QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ TỘI DÂM Ô TRẺ EM NHƯ THẾ NÀO?

“Dâm ô trẻ em” - Một trong những tệ nạn nguy hiểm, cần có biện pháp phòng ngừa, răn đe, trừng trị cho hành vi này. Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý để bảo vệ an toàn cho con em của mình. Tội phạm này ngày càng diễn ra nhiều, người gây án thì có thái độ coi thường pháp luật. Vậy để hiểu chính xác về cụm từ “dâm ô trẻ em” cũng như mức độ nguy hiểm của tội phạm này, các quy định hiện hành của pháp luật về tội dâm ô trẻ em như thế nào? Hãy cùng NPLAW tham khảo bài viết dưới đây nhé!

I. Thực trạng về tội dâm ô trẻ em hiện nay

“Dâm ô trẻ em” là một vấn đề đáng lên án hiện nay. Theo tạp chí điện tử Luật Sư Việt Nam đưa tin ngày 13/02/2023 về việc bạo hành, xâm hại tình dục ở trẻ em thì theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an: “Mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Số liệu thống kê năm 2016 của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho thấy, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội trên toàn quốc đã phát hiện hơn 1373 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với hơn 1352 đối tượng; trong đó đã khởi tố hàng trăm vụ án hiếp dâm trẻ em (chiếm 30,1%), với 438 bị can (chiếm 32,3%); 465 vụ án giao cấu với trẻ em (chiếm 33,8%), với 461 bị can (chiếm 34,1%). Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong 5 năm (từ năm 2012 - 2016), Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 9.305 vụ với 10.656 bị cáo. Trong đó, đưa ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm 8.674 vụ (chiếm 93,2%), với 9.873 bị cáo (chiếm 92,65%).”

- Nêu một vài vụ án lớn về tội dâm ô trẻ em

Vụ án 1: Một trong các vụ án lớn gây rúng động thế giới về tội dâm ô trẻ em là câu chuyện cô bé Nayoung 8 tuổi trở thành nạn nhân trong vụ ấu dâm và đánh đập dã man đã gây nên niềm căm phẫn trên khắp đất nước Hàn Quốc vào cuối năm 2008. Hung thủ gây ra vụ việc là một người đàn ông có tên Jo Doo Soon, 57 tuổi. Nayoung đã bị bắt cóc trên đường đi học về, cô bé bị gã hung thủ bất lương lôi tới một phòng vệ sinh công cộng đánh đập và giở trò đồi bại.Vụ tấn công đã gây nên những tổn thương nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần đối với cô bé Nayoung dù em mới 8 tuổi. Em đã phải trải qua những ca phẫu thuật đau đớn để phục hồi một số bộ phận bị tổn thương nặng nề cũng như điều trị tâm lý trong thời gian dài để có thể vượt qua nỗi đau kinh hoàng đầy ám ảnh. Tuy nhiên, vụ việc đã gây nên bức xúc trong dư luận khi kẻ phạm tội chỉ bị kết án 12 năm tù giam. Sau này, vụ án của Nayoung được chuyển thể thành phim tạo nên tiếng vang lớn và như một lời chuông cảnh tỉnh tới các bậc phụ huynh về vấn đề an toàn của con em mình.

Vụ án 2: Gây nhức nhối dư luận cả Việt Nam và Nhật Bản vào năm 2017, chính là vụ án của bé gái người Việt tên là Nhật Linh, Nhật Linh ra khỏi nhà đi học như bao ngày khác nhưng sau đó cô giáo gọi điện về thông báo em không đến trường. Gia đình tìm không thấy con mới gọi cảnh sát báo mất tích. Không lâu sau đó đã tìm thấy thi thể của Nhật Linh. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, trên thi thể của bé gái người Việt còn lưu lại nhiều vết bầm tím và vết cào. Đây chính là bằng chứng cho thấy bé đã phản ứng dữ dội trước sự tấn công của kẻ bắt cóc. Và điều khiến người ta phẫn nộ hơn cả đó là cảnh sát cũng phát hiện bé Nhật Linh có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Khi biết được hung thủ gây án, dư luận Nhật Bản càng sốc nặng vì hung thủ là Kamimasa Shibuya (40 tuổi) không chỉ là Hội trưởng hội phụ huynh trường tiểu học nơi bé Nhật Linh đang theo học mà còn là bố của bạn cùng lớp của em. 

Từ những vụ việc trên cho thấy, vấn nạn dâm ô trẻ em hay còn gọi là ấu dâm, là vấn nạn nguy hiểm vô cùng phức tạp, hung thủ có thể là bất kỳ ai, lợi dụng lòng tin và sơ hở của các bậc phụ huynh để tiếp cận, tìm kiếm cơ hội gây án với nạn nhân. 

II. Dâm ô trẻ em là gì?

Theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em 2016 thì: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. 

Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành 01/10/2019 quy định về hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi như sau: 

Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 được xem là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:

Một là, thực hiện hành vi dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc. Ví dụ như đụng chạm, cọ xát, chà xát... với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

Hai là, dùng bộ phận khác trên cơ thể. Ví dụ như tay, chân, miệng, lưỡi... tiếp xúc như vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm… với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

Ba là, dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi như đụng chạm, cọ xát, chà xát…;

Bốn là, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác như vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...;

Năm là, các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục như hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi.

III. Quy định của pháp luật về tội dâm ô trẻ em theo Bộ luật hình sự 2015 được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, cụ thể:

  • Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 
  • Người phạm tội bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, nếu thuộc một trong các tội sau:

+) Một, thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức;

+) Hai, thực hiện hành vi phạm tội 02 lần trở lên;

+) Ba, thực hiện hành vi phạm tội đối với 02 người trở lên;

+) Bốn, thực hiện hành vi phạm tội đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

+) Năm, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+) Sáu, tái phạm nguy hiểm.

  • Người phạm tội bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm, nếu thuộc một trong các tội:

+) Một, người phạm tội gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+) Hai, người phạm tội làm nạn nhân tự sát.

  • Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm đối với hình phạt bổ sung.

Từ những quy định pháp luật cho thấy:

  • Khách thể của tội dâm ô người dưới 16 tuổi là xâm phạm đến quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm, danh dự, và sự phát triển bình thường của người bị hại.
  • Chủ thể của tội dâm ô người dưới 16 tuổi có thể là nam hoặc nữ, trên thực tế xét xử chủ yếu là nam, là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
  • Mặt khách quan của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mang đặc điểm thỏa mãn hoặc khơi gợi, khiêu khích nhu cầu tình dục như sờ, bóp hoặc dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục cọ xát vào cơ thể hoặc bộ phận sinh dục của trẻ em; có hành vi buộc trẻ em sờ, bóp, cọ sát ... vào những bộ phận kích thích tình dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác, đây được xem là các hành vi tình dục nhưng không phải giao cấu. Trẻ em bị dâm ô có thể đồng tình, tự nguyện hoặc bị cưỡng ép thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội. Tuy nhiên, việc tự nguyện của nạn nhân không phải là căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội bởi vì độ tuổi và nhận thức của nạn nhân rất non nớt, chưa được xem là trưởng thành để đủ chín chắn nhìn nhận được việc bản thân đang bị xâm hại. Trẻ em có thể bị hành vi dâm ô tác động đến thân thể hoặc có thể chỉ bị chứng kiến những hành vi dâm ô. Tội này là tội có cấu thành hình thức, tức là khi điều tra xét xử không căn cứ vào hậu quả và những tổn hại của nạn nhân mà chỉ xét về hành vi vi phạm của người thực hiện tội phạm để xác định trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp người có ý định dâm ô nhưng chưa có hành vi cụ thể nào thể hiện ý định dâm ô thì không cấu thành tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.  
  • Mặt chủ quan của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thông thường tội này thuộc hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Tùy vào mức độ nguy hiểm và tính chất, hậu quả mà người phạm tội gây ra có thể bị xử phạt hành chính, nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khung hình phạt quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

IV. Tội dâm ô trẻ em bị xử lý như thế nào?

Xét từng trường hợp, tùy vào tính chất, hành vi phạm tội của từng vụ án mà có các mức xử lý hành vi vi phạm khác nhau đối với tội dâm ô trẻ em, có thể xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự. 

1. Xử lý tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi như thế nào?

Tội dâm ô trẻ em dưới 16 tuổi được pháp luật hình sự điều chỉnh theo 3 khung hình phạt chính:

Khung hình phạt thứ nhất: Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp người đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác.

Khung hình phạt thứ hai: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, nếu thuộc một trong các tội: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Tái phạm nguy hiểm.

Khung hình phạt thứ ba: Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm, nếu thuộc một trong các tội: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát. 

Đối với hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với hành vi phạm tội nhưng chưa đến mức phạt hình sự thì mức phạt hành chính theo Điểm d Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình ban hành ngày 31/12/2021 cụ thể người phạm tội có thể bị phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi thực hiện hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu TNHS.

Một số trường hợp loại trừ xử lý hình sự quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP đối với dâm ô trẻ em bao gồm:

Thứ nhất, người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục. Ví dụ như cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non ... những hành vi này không được xem là tội dâm ô nên không bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, trường hợp người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục. Ví dụ như bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước ... các hành vi này không được xem là tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nên không bị xử lý trách nhiệm hình sự. 

2. Mức phạt hành chính hành vi dâm ô trẻ em là bao nhiêu?

Mức phạt hành chính đối với hành vi dâm ô trẻ em được quy định tại điểm d khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể trường hợp dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu TNHS thì có thể bị phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. 

V. Những câu hỏi thường gặp về tội dâm ô trẻ em

1. Lỗi của người phạm tội dâm ô trẻ em là lỗi cố ý hay lỗi vô ý?

Mặt chủ quan của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thông thường tội này thuộc hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Mục đích của hành vi này nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục hoặc kích thích, khơi gợi nhu cầu tình dục của người dưới 16 tuổi. Do vậy để đạt được mục đích này họ mong muốn thực hiện hành vi dâm ô đối với trẻ em hoặc chấp nhận hành vi của mình có thể là dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

2. Bị người tâm thần sờ vào vùng nhạy cảm thì bị xử lý tội Dâm ô không?

Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Vì vậy người tâm thần mà mất năng lực trách nhiệm hình sự sờ vào vùng nhạy cảm thì không bị xử lý về tội dâm ô.

Trên đây là bài viết về các quy định liên quan tội dâm ô trẻ em, hy vọng giúp bạn có được những kiến thức pháp lý hữu ích. Bạn cần tư vấn và hỗ trợ các vấn đề pháp lý, đừng ngần ngại liên hệ ngay NPLAW theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan