Tạm ứng án phí ly hôn là gì? Mức tạm ứng án phí ly hôn là bao nhiêu?

Ly hôn là phương án cuối cùng để chấm dứt đời sống hôn nhân khi mục đích của hôn nhân không thể đạt được. Ngoài các vấn đề quan hệ hôn nhân, vấn đề nuôi con chung, tài sản chung, nợ chung… thì tạm ứng án phí cũng là một trong những vấn đề được các bên đương sự đặc biệt quan tâm. Dưới đây, NPLaw xin cung cấp một số thông tin về vấn đề tạm ứng án phí ly hôn như sau:

I. Tạm ứng án phí ly hôn là gì?

Để bảo đảm trang trải những chi phí ban đầu cho việc giải quyết việc dân sự hay vụ án dân sự, pháp luật đã quy định nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí. Theo đó, những người có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí sơ thẩm; người kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm giải quyết vụ việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí.

II. Khi nào cần tạm ứng án phí ly hôn?

Theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về Thụ lý vụ án, cụ thể như sau:

“1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

2. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

4. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.”

Như vậy, khi có thông báo của Tòa án thì người khởi kiện có nghĩa vụ đi nộp tiền tạm ứng án phí ly hôn và việc nộp án phí thực hiện tại bộ phận thi hành án.

Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí ly hôn, bên khởi kiện yêu cầu ly hôn phải nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí lại cho Tòa án theo đúng thời hạn quy định.

III. Mức tạm ứng án phí ly hôn là bao nhiêu?

Mức tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH. Cụ thể như sau:

“- Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch: Bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch.

- Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch được tính theo giá trị tài sản có tranh chấp (mức giá dự tính của Tòa án) nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.

- Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm: Bằng mức án phí dân sự phúc thẩm.”

Theo đó, trong việc ly hôn, mức án phí, lệ phí ly hôn sẽ bao gồm:

- Trường hợp ly hôn không có giá ngạch, tức là ly hôn mà hai vợ chồng đã thỏa thuận được về việc phân chia tài sản và không yêu cầu Tòa án phân chia hoặc yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc khi hai vợ, chồng không có tài sản chung để phân chia (không có giá ngạch): 300.000 đồng.

- Trường hợp ly hôn có giá ngạch, tức là trong vụ việc ly hôn, vợ, chồng yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung, nợ chung… thì mức tạm ứng án phí, lệ phí được tính như sau:

STT

Giá trị tài sản tranh chấp

Mức tạm ứng án phí, lệ phí

1

Từ 06 triệu đồng trở xuống

150.000 đồng

2

Từ trên 06 - 400 triệu đồng

2,5% giá trị tài sản tranh chấp

3

Từ trên 400 - 800 triệu đồng

10 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng

4

Từ trên 800 triệu đồng đến 02 tỷ đồng

18 triệu đồng + 1,5% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng

5

Từ trên 02- 04 tỷ đồng

36 triệu đồng + 1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 01 tỷ đồng

6

Từ trên 04 tỷ đồng

56 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 04 tỷ đồng.

IV. Ai nộp tạm ứng án phí ly hôn?

Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu rõ quyền và nghĩa vụ của đương sự khi tham gia tố tụng gồm: Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, tiền tạm ứng án phí, lệ phí gồm tạm ứng án phí, lệ phí sơ thẩm và phúc thẩm. 

Về nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án, ngoài người được miễn hoặc không phải nộp thì Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định bao gồm các đối tượng sau:

- Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự.

- Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm thì nộp tạm ứng án phí phúc thẩm.

- Người nộp yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Đây là quy định chung với các vụ án, vụ việc dân sự. Với việc ly hôn, hiện có hai hình thức là ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình. Trong đó:

- Ly hôn đơn phương hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên: Hình thức này là một trong hai vợ, chồng yêu cầu ly hôn khi người còn lại có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghĩa vụ vợ, chồng… khiến cuộc sống chung của vợ, chồng không thể kéo dài, cuộc sống hôn nhân không đạt được… (căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình).

- Ly hôn thuận tình: Đây là việc ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ, chồng. Hai người cũng đã đạt được thỏa thuận về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, chia tài sản, cấp dưỡng, nuôi con, nợ chung… và yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận của hai người (căn cứ Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình).

Theo đó, về bản chất, có thể thấy, ly hôn đơn phương là vụ án dân sự, ly hôn thuận tình là việc dân sự. Bởi vậy, nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí trong trường hợp ly hôn sẽ là:

- Ly hôn đơn phương: Người yêu cầu ly hôn đơn phương nộp tạm ứng án phí ly hôn. Nếu người còn lại có yêu cầu phản tố thì sẽ là người phải nộp án phí ly hôn.

- Ly hôn thuận tình: Theo khoản 2 Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tạm ứng lệ phí, trong đó có thể thỏa thuận ai là người phải nộp trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp. Nếu không thỏa thuận được thì mỗi người sẽ phải nộp một nửa tiền tạm ứng lệ phí theo quy định.

V. Các câu hỏi thường gặp về tạm ứng án phí ly hôn

- Không nộp tạm ứng án phí ly hôn thì tòa án có thụ lý đơn hay không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về Trả lại đơn khởi kiện và hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện thì:

“1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

b) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;

c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

d) Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 195 của Bộ luật này mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng;”

Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Theo đó, nếu hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng.

Như vậy, nếu người khởi kiện không nộp tạm ứng án phí lý hôn thì Tòa án sẽ không thụ lý đơn ly hôn.

- Nộp tiền tạm ứng án phí ly hôn khi nào?

Theo khoản 1 Điều 17 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí như sau:

“Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án

1. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

b) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án cấp sơ thẩm về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng.”

Như vậy, trong trường hợp xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn thì thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí ly hôn là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong trường hợp có kháng cáo, thì thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí ly hôn phúc thẩm là 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án cấp sơ thẩm về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

- Rút đơn ly hôn có được lấy lại tiền tạm ứng án phí không?

Căn cứ khoản 3 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về xử lý tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án như sau:

“Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 472 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc đình chỉ giải quyết vụ án hành chính theo quy định tại điểm b, c, e, d, g và h khoản 1 Điều 143 của Luật tố tụng hành chính thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp.”

Như vậy, số tiền tạm ứng án phí đã nộp chỉ được trả lại cho nguyên đơn nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của mình. Trường hợp rút đơn ly hôn được hiểu là rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên sẽ được trả lại toàn bộ số tiền tạm ứng án phí.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan
  • TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG SAU LY HÔN

    TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG SAU LY HÔN

    Mục lục Ẩn I. Tranh chấp tài sản chung sau khi khi ly hôn 1.1 Hiểu thêm về tranh chấp tài sản II. Giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn 2.1 Chia tài sản tranh chấp 2.1.1 Tài sản chung là gì? 2.1.2 Nguyên...
    Đọc tiếp
  • TRƯỜNG HỢP TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI KHÔNG CÓ SỔ ĐỎ

    TRƯỜNG HỢP TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI KHÔNG CÓ SỔ ĐỎ

    Theo quy định của pháp luật thì căn cứ để xác định quyền sử dụng đất của một cá nhân, tổ chức là dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và một số giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013....
    Đọc tiếp
  • TƯ VẤN PHÁP LÝ THỪA KẾ, ĐÃ CÓ NPLAW!

    TƯ VẤN PHÁP LÝ THỪA KẾ, ĐÃ CÓ NPLAW!

    Tư vấn pháp luật thừa kế hiện đang là một trong những dịch vụ phổ biến nhất của các đơn vị thực hiện chức năng tư vấn, cung cấp dịch vụ pháp lý. Mỗi người chúng ta đều ít nhiều đang có liên quan đến quan hệ pháp luật về...
    Đọc tiếp
  • GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

    GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

    Tranh chấp lao động là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm hiện nay. Một trong những vấn đề pháp lý quan trọng đó là việc giải quyết các tranh chấp lao động. Vậy hiểu thế nào là tranh chấp lao động và giải...
    Đọc tiếp
  • TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

    TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

    Hiện nay, tranh chấp lao động là một vấn đề rất đáng quan tâm, khi mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về kinh tế, đời sống của người dân ngày càng tăng cao; bên cạnh đó các doanh nghiệp cạnh tranh hết sức khốc liệt....
    Đọc tiếp