Gây mất trật tự khu dân cư bị xử lý như thế nào?

Vấn đề gây rối hay ô nhiễm tiếng ồn ở những nơi công cộng, đặc biệt là khu dân cư đã không còn là điều xa lạ trong cuộc sống chúng ta. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của những ai đang phải chịu đựng nó. Vậy pháp luật quy định như thế nào để giải quyết vấn đề gây mất trật tự khu dân cư?

Tìm hiểu quy định pháp luật về gây mất trật tự khu dân cư cùng NPLaw

Vấn đề gây mất trật tự khu dân cư và các biện pháp xử phạt hiện đang được quy định trong một số văn bản pháp luật. NPLaw sẽ cung cấp những nội dung về vấn đề này cùng các quy định pháp luật tương ứng cũng như giải đáp một số câu hỏi thường gặp qua bài viết dưới đây.

Gây mất trật tự khu dân cư.

Cơ sở pháp lý

1. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017);

2. Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020 (sau đây gọi là Luật Nhà ở 2014);

3. Nghị định 144/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi là Nghị định 144/2021/NĐ-CP);

4. Thông tư 124/2021/TT-BCA được Bộ Công an ban hành ngày 28 tháng 12 năm 2021 Quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” (sau đây gọi là Thông tư 124/2021/TT-BCA).

I/ Gây mất trật tự khu dân cư là gì?

Pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể về gây mất trật tự khu dân cư nhưng chúng ta có thể hiểu gây mất trật tự khu dân cư là việc thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, làm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội hoặc tổ chức, cá nhân tại địa điểm là khu dân cư. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi gây mất trật tự khu dân cư sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ của hành vi vi phạm. Gây mất trật tự khu dân cư còn được biết đến với cụm từ gây rối khu dân cư hoặc nơi công cộng.

II/ Biểu hiện gây mất trật tự khu dân cư là gì?

Gây mất trật tự khu dân cư có thể được biểu hiện dưới một số hình thức như sau:

- Tiếng ồn từ loa có cường độ âm thanh lớn, trong một số khung giờ người dân cần được nghỉ ngơi như giữa trưa hoặc ban đêm sau 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau;

Biểu hiện gây mất trật tự khu dân cư.

- Hành vi sử dụng vũ lực như đánh nhau, giết người, trộm cắp, cướp giật, sử dụng vũ khí,...;

- Tổ chức hoặc thực hiện những hành vi thuộc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật như cá độ, đánh bạc, sử dụng trái phép chất ma túy, đua xe trái phép,...;

- Các hành vi khiêu khích, lăng mạ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người khác,...

Trên đây là một số biểu hiện cơ bản thường gặp gây mất trật tự khu dân cư.

III/ Quy định pháp luật về mất trật tự khu dân cư

Vấn đề mất trật tự khu dân cư được điều chỉnh trong một số văn bản pháp luật như Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, Nghị định 144/2021/NĐ-CP,... Tiêu chuẩn khu dân cư an ninh, trật tự được quy định tại Thông tư 124/2021/TT-BCA. Cụ thể như sau:

- Đối với các hành vi gây rối trật tự khu dân cư nhưng chưa đến mức xử lý hình sự sẽ áp dụng các mức xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP tùy theo mức độ của các hành vi vi phạm và kèm theo hình phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);

- Đối với các hành vi gây rối trật tự khu dân cư đạt mức độ nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, đã đủ cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017;

- Tiêu chuẩn an ninh, trật tự của khu dân cư được quy định tại Thông tư 124/2021/TT-BCA. Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này, khu dân cư được hiểu là nơi người dân, hộ gia đình cư trú tập trung trong phạm vi một khu vực nhất định, là tên gọi chung của thôn, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc, khóm, tổ dân phố, khu phố và đơn vị dân cư tương đương. Các tiêu chí công nhận khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự theo quy định tại Điều 4 Thông tư 124/2021/TT-BCA bao gồm:

(1) Quý I hằng năm, chi bộ có nghị quyết, khu dân cư có đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; 100% hộ gia đình đang cư trú trên địa bàn đăng ký tham gia xây dựng khu dân cư “An toàn về an ninh, trật tự”.

(2) Triển khai, thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

(3) Không để xảy ra một trong các trường hợp sau:

- Hoạt động chống Đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

- Hoạt động phá hoại các mục tiêu, công trình trọng điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng;

- Tuyên truyền, phát triển tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật;

- Hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, tranh chấp, khiếu kiện gây phức tạp về an ninh, trật tự;

- Hoạt động ly khai, đòi tự trị;

- Mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp, kéo dài trong nội bộ Nhân dân;

- Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh, trật tự công cộng hoặc lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước; xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm được phân công giải quyết khiếu nại, tố cáo.

(4) Tham gia, phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác ở khu dân cư, bao gồm:

- Kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật khác so với năm trước;

- Không để xảy ra tội phạm nghiêm trọng trở lên (trừ trường hợp bất khả kháng) hoặc nếu có phải kịp thời phát hiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp giảm thiểu hậu quả và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để xử lý;

- Không phát sinh tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ các loại đối tượng đang cư trú trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

- Không để xảy ra cháy, nổ nghiêm trọng; tai nạn lao động chết người; sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp bất khả kháng).

(5) Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên và không có cá nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật.

IV/ Gây mất trật tự khu dân cư bị xử phạt như thế nào?

Việc xử phạt các hành vi gây mất trật tự khu dân cư được quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP đối với xử phạt hành chính và Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đối với xử lý hình sự. Cụ thể một số mức phạt đối với các hành vi thường gặp về gây rối trật tự khu dân cư như sau:

1. Xử phạt hành chính

(1) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Gây mất trật tự công cộng ở khu dân cư;

- Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng;

- Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị;

- Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Chăn, thả gia súc, gia cầm trong chung cư.

(2) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;

- Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;

- Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

(3) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác (trừ trường hợp có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; và hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình);

- Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

(4) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;

- Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;

- Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

- Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức;

- Tổ chức, tham gia tập trung đông người trái pháp luật tại cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước hoặc các địa điểm, khu vực cấm;

- Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác,...;

- Viết, phát tán, lưu hành tài liệu, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân,...

(5) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;

- Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Sàm sỡ, quấy rối tình dục;

- Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng;

Gây mất trật tự khu dân cư bị xử phạt như thế nào?

(6) Các hành vi vi phạm hành chính về giữ gìn vệ sinh chung được xử lý, xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

(7) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;

- Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

(8) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Xử lý hình sự

Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với khung hình phạt như sau:

(1) Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức;

- Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

- Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

- Xúi giục người khác gây rối;

- Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

- Tái phạm nguy hiểm.

V/ Giải đáp thắc mắc về vấn đề gây mất trật tự khu dân cư

NPLaw xin trả lời một số câu hỏi thường gặp xoay quanh vấn đề gây mất trật tự khu dân cư như sau:

1. Nhà hàng xóm 23h00 còn tổ chức nhậu nhẹt, hát karaoke gây ồn ào, mất trật tự gây ảnh hưởng cả xóm thì có bị xử phạt về gây mất trật tự khu dân cư không?

Câu trả lời là có. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Do đó, việc trong khu dân cư có hộ gia đình, cá nhân thực hiện hành vi tổ chức nhậu nhẹt, hát karaoke làm ảnh hưởng đến những hộ gia đình, cá nhân xung quanh sẽ bị xử phạt theo mức phạt trên.

2. Phát hiện hành vi gây mất trật tự khu dân cư thì báo cơ quan chức năng như thế nào?

Khi khu dân cư có tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi gây mất trật tự, Quý Khách hàng có thể liên hệ đến cơ quan công an xã, phường, thị trấn hoặc trình bày với ban quản lý khu phố hoặc cơ quan chức năng tại xã, phường, thị trấn,... để có biện pháp can thiệp.

3. Bên thuê nhà làm mất trật tự gây ảnh hưởng sinh hoạt của hàng xóm thì chủ nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà không?

Theo quy định tại Điều 29 Luật Nhà ở 2014, bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà theo định kỳ hoặc trả một lần; trường hợp Nhà nước có quy định về giá thuê nhà ở thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.

Theo Điều 132 Luật Nhà ở 2014 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở trong đó có trường hợp bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục. Do đó, trường hợp này bên cho thuê được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà ở với bên thuê.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan