Pháp luật cho phép chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tự mình thực hiện các hành vi bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản của mình. Nghĩa là chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể dùng bất kỳ biện pháp nào mà pháp luật không cấm để bảo vệ tài sản và quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của mình tránh các hành vi xâm hại. Trong đó có phương thức “kiện đòi tài sản”. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp cho bạn một số vấn đề cần lưu ý đối với phương thức này.
Như chúng ta biết, kiện đòi tài sản là một trong những phương thức bảo vệ quyền sở hữu tồn tại từ rất lâu đời, được áp dụng trong bối cảnh chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp bị mất quyền chiếm hữu tài sản của mình. Kiện đòi lại tài sản là cách thức giúp chủ sở hữu đòi lại tài sản thuộc sở hữu của mình mà đang không được chiếm hữu tài sản đó.
Theo Từ điển tiếng việt: “Kiện” được hiểu là: “yêu cầu xét xử việc người khác đã làm thiệt hại đến mình” còn “đòi” là: “nói cho người khác biết phải trả hoặc trả lại các quyền thuộc về mình. Như vậy, có thể hiểu kiện đòi tài sản là việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu Tòa án xét xử buộc người đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản của mình phải trả lại tài sản đó cho mình
Về phương thức này cũng đã được pháp luật dân sự ghi nhận cụ thể tại Điều 166 Khoản 1 nên có thể xem đây là một phương thức kiện khá phổ biến và áp dụng nhiều để bảo vệ quyền của chủ sở hữu đối với tài sản. Theo đó, có thể hiểu kiện đòi tài sản là việc của chủ sở hữu hay là chủ thể khác có quyền khác đối với tài sản yêu cầu phía Tòa án hoặc phía cơ quan NN có thẩm quyền khác buộc người chiếm hữu; sử dụng hoặc người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải trả lại tài sản cho mình.
Chủ thể có quyền kiện đòi tài sản:
Theo quy định pháp luật thì quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Theo đó, Điều khoản 2 Điều 164 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.” và Điều khoản 1 Điều 166 quy định: “1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.”. Theo đó, người có quyền kiện đòi tài sản bao gồm:
- Chủ sở hữu tài sản: Để được coi là chủ sở hữu tài sản, tài sản phải được xác lập trên các căn cứ do pháp luật quy định. Tuy nhiên trên thực tế không phải chủ thể nào cũng có quyền sở hữu đối với một số loại tài sản nhất định.
- Chủ thể có quyền khác đối với tài sản: Quyền khác đối với tài sản được quy định tại Điều 159 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.
2. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:
a) Quyền đối với bất động sản liền kề;
b) Quyền hưởng dụng;
c) Quyền bề mặt”.
Trên thực tế, việc nắm giữ, quản lý tài sản có thể được thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào, tuy nhiên, pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể chiếm hữu nếu việc chiếm hữu đó dựa trên cơ sở pháp lý do pháp luật quy định. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc kiểm soát tài sản dựa trên các quy định của pháp luật và được quy định tại Điều 165 Bộ luật dân sự 2015. Như vậy, quyền chiếm hữu của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp được pháp luật thừa nhận, bảo vệ. Khi bị xâm phạm, họ có quyền yêu cầu Tòa án xét xử để đòi tài sản từ người đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Khi tham gia tố tụng, người kiện đòi tài sản phải chứng minh tư cách sở hữu, chiếm hữu hợp pháp đối với vật đang bị chiếm giữ bất hợp pháp.
Chủ thể bị khởi kiện:
Theo Khoản 1 Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015, người bị kiện có thể là một trong những chủ thể sau: người chiếm hữu, sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản có thể là người có hành vi trái pháp luật như trộm cắp tài sản hoặc nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên mà không thông báo công khai, không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền, cũng có thể là người thứ ba đã nhận chuyển giao tài sản qua một giao dịch với người không có quyền định đoạt tài sản... Khi tài sản rời khỏi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp ngoài ý chí của họ thì người đang chiếm hữu thực tế đều phải trả lại tài sản, ngoài ra “... phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật” Khoản 1 Điều 581 Bộ luật dân sự 2015
Cũng giống như những phương thức bảo vệ khác thì phương thức kiện đòi tài sản để có thể được thực hiện cũng phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo pháp luật dân sự, phương thức kiện đòi tài sản chỉ được áp dụng khi có yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người có quyền khác đối với tài sản. Thế nhưng để có thể yêu cầu được Tòa án hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác áp dụng phương thức này thì chủ sở hữu hay chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chứng minh được mình đã đáp ứng đầy đủ những điều kiện theo pháp luật để kiện đòi tài sản, những điều kiện đó bao gồm:
Một là, điều kiện về chủ thể kiện đòi tài sản
Phải đáp ứng những điều kiện như: Chủ thể kiện đòi tài sản trước hết phải là người có năng lực hành vi tố tụng dân sự, đồng thời chủ thể đó phải chứng minh được mình là chủ sở hữu hoặc là chủ thể có quyền khác đối với tài sản một cách hợp pháp. Đồng thời chủ thể bị kiện đòi phải là người chiếm hữu hoặc là người sử dụng tài sản hay là người được hưởng lợi từ tài sản mà không có căn cứ pháp luật. Việc xác định tính chất chiếm hữu tài sản của người bị kiện là ngay tình hay không ngay tình có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết vụ án bởi điều này không chỉ làm cơ sở để đáp ứng hay không yêu cầu lấy lại tài sản của nguyên đơn mà còn để giải quyết các hệ quả liên quan như yêu cầu người đã trực tiếp chuyển giao tài sản cho mình phải thanh toán chi phí (Điều 583 Bộ luật Dân sự 2015) cũng như nghĩa vụ của người chiếm hữu trong việc hoàn trả hoa lợi, lợi tức phát sinh trong thời gian chiếm hữu tài sản (Điều 581 Bộ luật dân sự 2015).
Hai là, điều kiện đối với tài sản có thể xem là đối tượng để kiện đòi
Theo quy định pháp luật và trên thực tế có nhiều loại tài sản khác nhau. Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Tuy vậy do đặc thù của phương thức kiện đòi lại tài sản nên không phải tất cả những tài sản trên đều là đối tượng của kiện đòi lại tài sản. Do đó để có thể trở thành đối tượng để kiện đòi thì tài sản đó phải đáp ứng được một số điều kiện như: Phải còn và có thể xác định được, đồng thời không thuộc những trường hợp mà pháp luật cấm hay quy định là không được đòi tài sản như là tài sản đã được đăng ký hợp pháp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc là tài sản được mua thông qua đấu giá, hay một số giao dịch được thực hiện trên cơ sở thi hành bản án hay quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng có sửa đổi hay bị hủy sau đó.
Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ khởi kiện là công việc quan trọng nó quyết định việc Tòa án có chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn hay không? Do đó danh sách tài liệu có trong hồ sơ khởi kiện luật sư chia sẻ là để khách hàng nắm được nên kiện toàn những chứng cứ, tài liệu gì. Người chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cần xác định vai trò của từng chứng cứ và giá trị của chứng cứ hợp pháp trước khi cho vào hồ sơ.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
– Các loại tài liệu chứng minh nhân thân trong quá trình khởi kiện của người bị xâm phạm về tài sản: chứng minh nhân dân/căn cước công dân, sổ hộ khẩu của người khởi kiện, của các đương sự trong vụ việc và các đối tượng liên quan khác hoặc giấy ủy quyền (nếu có). Đối với tổ chức thì có thể là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
– Các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và đúng yêu cầu pháp luật.
– Các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho lỗi hay sự vi phạm nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch.
– Bản kê khai tài liệu kèm theo đơn khởi kiện đòi tài sản.
– Biên lai đã nộp lệ phí hoặc tiền tạm ứng án phí theo đúng quy định pháp luật.
– Các tài liệu, chứng cứ để chứng minh nội dung tranh chấp khác.
Bước 1: Các chủ thể có yêu cầu nộp đơn, hồ sơ khởi kiện ( Điều 190 BLTTDS năm 2015)
Bước 2: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện. (Điều 191 BLTTDS 2015)
- Kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện trong thời hạn ba ngày làm việc, Chánh án tòa án nơi tiếp nhận đơn khởi kiện phân công một thẩm phán thực hiện xem xét nội dung đơn khởi kiện.
- Kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện trong thời hạn năm ngày làm việc, Thẩm phán xem xét nội dung đơn khởi kiện và đưa ra một trong số các quyết định sau đây:
+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. ( Điều 193 BLTTDS 2015)
+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục do pháp luật quy định.
+ Chuyển đơn khởi kiện cho cơ quan Toà án có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khởi kiện đối với trường hợp vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác.
+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện trong trường hợp vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Toà án.
Bước 3: Thụ lý vụ án
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn