QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HÀNH VI XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

Trẻ em là một mầm non tương lai của đất nước, là đối tượng dễ bị tổn thương, bị bóc lột và cần được chăm sóc trong xã hội, rất được nhà nước ta quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng nhiều, nhất là đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Hành vi xâm hại tình dục trẻ em dù thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Bài viết sau, NPLAW sẽ trình bày cụ thể vấn đề trên.

I. Xâm hại tình dục trẻ em là gì?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Bảo vệ trẻ em 2016 thì “Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”.

Như vậy, xâm hại tình dục trẻ em là việc người nào đó dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia các hành vi như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô và ngoài ra còn sử dụng trẻ em vào việc khác với mục đích khiêu dâm dưới các hình thức khác. Đây là một hành vi bị nghiêm cấm.

II. Quy định pháp luật về xâm hại trẻ em

Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Bảo vệ trẻ em 2016 thì xâm hại trẻ em là: “Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.”

Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Bảo vệ trẻ em 2016 thì xâm hại tình dục trẻ em là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục được quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ trẻ em 2016.

Tùy theo mức độ, tính chất nghiêm trọng và hậu quả mà người có hành vi xâm hại trẻ em có thể bị:

- Xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP.

- Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Các tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể sau: Điều 142 – Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Điều 144 – Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 145 – Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; Điều 146 – Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi; Điều 147 – Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

III. Nguyên tắc phối hợp bảo vệ người bị xâm hại dưới 18 tuổi

Để đảm bảo việc bảo vệ trẻ em một cách toàn diện nhất, tránh các trường hợp xấu xảy ra với trẻ em. Thì việc phối hợp giữa các cơ quan được thực hiện dựa trên nguyên tắc sau đây:

- Tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức;

- Bảo đảm việc phối hợp thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời.

- Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người làm chứng.

- Tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người tố giác, báo tin có liên quan đến hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

- Bảo đảm việc tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Cơ sở pháp luật: 

Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH.

IV. Giải đáp thắc mắc về xâm hại tình dục trẻ em

1. Trẻ em bị xâm hại tình dục bao gồm?

Theo Điều 13 Nghị định 56/2017/NĐ-CP thì trẻ em bị xâm hại tình dục bao gồm:

- Trẻ em bị hiếp dâm.

- Trẻ em bị cưỡng dâm.

- Trẻ em bị giao cấu.

- Trẻ em bị dâm ô.

- Trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

2. Tội dâm ô trẻ em được pháp luật xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 146 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì mức hình phạt đối với tội dâm ô trẻ em được quy định như sau:

- Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đối với người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác.

- Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

+ Phạm tội có tổ chức;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Làm nạn nhân tự sát.

- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, có ba khung hình phạt đối với người dưới 16 tuổi, tùy theo mức độ, tính chất hành vi mà áp dụng mức hình phạt đối với người phạm tội. 

3. Cho trẻ em xem tranh, sách, truyện, phim khiêu dâm là xâm hại tình dục trẻ em?

Hành vi xâm hại tình dục trẻ em có hai loại: các hành vi không tiếp xúc và các hành vi có tiếp xúc.

Việc cho trẻ em xem tranh, sách, truyện, phim khiêu dâm cũng là một hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đây thuộc loại hành vi không tiếp xúc.

Được quy định tại tiểu mục 2.1 Mục 2 Chủ đề 7 Phần I Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2885/QĐ-BYT năm 2022 của Bộ Y tế.

“2.1. Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em

Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em có hai loại: các hành vi không tiếp xúc và các hành vi có tiếp xúc.

Các hành vi xâm hại tình dục không tiếp xúc

…..

- Cho trẻ em xem tranh, sách, truyện, phim khiêu dâm”.

4. Trình tự thực hiện phương pháp giám định xâm hại tình dục trẻ em được quy định như thế nào?

Việc giám định xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện như sau:

- Khám tổng quát

- Khám sinh dục nữ

- Khám sinh dục nam

- Khám hậu môn

- Khám hầu họng

Quy trình giám định xâm hại tình dục được quy định tại Phần I mục lục ban hành theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT (hết hiệu lực ngày 01/3/2023).

Theo quy định mới nhất về việc giám định xâm hại tình dục trẻ em được quy định tại tiểu mục IV Mục 10 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 13/2022/TT-BYT (có hiệu lực từ 01/3/2023) thì phương pháp giám định định xâm hại tình dục ở trẻ em được thực hiện như sau:

- Khám giám định bao gồm: khám tổng quát; khám miệng, hầu họng; khám sinh dục; khám hậu môn, trực tràng; khám các bộ phận khác.

- Chỉ định khám chuyên khoa, cận lâm sàng

- Hội chẩn, xin ý kiến chuyên gia

- Nghiên cứu mẫu vật, thực nghiệm

- Tổng hợp, đánh giá và kết luận giám định


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan