MỘT SỐ LƯU Ý VỀ BÌNH CHỮA CHÁY

Bình chữa cháy là vật dụng bắt buộc hoặc khuyến khích trang bị đối với một số loại hình cơ sở kinh doanh và hộ gia đình. Đây là vật dụng có vai trò cấp thiết trong công tác phòng cháy chữa cháy. Việc bố trí và sử dụng bình chữa cháy cần tuân thủ một số quy định pháp luật.

Tìm hiểu quy định pháp luật về bình chữa cháy dễ dàng hơn cùng NPLaw

Có phải toàn bộ gia đình, doanh nghiệp đều phải trang bị bình chữa cháy? Bố trí bình chữa cháy như thế nào là đúng quy chuẩn? Tất cả sẽ có trong nội dung bài viết dưới đây của NPLaw.

A. Cơ sở pháp lý

1. Nghị định 144/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2021 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;

2. Nghị định số 136/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2020 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

3. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7435-1:2004 (ISO 11602-1:2000).

B. Nội dung tư vấn

I. Các cơ sở kinh doanh nào bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy?

Một số cơ sở kinh doanh như chợ, siêu thị, nhà hát, rạp xiếc, rạp chiếu phim, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ,... và một số nơi khác như nhà, tòa nhà, bệnh viện, trường học,... có nguy cơ cháy, nổ cao bắt buộc trang bị các thiết bị và tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy, trong đó có trang bị bình chữa cháy. Tuy nhiên, trách nhiệm phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của toàn cộng đồng. Do đó, đối với những nơi không có trong quy định pháp luật không có nghĩa là không cần thiết trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy.

II. Không trang bị bình chữa cháy sẽ bị xử phạt bao nhiêu?

Các cơ sở có hành vi không trang bị bình chữa cháy theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt hành chính với mức thấp nhất là 5.000.000 đồng và cao nhất là 25.000.000 đồng. Tuy nhiên, số tiền thiệt hại trong trường hợp xấu nhất là có cháy xảy ra sẽ còn cao hơn số tiền bị phạt rất nhiều và có khả năng gây thiệt hại về người. Chính vì vậy các cơ sở nên có ý thức thực hiện tốt các quy tắc về phòng cháy, chữa cháy và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cơ giới đầy đủ và đúng tiêu chuẩn.

III. Quy định về trang bị bình chữa cháy gồm những nội dung gì?

Một số nội dung mà pháp luật hiện hành quy định về việc trang bị bình chữa cháy như sau:

1. Việc phân bố các bình chữa cháy được quy định như thế nào?

Một số quy định về việc phân bố bình chữa cháy theo pháp luật hiện hành như sau:

  • Ở các khu vực, các hạng mục ở trong nhà và các công trình có mức nguy hiểm về cháy nổ, bao gồm cả những khu vực được trang bị hệ thống chữa cháy đều phải trang bị bình chữa cháy có bánh xe hoặc bình chữa cháy xách tay;
  • Trong các khu vực có nguy cơ về chữa cháy có nguy cơ chữa cháy hoặc nơi mà con người không thể đi vào được thì phải trang bị các bình chữa cháy tự động;
  • Chú ý bố trí bình chữa cháy tự động phải đảm bảo phù hợp với diện tích cần được bảo vệ, cùng với chiều cao để đặt hoặc treo của từng loại bình. Mức nguy hiểm về cháy, nổ được phân thành ba bậc là cao, trung bình, thấp và tương ứng với ba mức này là loại bình và khoảng cách di chuyển đến nơi để bình dao động từ 15m đến 20m.

2. Nơi đặt bình chữa cháy cần lưu ý điều gì?

Vị trí đặt bình chữa cháy ngoài việc tuân thủ theo các quy chuẩn của pháp luật cần lưu ý thêm một số nội dung như sau:

  • Đặt bình tại nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp;
  • Đặt bình tại nơi lối đi hoặc ở vị trí mà tất cả mọi người đều có thể quan sát và dễ dàng lấy ra sử dụng khi có sự cố về cháy, nổ;
  • Dùng giá treo bình trong trường hợp muốn tiết kiệm diện tích của không gian và tránh việc va chạm làm hỏng, ngả bình.

IV. Giải đáp một số thắc mắc về đặt bình chữa cháy

Xoay quanh vấn đề quy định về bình chữa cháy có một số câu hỏi được NPLaw giải đáp như sau:

1. Có quy định nào về việc khi bố trí lại vị trí bình chữa cháy cần mời công an đến thẩm duyệt lại về phòng cháy chữa cháy hay không?

Khi thi công các dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm lập dự án thiết kế có nội dung về phòng cháy, chữa cháy và có sự thẩm định phê duyệt của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy mới được tiến hành. Trường hợp trong quá trình thi công có điều chỉnh thiết kế, phương án bố trí thiết bị phòng cháy, chữa cháy (trong đó có bình chữa cháy) thì phải có sự thẩm duyệt nội dung thay đổi từ phía cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

2. Hộ gia đình có cần trang bị bình chữa cháy không?

Các hộ gia đình cần phải tuân thủ các quy tắc chung về phòng cháy, chữa cháy. Đối với hộ gia đình có kết hợp kinh doanh, sản xuất phải đảm bảo một số yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy như:

  • Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
  • Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
  • Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
  • Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể bắt buộc tất cả các hộ gia đình trang bị bình chữa cháy. Tuy nhiên, bình chữa cháy không chiếm quá nhiều diện tích nhà ở mà còn có vai trò quan trọng có khả năng dập tắt cháy trong thời gian ngắn. Do đó, để ứng phó kịp thời trong trường hợp xảy ra cháy, nổ, các hộ gia đình nên trang bị bình chữa cháy.

3. Nhà ăn cần bố trí bình chữa cháy ở đâu là phù hợp?

Bình chữa cháy tại nhà ăn được phân bổ tùy vào diện tích và mức độ của nguy cơ gây cháy, nổ. Bình chữa cháy phải được lắp đặt sao cho khoảng cách di chuyển lớn nhất đến nơi đặt bình dao động từ 15m đến 20m. Ngoài ra, nhà ăn phải có số lượng bình chữa cháy dự trữ không ít hơn 10% tổng số bình để trang bị thay thế khi cần thiết. Bình chữa cháy được bố trí ở vị trí thiết kế. Không được để bình chữa cháy tập trung một chỗ.

V. Tìm luật sư tư vấn về an toàn phòng cháy chữa cháy trong kinh doanh

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) hiện có cung cấp dịch vụ pháp lý nói chung và tư vấn về vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy trong kinh doanh nói riêng. Xét thấy đây là một vấn đề cần được dành sư quan tâm lớn nhằm phòng tránh các sự cố về cháy, nổ đáng tiếc có thể xảy ra. Quý Khách hàng có mong muốn được nghe tư vấn cũng như được Luật sư hướng dẫn giải quyết các vụ việc có liên quan đến nội dung này vui lòng liên hệ với NPLaw để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn về các quy định pháp luật cụ thể. Với nghiệp vụ chuyên môn cao, NPLaw hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm dịch vụ pháp lý chất lượng và uy tín đến với Quý Khách hàng.

Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về bình chữa cháy. Đây là vật dụng quan trọng trong công tác phòng cháy chữa cháy. Do đó, các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh cần tìm hiểu quy định về bố trí bình chữa cháy để tuân thủ thực hiện. Trong trường hợp còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ NPLaw để được tư vấn và hướng dẫn giải quyết. Trân trọng cảm ơn Quý Khách hàng.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan