Hoà giải là một thủ tục bắt buộc đối với vụ án tranh chấp đất đai. Vậy đối với vụ án thừa kế quyền sử dụng đất khi các đồng thừa kế xảy ra tranh chấp thì sẽ được giải quyết như thế nào? Liệu có phải trải qua thủ tục hòa giải như một vụ án tranh chấp đất đai thông thường hay không? NPLaw xin gửi đến quý bạn đọc những thông tin tham khảo về hoà giải tranh chấp thừa kế đất đai thông qua bài viết dưới đây.
Theo khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hoà giải.
Hướng dẫn nội dung này, khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định: Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất thì thủ tục hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
Căn cứ các quy định trên, xét thấy tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất giữa những người thừa kế không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải tại UBND xã mới đủ điều kiện khởi kiện. Do vậy người thừa kế có quyền yêu cầu TAND có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp.
Tuy nhiên đảm bảo hoà khí và mối quan hệ gia đình, NPLaw khuyến nghị những người thừa kế nên tự thỏa thuận hoặc yêu cầu UBND xã tổ chức hòa giải. Trường hợp sau khi thỏa thuận hoặc giải quyết tại UBND mà vẫn không thành thì mới chuyển sang khởi kiện tại toà án.
Nhà nước khuyến khích các bên trong tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc thông qua hoà giải cơ sở.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định rằng: “2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.”
Như vậy, khi gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai thì các bên sẽ gửi đến UBND xã nơi có đất đang tranh chấp để giải quyết chứ không phải UBND nơi cư trú để giải quyết.
Khi các bên không thể tự hoà giải thì nộp đơn yêu cầu giải quyết hòa giải tại UBND xã nơi có đất đang tranh chấp. Sau khi UBND xã đã tiếp nhận đơn thì Chủ tịch UBND xã sẽ tiến hành tổ chức buổi hoà giải. Và thời gian tổ chức tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai là trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai (khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013).
Hoà giải là thủ tục bắt buộc đối với tranh chấp đất đai. Hoà giải biện pháp mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả nhằm giúp cho các bên tranh chấp tìm ra giải pháp thống nhất để tháo gỡ những mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ pháp luật đất đai trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc tranh chấp đất đai đều không hoà giải được.
Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.”
Theo đó, nếu UBND xã hòa giải không thành thì tùy vào trường hợp mà có thể khởi kiện ra tòa hoặc nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật.
Trong bối cảnh tranh chấp đất đai diễn ra phổ biến như hiện nay, thì quy định bắt buộc hòa giải tại UBND là nhằm giảm bớt gánh nặng lên cơ quan tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp. Quá trình giải quyết của tòa án phải qua việc thu thập tài liệu, chứng cứ, số liệu từ các cơ quan quản lý về đất đai và thường diễn ra dài và mất thời gian hơn nên tất cả các vụ tranh chấp đất đai đều đưa đến tòa án giải quyết vừa đặt gánh nặng lên tòa án, vừa không đảm bảo được sự hiệu quả. Nếu hòa giải không thành thì việc hòa giải tại xã, phường, thị trấn có thể là căn cứ giúp Tòa án/ UBND cấp trên nắm vững hơn nội dung vụ án, hiểu biết rõ hơn tâm tư, tình cảm của đương sự cũng như những vướng mắc trong suy nghĩ của họ, từ đó có thể xác định được hướng giải quyết vụ án khi đưa ra xét xử/ tiếp tục hòa giải tại UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh. Đặc biệt trong vụ án thừa kế, thì các bên trong tranh chấp là những người thân trong gia đình thì việc hòa giải, tự thoả thuận sẽ được khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên trong trường hợp các đồng thừa kế không thể thoả thuận được với nhau thì sẽ khởi kiện yêu cầu giải quyết theo thủ tục của một vụ án thừa kế. Và như đã phân tích ở mục 1 thì pháp luật quy định đối với tranh chấp đất đai liên quan đến thừa kế quyền sử dụng đất không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải mà có thể khởi kiện ra toà (Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao).
Vậy có thể khởi kiện ra toà mà không qua bước hòa giải tại địa phương đối với vụ án tranh chấp đất đai liên quan đến thừa kế quyền sử dụng đất.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn