Chứng minh trong tố tụng hình sự là một dạng của quá trình nhận thức; nên nó tuân thủ không chỉ các quy luật khách quan của chủ nghĩa duy vật biện chứng; mà còn phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật tố tụng hình sự. Hiện nay, hoạt động kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ để chứng minh có hay không có hành vi phạm tội như cáo trạng của VKS đã truy tố được thực hiện tại phiên tòa là căn cứ để Hội đồng xét xử khẳng định được rằng tội phạm đã xảy ra, xác định người thực hiện tội phạm. Để hiểu rõ hơn vấn đề này; hãy cùng NPLaw tìm hiểu vấn đề: “Chứng minh trong Tố tụng hình sự.”
Chứng minh thực chất là một quá trình nhận thức, mà nhận thức phải có chủ thể nhận thức (nghĩa là ai nhận thức?) và khách thể nhận thức (nghĩa là nhận thức cái gì?). Những chủ thể được Nhà nước trao cho quyền được thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự, họ không phải là người chứng kiến những gì đã xảy ra nhưng họ lại là người phải có nghĩa vụ nhận thức nó để giải quyết vụ án. Vì vậy, trong một vụ án hình sự, việc tìm ra sự thật thực chất là khôi phục lại, tạo dựng lại những gì đã xảy ra trong quá khứ để chứng minh những tình tiết liên quan đến vụ án.
Chứng minh trong tố tụng hình sự là quá trình các cơ quan và người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ nhằm xác định và làm rõ đối tượng chứng minh làm căn cứ giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến vụ án hình sự.
Quá trình chứng minh có các đặc điểm sau đây:
Đối tượng chứng minh ở mỗi vụ án có những phạm vi và yêu cầu khác nhau do tính chất, mức độ và hoàn cảnh của các tội phạm không giống nhau. Nhưng, mọi tội phạm đều có những đặc điểm, quy luật chung giống nhau mà quá trình giải quyết vụ án hình sự các cơ quan tiến hành tố tụng đều phải có nghĩa vụ chứng minh.
Để xác định một hành vi có tội hay không, đầu tiên cần phải xác định yếu tố cấu thành tội phạm. Cấu thành tội phạm chính là tổng hợp những dấu hiệu đặc trưng cho một loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Tuy nhiên, không phải bất kỳ vụ án nào cũng có những cấu thành tội phạm giống nhau, tuy nhiên có một số điểm chung đó là đối với bất kỳ một tội phạm nào, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cần phải chứng minh được những vấn đề sau:
Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định:
“Điều 15. Xác định sự thật của vụ án
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”
Như vậy, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, nhưng việc chứng minh tội phạm của các cơ quan này ở mỗi giai đoạn tố tụng có những đặc điểm khác nhau. Ở giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, giai đoạn điều tra vụ án hình sự và truy tố, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, còn ở giai đoạn xét xử, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và Hội đồng xét xử. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do vậy, kể cả trong trường hợp người phạm tội không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh họ vô tội thì cũng không vì thế mà các cơ quan có thẩm quyền tố tụng kết tội họ.
Căn cứ theo Điều 85 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự bao gồm:
Thứ nhất, có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội. Việc chứng minh vấn đề này cho phép khẳng định hành vi phạm tội có xảy ra trên thực tế hay không, các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội như thời gian, địa điểm, diễn biến, công cụ, phương tiện phạm tội…như thế nào. Đây là những dấu hiệu thuộc mặt khách thể và mặt khách quan của tội phạm.
Thứ hai, ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội. Nếu chứng minh được có hành vi phạm tội xảy đã xảy ra trên thực tế thì câu hỏi tiếp theo là ai đã thực hiện hành vi phạm tội, nghĩa là xác định chủ thể của tội phạm. Tiếp đó, cần chứng minh người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi hay không có lỗi, nếu có lỗi thì lỗi vô ý hay cố ý, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không. Đây là những yếu tố về chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm, có ý nghĩa trong việc xác định người đã thực hiện hành vi có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Thứ ba, những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là những vấn đề được chứng minh khi điều tra, truy tố và xét xử. Đó là các tình tiết được quy định tại điều 51 và 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các đặc điểm đặc trưng cho nhân thân người phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Thứ tư, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là vấn đề cần được chứng minh vì tùy từng vụ án mà đây sẽ là tình tiết có ý nghĩa định tội, khung hình phạt, cân nhắc mức hình phạt và/hoặc nhằm giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án. Việc làm rõ nguyên nhân và điều kiện phạm tội một mặt nhằm cân nhắc xử lý phù hợp với bị cáo, mặt khác giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đưa ra những kiến nghị, yêu cầu để loại trừ nguyên nhân và điều kiện phạm tội, phòng ngừa tội phạm.
Hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho những quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của Bộ luật hình sự thể hiện dưới các dạng: thiệt hại về vật chất, thể chất, tinh thần. Tính chất của thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là đặc tính về chất của thiệt hại cho phép phân biệt tội phạm ở nhóm này với tội phạm ở nhóm khác trong Bộ luật hình sự hiện hành.
Thứ năm, nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội là một trong những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự. Việc xác định được nguyên nhân và điều kiện phạm tội có ý nghĩa trong việc xác định mức độ nguy hiểm và ý thức thực hiện hành vi phạm tội của tội phạm, là căn cứ để quyết định hình phạt.
Thứ sáu, những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt. Đây là điểm mới được bổ sung trong quy định của điều luật so với Điều 63 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 năm 2003. Trong việc giải quyết vụ án hình sự, ngoài trường hợp tuyên bố bị cáo phạm tội và áp dụng hình phạt tương ứng còn có những trường hợp bị can, bị cáo được loại trừ trách nhiệm hình sự có thể là sự kiện bất ngờ, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội, rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.
Phương tiện chứng minh trong tố tụng hình sự bao gồm:
Bước 1: Thu thập chứng cứ - là tổng hợp các hành vi phát hiện, ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ. Hiện nay, có rất nhiều biện pháp thu thập chứng cứ, điều này tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng loại chứng cứ nhưng phải hợp pháp và phải tuân theo một trình tự, thủ tục nhất định mới bảo đảm cho chứng cứ thu được có giá trị.
Bước 2: Đánh giá chứng cứ. Đây là bước xác định một cách thận trọng, toàn diện, khách quan mức độ tin cậy của những tình tiết thực tế đã thu thập được cũng như nguồn của nó để xác lập đúng đắn những những tình tiết của vụ án. Bước này giúp xác định độ tin cậy và giá trị chứng minh của từng chứng cứ cũng như toàn bộ chứng cứ đã thu thập được.
Căn cứ theo khoản 4 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định:
“Điều 70. Người phiên dịch, người dịch thuật
4. Người phiên dịch, người dịch thuật phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó;
c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
5. Việc thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật do cơ quan yêu cầu phiên dịch, dịch thuật quyết định.
6. Những quy định tại Điều này cũng áp dụng đối với người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, chữ của người mù.”
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, trường hợp người phiên dịch đã tham gia vụ án với tư cách là người làm chứng thì phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi. Do đó, người làm chứng không được làm người phiên dịch trong cùng một vụ án hình sự.
Căn cứ theo khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định người làm chứng phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.
Bên cạnh đó, Điều 293 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, quy định về sự có mặt của người làm chứng như sau:
“1. Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
2. Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định của Bộ luật này.”
Theo đó, người làm chứng có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Pháp luật hiện nay không cho phép người làm chứng từ chối có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Nếu người làm chứng vắng mặt thì tùy vào từng trường hợp, Hội đồng xét xử có thể hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Nếu sự vắng mặt của người làm chứng gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể yêu cầu dẫn giải họ đến phiên tòa.
Căn cứ vào Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về xác định sự thật của vụ án hình sự như sau:
“Xác định sự thật của vụ án
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”
Như vậy, bị can, bị cáo có quyền chứng minh hoặc nhờ người bào chữa chứng minh là mình vô tội nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội vì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn