Hợp đồng mua, bán nợ được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản gồm tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Về quyền tài sản, ngoài những quyền đã rất phổ biến trong pháp luật dân sự như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu trí tuệ,... thì hiện nay một loại quyền đang dần trở nên xuất hiện nhiều hơn trong giao dịch dân sự là quyền đòi nợ. Việc chuyển giao quyền này đòi hỏi pháp luật cần có quy định về hợp đồng mua, bán nợ. Vậy quy định về hợp đồng mua, bán nợ có những nội dung gì cần lưu ý?

Hợp đồng mua bán nợ.

Tìm hiểu quy định của pháp luật về hợp đồng mua, bán nợ cùng NPLaw

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội với việc lưu thông không ngừng của các dòng tiền, nợ hay quyền đòi nợ đang được công nhận là một loại hàng hóa có có thể chuyển giao thông qua hợp đồng mua bán. Vậy để biết pháp luật có quy định như thế nào về hợp đồng mua, bán nợ để đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng, NPLaw sẽ cung cấp thông tin cho Quý Khách hàng qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý

1. Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015 (sau đây gọi là Bộ luật Dân sự 2015);

2. Thông tư 09/2015/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 17 tháng 7 năm 2015 quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Thông tư 09/2015/TT-NHNN);

3. Thông tư 19/2013/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 06 tháng 9 năm 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2016 quy định về việc mua bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi là Thông tư 19/2013/TT-NHNN).

Nội dung tư vấn

I/ Hợp đồng mua, bán nợ là gì?

1. Nợ và hợp đồng mua, bán nợ

Trước hết, nợ là nghĩa vụ trả tài sản của bên nợ đối với chủ nợ được thể hiện trong hợp đồng hoặc phát sinh quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng mua, bán nợ là văn bản minh chứng cho thỏa thuận của các bên về việc chuyển giao quyền sở hữu đối với khoản nợ và đồng thời chuyển quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ cho bên mua nợ rồi nhận tiền thanh toán của bên mua nợ. Đây là giao dịch hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nợ. Do đó, các bên có thể giao kết hợp đồng mua, bán nợ mà không cần có sự đồng ý của bên nợ.

2. Hình thức và nội dung của hợp đồng mua, bán nợ

Về hình thức, căn cứ quy định mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 09/2015/TT-NHNN, thì mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ. Như vậy, hợp đồng mua, bán nợ phải bắt buộc được lập thành văn bản.

Về nội dung, theo quy định tại Điều 13 Thông tư 09/2015/TT-NHNN thì hợp đồng mua, bán nợ gồm một số nội dung như sau:

(1) Thời gian ký kết hợp đồng mua, bán nợ;

(2) Tên, địa chỉ của các bên tham gia ký kết hợp đồng mua, bán nợ;

(3) Tên, chức danh người đại diện các bên tham gia ký kết hợp đồng mua bán nợ;

(4) Tên, địa chỉ của bên nợ và các bên có liên quan (nếu có) tới khoản nợ được mua, bán;

(5) Chi tiết khoản nợ mua, bán: Số tiền vay, thời gian vay, mục đích giá trị ghi sổ của khoản nợ đến thời điểm thực hiện mua, bán nợ;

Nội dung hợp đồng mua bán nợ.

(6) Các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên nợ đối khoản nợ được mua, bán (nếu có);

(7) Giá bán nợ, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán;

(8) Thời điểm, phương thức và thủ tục chuyển giao hồ sơ, chứng từ khoản nợ, bao gồm cả hồ sơ, tài liệu về tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có); Thời điểm bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ đối với khoản nợ của bên bán nợ;

(9) Quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ, bên mua nợ;

(10) Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng;

(11) Giải quyết tranh chấp phát sinh.

Ngoài các nội dung trên, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác trong hợp đồng mua, bán nợ không trái với quy định Thông tư 09/2015/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.

Các bên liên quan hoàn toàn thỏa thuận, quyết định về việc sửa đổi, hủy bỏ nội dung của hợp đồng mua, bán nợ trên cơ sở đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

II/ Hợp đồng mua, bán nợ như thế nào là trái pháp luật?

Hợp đồng mua, bán nợ cũng là một loại hợp đồng cho giao dịch dân sự nên phải đáp ứng các quy định có hiệu lực của hợp đồng tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 là:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra, vì hợp đồng, mua bán nợ còn được điều chỉnh bởi Thông tư 09/2015/TT-NHNN do đó, về hình thức và nội dung cần phải tuân thủ quy định của Thông tư này.

Do đó, hợp đồng mua, bán nợ trái pháp luật là hợp đồng vi phạm các quy định nêu trên.

III/ Quy định về hợp đồng mua, bán nợ tại Việt Nam

Các quy định về hợp đồng mua, bán nợ hiện hành được quy định tại Thông tư 09/2015/TT-NHNN, điều chỉnh việc mua, bán nợ như sau:

1. Bên bán nợ và bên mua nợ

Bên bán nợ là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khoản nợ đủ điều kiện được bán và bên mua nợ là tổ chức, cá nhân, bao gồm:

(1) Tổ chức, cá nhân là người cư trú sau:

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng nước chấp thuận hoạt động mua nợ;

- Tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ (không phải tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ.

(2) Tổ chức, cá nhân là người không cư trú.

Quy định pháp luật về hợp đồng mua bán nợ.

2. Nguyên tắc xây dựng hợp đồng mua, bán nợ

Hợp đồng mua, bán nợ tuân thủ nguyên tắc về mua, bán nợ được quy định tại Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN như sau:

(1) Hoạt động mua, bán nợ không trái với nội dung quy định tại hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm đã ký kết giữa bên bán nợ, khách hàng và bên bảo đảm;

(2) Hoạt động mua, bán nợ do các bên tự thỏa thuận, tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan;

(3) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Giấy phép) và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước;

(4) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ (trong đó có quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; phương thức mua, bán nợ; quy trình mua, bán nợ; quy trình định giá khoản nợ; quy trình bán đấu giá khoản nợ trong trường hợp tự đấu giá khoản nợ và quản trị rủi ro đối với hoạt động mua, bán nợ) trước thực hiện mua, bán nợ;

(5) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua nợ phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

(6) Bên bán nợ không mua lại các khoản nợ đã bán;

(7) Tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt;

(8) Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ của tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tổ chức tín dụng mẹ có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt;

(9) Trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ, thì bên bán nợ và các bên mua nợ thỏa thuận với nhau về tỷ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, phân chia giá trị tài sản đảm bảo (nếu có) cho phần nợ được mua, bán và các nội dung cụ thể khác tại hợp đồng mua, bán nợ đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật;

(10) Các khoản nợ được mua, bán nợ phải được theo dõi, hạch toán kế toán và báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật.

3. Một số lưu ý về hợp đồng mua, bán nợ

Cần lưu ý một số nội dung sau đây khi lập và thực hiện hợp đồng mua, bán nợ:

-  Hợp đồng mua, bán nợ ký trước ngày Thông tư 09/2015/TT-NHNN có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua, bán nợ phải phù hợp với quy định tại Thông tư này;

- Bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ của bên bán nợ kể từ thời điểm theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, bán nợ;

- Hợp đồng mua, bán nợ trong trường hợp mua, bán nợ từ cấp tín dụng hợp vốn là bộ phận không tách rời của hợp đồng hợp vốn, hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn ban đầu. Các nội dung quy định tại hợp đồng mua, bán nợ không trái với các nội dung quy định đối với phần nợ tại hợp đồng hợp vốn, hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn.

IV/ Giải đáp thắc mắc về hợp đồng mua, bán nợ

Xoay quanh nội dung về hợp đồng mua, bán nợ có một số thắc mắc thường gặp như sau:

1. Hợp đồng mua, bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt gồm những gì?

Theo quy định tại Điều 20 Thông tư 19/2013/TT-NHNN, hợp đồng mua, bán nợ được lập thành văn bản do Công ty Quản lý tài sản, tổ chức tín dụng và các bên liên quan (nếu có) ký kết. Hợp đồng mua, bán nợ tối thiểu bao gồm các nội dung sau:

(1) Tên, địa chỉ của bên mua nợ, bên bán nợ;

(2) Tên, địa chỉ của khách hàng vay, bên bảo đảm và các bên có liên quan (nếu có) đến khoản nợ xấu được mua, bán;

(3) Giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu được mua;

(4) Giá mua, bán nợ và phương thức thanh toán;

(5) Các hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu do tổ chức tín dụng định giá hoặc tổ chức có chức năng định giá độc lập xác định tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đề nghị mua nợ;

(6) Hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ;

(7) Thanh toán trái phiếu đặc biệt, xử lý tiền thu hồi nợ và mua lại khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản;

(8) Công ty Quản lý tài sản thay mặt tổ chức tín dụng bán nợ sử dụng số tiền thu hồi nợ của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt mà tổ chức tín dụng bán nợ được hưởng để trả nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt theo quy định Thông tư 19/2013/TT-NHNN và quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt.

(9) Quyền và nghĩa vụ của các bên, trong đó bao gồm quyền của Công ty Quản lý tài sản thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu và đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mua, bán nợ; nghĩa vụ của tổ chức tín dụng bán nợ chấp nhận việc Công ty Quản lý tài sản thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu và mua lại khoản nợ xấu khi thanh toán trái phiếu đặc biệt theo quy định tại Thông tư này; nghĩa vụ của tổ chức tín dụng bán nợ thanh toán cho Công ty Quản lý tài sản số tiền quy định tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN và các khoản tiền khác theo quy định của pháp luật.

(10) Phương thức, thời điểm hoàn thành và thủ tục chuyển giao nợ, tài sản bảo đảm và hồ sơ, tài liệu liên quan đến khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ.

Một số câu hỏi về hợp đồng mua, bán nợ.

Trường hợp khoản nợ xấu được mua, bán là khoản cấp tín dụng hợp vốn, Công ty Quản lý tài sản làm việc thông qua tổ chức tín dụng đầu mối; hợp đồng mua, bán nợ phải được ký kết bởi Công ty Quản lý tài sản và tất cả các tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn hoặc tổ chức tín dụng đầu mối được các tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn ủy quyền bằng văn bản ký kết hợp đồng mua, bán nợ với Công ty Quản lý tài sản.

2. Hợp đồng mua, bán nợ có công chứng không?

Theo quy định của pháp luật, hợp đồng mua, bán nợ đã hợp pháp khi đáp ứng yêu cầu về nội dung, hình thức, một số yêu cầu kèm theo đối với một số cách thức mua, bán nợ nhất định. Vì vậy, loại hợp đồng này không bắt buộc các bên phải công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, nếu xét thấy cần thiết đồng thời có thể phòng tránh những rủi ro pháp lý các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc công chứng hoặc chứng thực hợp đồng mua, bán nợ. Như vậy, hợp đồng mua, bán nợ phải bắt buộc được lập thành văn bản và không bắt buộc phải công chứng.

V/ Dịch vụ soạn thảo hợp đồng mua bán nợ

Một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ soạn thảo hợp đồng mua, bán nợ uy tín là Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (hay còn gọi là NPLaw). Khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi, quý khách sẽ được hỗ trợ tận tình bởi các chuyên viên và Luật sư có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm dày dặn. Quý khách sẽ được nghe ý kiến tư vấn về các quy định đối với hợp đồng mua, bán nợ cũng như hỗ trợ soạn thảo loại hợp đồng này. Đến với dịch vụ của NPLaw, Quý Khách hàng hoàn toàn có thể an tâm về chất lượng dịch vụ, giúp cho việc giao kết, soạn thảo và thực hiện hợp đồng mua, bán nợ trở nên dễ dàng hơn.


Trên đây là nội dung về hợp đồng mua, bán nợ. Quý Khách hàng cần biết việc tìm hiểu các quy định về loại hợp đồng này có vai trò quan trọng như thế nào với mỗi chúng ta. Đó chính là lý do dịch vụ tư vấn, hỗ trợ soạn thảo hợp đồng mua, bán nợ ra đời nhằm giúp Quý Khách hàng giải quyết vấn đề của mình một cách nhanh chóng và trọn vẹn. NPLaw rất hân hạnh trở thành đơn vị đồng hành, cung cấp dịch vụ này cho Quý Khách hàng. Đừng ngần ngại liên hệ cho chúng tôi qua hotline 0913449968 hoặc truy cập trang web nplaw.vn để biết thêm thông tin chi tiết.

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan
  • TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG SAU LY HÔN

    TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG SAU LY HÔN

    Mục lục Ẩn I. Tranh chấp tài sản chung sau khi khi ly hôn 1.1 Hiểu thêm về tranh chấp tài sản II. Giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn 2.1 Chia tài sản tranh chấp 2.1.1 Tài sản chung là gì? 2.1.2 Nguyên...
    Đọc tiếp
  • TRƯỜNG HỢP TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI KHÔNG CÓ SỔ ĐỎ

    TRƯỜNG HỢP TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI KHÔNG CÓ SỔ ĐỎ

    Theo quy định của pháp luật thì căn cứ để xác định quyền sử dụng đất của một cá nhân, tổ chức là dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và một số giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013....
    Đọc tiếp
  • TƯ VẤN PHÁP LÝ THỪA KẾ, ĐÃ CÓ NPLAW!

    TƯ VẤN PHÁP LÝ THỪA KẾ, ĐÃ CÓ NPLAW!

    Tư vấn pháp luật thừa kế hiện đang là một trong những dịch vụ phổ biến nhất của các đơn vị thực hiện chức năng tư vấn, cung cấp dịch vụ pháp lý. Mỗi người chúng ta đều ít nhiều đang có liên quan đến quan hệ pháp luật về...
    Đọc tiếp
  • GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

    GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

    Tranh chấp lao động là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm hiện nay. Một trong những vấn đề pháp lý quan trọng đó là việc giải quyết các tranh chấp lao động. Vậy hiểu thế nào là tranh chấp lao động và giải...
    Đọc tiếp
  • TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

    TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

    Hiện nay, tranh chấp lao động là một vấn đề rất đáng quan tâm, khi mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về kinh tế, đời sống của người dân ngày càng tăng cao; bên cạnh đó các doanh nghiệp cạnh tranh hết sức khốc liệt....
    Đọc tiếp
  • Xử phạt hành vi ép buộc kết hôn

    Xử phạt hành vi ép buộc kết hôn

    Mục lục Ẩn I. Thực trạng ép buộc kết hôn hiện nay II. Quy định pháp luật về ép buộc kết hôn 1. Định nghĩa ép buộc kết hôn 2. Các hành vi được xem là ép buộc kết hôn 3. Hành vi ép buộc kết hôn có được xem là...
    Đọc tiếp