Thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư được quy định như thế nào?

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn bắt buộc nhà đầu tư phải tạm ngừng dự án đầu tư. Vậy thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư được pháp luật quy định như thế nào? Mời quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của NPLaw.

I. Khi nào cần thực hiện thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư

Theo quy định của Điều 47 Luật Đầu tư 2020, dự án đầu tư có thể bị tạm ngừng do nhu cầu của nhà đầu tư hoặc theo quyết định của cơ quan đăng ký đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư chủ động tạm ngừng dự án đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định.

Doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư được thực hiện trong các trường hợp:

  • Tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư trong trường hợp hoạt động đầu tư gặp tình trạng khó khăn hoặc nhà đầu tư có nhu cầu.
  • Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích công, lợi ích nhà nước, theo quyết định, bản án của toà án, trọng tài hoặc nhà đầu tư có hành vi vi phạm, …

Cụ thể như sau:

Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp:

  • Để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật di sản văn hoá;
  • Để khắc phục vi phạm môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về môi trường;
  • Để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về lao động;
  • Theo quyết định, bản án của Toà án, Trọng tài;
  • Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm;
  • Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

II. Quy định thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư

2.1 Hồ sơ tạm ngừng dự án đầu tư

Để thực hiện thủ tục tạm ngừng thực hiện dự án đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh hoặc Sở Kế hoạch và đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần chuẩn bị các hồ sơ sau:

  • Thông báo tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư
  • Thông báo tạm ngừng cần có các nội dung chính sau: Thông tin nhà đầu tư; thông tin tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư; tình hình hoạt động của dự án đầu tư (thực hiện các thủ tục hành chính, tiến độ triển khai); tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính; nội dung tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư; cam kết của nhà đầu tư (theo Mẫu A.I.13, ban hành kèm theo Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT)
  • Quyết định, biên bản họp về việc tạm ngừng dự án đầu tư (nếu có)
  • Bản sao Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư/Giấy phép kinh doanh hoặc Quyết định chủ trương đầu tư.
  • Văn bản uỷ quyền đối với người nộp hồ sơ không phải là người đại diện theo pháp luật; Hợp đồng uỷ quyền hoặc hợp đồng dịch vụ đối với tổ chức thực hiện dịch vụ nộp hồ sơ và giấy giới thiệu của tổ chức cho cá nhân nộp hồ sơ (nếu có).

(Theo khoản 3 Điều 56 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư 2020)

2.2 Trình tự thực hiện thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư

Thủ tục tạm ngừng thực hiện dự án đầu tư thực với các trình tự như sau:

+ Đối với trường hợp tự quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư tại khoản 1 Điều 47 Luật Đầu tư 2020

Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ đầy đủ 

Bước 2: Nhà đầu tư nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Nhà đầu tư phải nộp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định.

Bước 3: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy theo biên nhận, nhà đầu tư căn cứ vào biên nhận đến Phòng đăng ký đầu tư để nhận kết quả giải quyết dự án tạm ngừng đầu tư.

+ Đối với trường hợp cơ quan quản lý về đầu tư quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư:

Bước 1: Cơ quan quản lý quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư căn cứ ý kiến của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 47 của Luật Đầu tư, để quyết định ngừng toàn bộ hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư. Sau đó cơ quan ra quyết định tiếp tục thông báo cho các cơ quan liên quan và nhà đầu tư.

Bước 2: Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền về các lĩnh vực tại điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư 2020 phải lập biên bản trước khi quyết định tạm ngừng toàn bộ hay một phần dự án đầu tư

Đối với việc ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo bản án, quyết định của toà án, phán quyết của trọng tài thì cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư căn cứ bán án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án, phán quyết có hiệu lực của trọng tài để quyết định ngừng toàn bộ hay một phần dự án đầu tư.

+ Đối với dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia

Bước 1: Uỷ ban nhân dân tỉnh thông báo bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thông báo gồm các nội dung:  nhà đầu tư thực hiện dự án; mục tiêu, địa điểm, nội dung dự án, quá trình thực hiện dự án; đánh giá tác động hoặc nguy cơ ảnh hưởng của dự án đối với quốc phòng, an ninh quốc gia; kiến nghị về việc ngừng toàn bộ hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư

Bước 2: Căn cứ đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Bộ Quốc phòng để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng toàn bộ hay một phần hoạt động của dự án đầu tư.

III. Giải đáp các thắc mắc về thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư

3.1 Bồi thường cho các chủ đất khi nhà đầu tư yêu cầu tạm ngừng dự án đầu tư được pháp luật quy định như thế nào

Hiện tại, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc bồi thường cho các chủ đất khi nhà đầu tư yêu cầu tạm ngừng dự án đầu tư. Việc bồi thường sẽ được Uỷ ban Nhân dân từng tỉnh có những quy định, hướng dẫn khác nhau. Trong trường hợp Uỷ ban Nhân dân tỉnh yêu cầu bồi thường, có thể áp dụng theo quy định bồi thường của Bộ luật Dân sự. Cụ thể Điều 687 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

1. Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.

2. Trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú, đối với cá nhân hoặc nơi thành lập, đối với pháp nhân tại cùng một nước thì pháp luật của nước đó được áp dụng.

Như vậy khi Uỷ ban Nhân dân tỉnh có yêu cầu bồi thường có thể giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

3.2 Doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh có bắt buộc phải làm thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh không

Căn cứ Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh như sau:

Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh

1. Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

2. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:

a) Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;

b) Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.

3. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

...

Theo đó, khi đơn vị tạm ngừng kinh doanh thì phải làm thủ tục thông báo. Trách nhiệm thông báo thuộc về doanh nghiệp muốn tạm ngừng kinh doanh. Và phải thực hiện thông báo chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.

Bên cạnh đó, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có thể yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nếu thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 206 nêu trên.

3.3 Xử phạt khi không thông báo ngừng hoạt động dự án đầu tư

Mức phạt khi không thông báo tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư được quy định tại Điều 15 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:

“Điều 15. Vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

d) Không gửi thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư”.

Theo quy định trên, nếu nhà đầu tư không gửi thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định ngừng hoạt động của dự án đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức, đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức tức từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Ngoài ra buộc gửi thông báo hoặc quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư.


Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về thay đổi con dấu của công ty mà NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan