Hợp đồng vay tiền cá nhân với công ty là bằng chứng pháp lý có giá trị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay và bên vay. Có thể nói, hiện nay, vay tiền là hình thức khá phổ biến đối với mỗi cá nhân, tổ chức khi gặp khó khăn về kinh tế. Vậy quy định về hợp đồng vay tiền cá nhân với công ty được quy định như thế nào? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, trong bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp một số thông tin đến bạn đọc.
Hợp đồng được hiểu là “sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (Điều 385 Bộ luật dân sự 2015). Còn hợp đồng vay tài sản là “sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” (điều 463 Bộ luật Dân sự 2015).
Theo đó, có thể hiểu hợp đồng vay tiền cá nhân với công ty là sự thoả thuận giữa cá nhân với công ty. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay đúng số lượng và phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.
Hợp đồng vay tiền cá nhân với công ty thường có hai loại:
- Hợp đồng vay tiền có kỳ hạn thanh toán và không có lãi suất: với loại hợp đồng này, bên vay có thể hoàn trả số tiền đã vay trước thời hạn thanh toán trên hợp đồng. Nhưng phải báo trước và nhận được sự đồng ý của bên cho vay. Đồng thời, bên cho vay có quyền đòi lại toàn bộ số tiền đã cho vay nếu như bên vay đồng ý chấp nhận yêu cầu.
- Hợp đồng vay tiền có kỳ hạn thanh toán và có lãi suất: hợp đồng này cho phép bên vay được quyền trả toàn bộ số tiền đã vay trước kỳ hạn ghi trên hợp đồng kèm theo toàn bộ lãi suất của hạn vay.
Quy định về lãi suất
Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Khi các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại thời điểm trả nợ (Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015).
Quy định về nghĩa vụ của bên cho vay
Bên cho vay giao tiền cho bên vay đầy đủ, đúng số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định của pháp luật. (Căn cứ điều 465 Bộ Luật Dân sự 2015)
Quy định về nghĩa vụ của bên vay
Bên vay phải trả đủ tiền khi đến hạn. Đối với hợp đồng vay tiền không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 tại thời điểm trả nợ.
Còn đối với hợp đồng vay tiền có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: (Căn cứ khoản 5 điều 466 Bộ Luật Dân sự 2015)
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Hợp đồng vay tiền cá nhân với công ty sẽ có một số điều khoản cơ bản sau:
- Số tiền vay.
- Mục đích vay.
- Thời hạn và phương thức vay.
- Lãi suất vay.
- Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay.
- Quyền và nghĩa vụ của bên vay.
- Các biện pháp bảo đảm.
- Trách nhiệm chi trả những phí tổn có liên quan đến hợp đồng.
- Hiệu lực của hợp đồng.
Thủ tục và hồ sơ vay tiền cá nhân với công ty có thể thực hiện “bằng tiền mặt hoặc qua phương thức chuyển khoản” (Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 09/2015/TT-BTC). Trong đó bao gồm:
- Hợp đồng vay tiền cá nhân với công ty (Pháp luật không có quy định về hình thức đối với hợp đồng này, tuy nhiên nên lập thành văn bản và công chứng).
- Chứng minh thư/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của cá nhân
- Chứng từ thanh toán: Phiếu thu (đối với tiền mặt), Giấy báo có của ngân hàng (đối với chuyển khoản)
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân và chứng từ nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản lãi vay ( nếu cá nhân cho vay có tính lãi).
- Biên bản kiểm kê tiền mặt (đếm số lượng).
Căn cứ điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Theo đó, các bên có thể thỏa thuận về lãi suất mà tối đa là 20%/năm, nếu vượt quá mức này thì hợp đồng sẽ vô hiệu. Bên cạnh đó, để biết được lãi suất phải trả khi thực hiện hợp đồng vay tiền cá nhân với công ty ở mức bao nhiêu thì cần phải biết được lãi suất tối thiểu của đơn vị cho vay là bao nhiêu, khả năng chi trả của bên vay khi đến kỳ hạn khoảng bao nhiêu, thời hạn thanh toán có đúng theo yêu cầu của hợp đồng hay không.
Thông thường, các công ty cho vay sẽ tính lãi suất theo cách sau:
- Tính lãi suất trên số dư nợ giảm dần: là lãi suất được tính dựa trên số tiền mà khách hàng hiện tại còn đang nợ.
- Tính lãi suất trên phần dư nợ gốc: lãi suất sẽ được tính dựa trên tổng số tiền ngay từ ban đầu của người vay, mức lãi suất sẽ được duy trì bằng nhau trong suốt quá trình cho vay.
Việc soạn thảo hợp đồng vay tiền cá nhân với công ty khá chi tiết, chặt chẽ vì vậy đòi hỏi cần có người am hiểu chuyên sâu các vấn đề pháp lý về vấn đề này. Theo đó cần có dịch vụ soạn thảo vay tiền cá nhân với công ty bởi:
- Dịch vụ soạn thảo hợp đồng vay tiền sẽ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian hơn, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
- Khi sử dụng dịch vụ, khách hàng sẽ tránh được những rủi ro trong tương lai nhờ việc điều chỉnh các điều khoản phù hợp với quy định của pháp luật và hoàn cảnh thực tiễn.
- Việc soạn thảo hợp đồng vay tiền yêu cầu hiểu biết chuyên sâu về các quy định của pháp luật liên quan.
- Soạn thảo chính xác hợp đồng vay tiền dựa trên yêu cầu của khách hàng và quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo lợi ích tối đa của khách hàng và cân bằng lợi ích các bên trong hợp đồng.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn