cần lưu ý những vấn đề sau:

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể từ chối cung cấp chứng cứ khi chứng cứ được yêu cầu không thuộc phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của mình.

+ Pháp luật mới chỉ ghi nhận chế tài xử lý trong trường họp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối yêu cầu của Toà án và Viện kiểm sát, mà không quy định chế tài khi từ chối yêu cầu của đương sự.

+ Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân không muốn cung cấp chứng cứ họ chỉ cần gửi văn bản vì lý do nào đó theo chủ quan của họ. Do đó, việc có cung cấp chứng cứ hay không thực tế áp dụng phụ thuộc khá nhiều vào ý thức trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đang lưu trữ chứng cứ.

Thứ ba, thu thập chứng cứ bằng cách yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ

Trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ thì có quyền yêu cầu Thẩm phán tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ. Khi đương sự yêu cầu Toà án tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ bằng văn bản.

VI. Giải đáp thắc mắc về chứng cứ trong tố tụng hình sự

1. Lời khai của người chứng kiến có được xem là chứng cứ trong tố tụng hình sự hay không?

Theo Điều 97 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về lời khai của người chứng kiến như sau:
“Điều 97. Lời khai của người chứng kiến 

Người chứng kiến trình bày những tình tiết mà họ đã chứng kiến trong hoạt động tố tụng.” Đồng thời, tại điểm b khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định lời khai là một trong những nguồn của chứng cứ.”

Như vậy, lời khai của người chứng kiến có thể được xem là chứng cứ trong tố tụng hình sự nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chứng cứ theo quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

2. Theo pháp luật cạnh tranh thư điện tử, fax có được xem là chứng cứ trong tố tụng cạnh tranh hay không?

Căn cứ tại điểm c khoản 3 Điều 56 Luật Cạnh tranh 2018:

“Điều 56. Chứng cứ

3. Việc xác định chứng cứ được quy định như sau:

c) Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;”

Như vậy, từ căn cứ trên có thể nhận định thư điện tử, fax cũng được xem là chứng cứ trong tố tụng cạnh tranh.


Từ bài viết trên có thể thấy, chứng cứ trong vụ án hình sự là một tài liệu đặc biệt quan trọng, nếu không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.. Để có thể giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng và nhanh chóng, bạn cần liên hệ với NPLaw và xin tư vấn cụ thể chi tiết trong từng tình huống. 

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913 449968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan