TRUẤT QUYỀN HƯỞNG DI SẢN THỪA KẾ LÀ GÌ? MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

Hiện nay, pháp luật về thừa kế đã được quy định tương đối đầy đủ và cụ thể tại Bộ luật Dân sư năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề về truất quyền hưởng di sản thừa kế vẫn chưa đạt đến sự minh thị trong quy định của pháp luật và chưa có bất kỳ văn bản dưới luật nào hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Để có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề truất quyền hưởng di sản thừa kế trên thực tiễn, bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần thiết về vấn đề này. 

I. Như thế nào là truất quyền hưởng di sản thừa kế?

Theo nghĩa của từ thì “truất” là tước bỏ không cho giữ, không cho hưởng địa vị, truất quyền lợi nào đó. Như vậy, truất quyền hưởng di sản thừa kế chính là việc không cho hưởng địa vị người thừa kế, không cho hưởng quyền được thừa kế. Nói cách khác thì truất quyền hưởng di sản chính là việc phế truất quyền hưởng di sản của một người nhất định mà chính họ là người đang có quyền đó. Chủ thể trong quan hệ thừa kế bao gồm người để lại di sản và người thừa kế, trong đó, người truất quyền hưởng di sản thừa kế là người để lại di sản và người bị truất quyền là người thừa kế của họ. 

Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về truất quyền di sản thừa kế là một trong các quyền của người lập di chúc như sau: “Người lập di chúc có quyền: 1. chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế…”. Như vậy, chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa về truất quyền hưởng di sản thừa kế. Chính vì vậy, cũng có nhiều cách hiểu về vấn đề này. Có cách hiểu cho rằng: Khi người lập di chúc không cho người thừa kế nào đó hưởng di sản theo di chúc thì người đó là người bị truất quyền hưởng di sản nên có hai cách truất khác nhau: Một là truất trực tiếp, là trường hợp người lập di chúc đã nói rõ trong di chúc về việc truất quyền hưởng di sản thừa kế của người thừa kế theo pháp luật nào đó. Hai là, truất gián tiếp, là trường hợp người lập di chúc không nói gì đến người thừa kế theo pháp luật nào đó và định đoạt hết di sản thừa kế cho những người thừa kế khác. Cách hiểu khác lại cho rằng: Người thừa kế chỉ bị coi là bị truất quyền hưởng di sản nếu người lập di chúc nói rõ là truất quyền hưởng di sản của họ. Sở dĩ có nhiều cách khác nhau về cùng một vấn đề là do sự quy định của pháp luật chưa cụ thể. Do đó, cần có một cách hiểu thống nhất về vấn đề này theo hướng truất quyền là phế truất hẳn tư cách thừa kế của người thừa kế theo luật chứ không đơn thuần là không cho hưởng di sản theo di chúc. Từ đó, có thể hiểu: Truất quyền hưởng di sản thừa kế là sự thể hiện ý chí của người để lại di sản về việc phế truất quyền hưởng di sản thừa kế của một hoặc một số người thừa kế theo luật của người để lại di sản và theo đó, người bị truất quyền không còn là người thừa kế của người đã truất. 

II. Truất quyền thừa kế và không được hưởng di sản theo di chúc có giống nhau không?

Các văn bản pháp luật về thừa kế của nhà nước ta từ trước đến nay đều chỉ quy định về người không được quyền hưởng di sản và người bị truất quyền hưởng di sản. Cho đến Bộ luật Dân sự 2015 hiện nay khi quy định về các trường hợp do người thừa kế có những hành vi trái pháp luật, đạo đức xã hội nên bị tước bỏ quyền hưởng di sản vẫn sử dụng cụm  từ: “Người không được hưởng quyền di sản” 

Về mặt lý luận thì người không được hưởng quyền di sản không chỉ là những người thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều trên. Có thể nói rằng, người thừa kế không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 vẫn có thể là người không được quyền hưởng di sản nếu họ đã bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản. Vì thế, nếu dùng cụm từ trên để đặt cho Điều 621, đồng thời Bộ luật lại không quy định về hậu quả pháp lý của việc truất quyền sẽ dễ bị hiểu rằng chỉ những người trong trường hợp quy định tại khoản 1 của điều này mới không được quyền hưởng di sản. Mặt khác, người không được hưởng si sản theo di chúc vẫn là người được quyền hưởng di sản vì theo pháp luật. Theo đó, người bị truất quyền hưởng di sản là một trường hợp của người không được hưởng di sản. 

Nếu lẫn lộn giữa người không được hưởng di sản theo di chúc với người bị truất quyền hưởng di sản sẽ kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của những người thừa kế bởi hậu quả pháp lý của hai trường hợp này hoàn toàn khác nhau. Trước hết, cần hiểu rằng người không được hưởng di sản theo di chúc là những người thừa kế theo luật của người lập di chúc, vì thế họ sẽ đương nhiên được hưởng di sản người để lại di sản không có di chúc hoặc di chúc không định đoạt hết di sản cho những người khác. Con người bị truất di sản thừa kế cũng là người thừa kế theo luật của người đã truất. Như vậy, cả hai trường hợp này đều là những người thừa kế theo luật của người lập di chúc nhưng theo ý chí của người lập di chúc thì quyền hưởng di sản của họ sẽ khác nhau. Do đó, với hai trường hợp này có sự khác nhau về hậu quả pháp lý về: tư cách người thừa kế, về việc hưởng di sản, về thừa kế thế vị

  • Khi bị truất quyền thừa kế thì người thừa kế không còn quyền hưởng di sản theo di chúc và theo pháp luật, nghĩa là không được hưởng di sản của người để lại thừa kế. Người đó chỉ có thể được hưởng di sản nếu di chúc đó không có hiệu lực pháp luật
  • Không được hưởng di sản thừa kế là trường hợp người này không được nhắc đến trong di chúc thì họ có thể sẽ không được hưởng di sản nếu di chúc này là hợp pháp. Trường hợp di chúc không hợp pháp, di sản sẽ được phân chia theo pháp luật nếu người không nhắc đến trong di chúc thuộc hàng thừa kế thì vẫn được hưởng di sản. 

III. Giới hạn của việc truất quyền 

Bên cạnh việc pháp luật về thừa kế cho phép người lập di chúc được thực hiện các quyền để thể hiện ý chí của mình về việc truất quyền hưởng di sản của người thừa kế thì pháp luật cũng hạn chế việc truất quyền của người lập di chúc trong những trường hợp việc truất quyền ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của những người khác.  Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc truất quyền hưởng di sản chỉ bị hạn chế nếu người bị truất quyền hưởng di sản là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. 

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này. 

Theo quy định trên có thể thấy, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ chồng và con chưa thành niên mà không có khả năng lao động của người chết nếu không thuộc những người bị tước quyền hưởng di sản và họ không từ chối nhận di sản thì luôn được hưởng di sản của người chết với phần di sản tối thiểu bằng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật. Điều luật trên cũng cho thấy rằng không cho hưởng di sản bao hàm cả việc truất quyền hưởng di sản. Vì thế, truất quyền hưởng di sản được thực hiện đối với cả con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên mà không có khả năng lao động nhưng chỉ được truất một phần. 

IV. Hướng dẫn thủ tục truất quyền hưởng di sản thừa kế

Điều 626 quy định về quyền của người lập di chúc, trong đó có quyền “truất quyền hưởng di sản thừa kế”. Do đó, khi tiến hành lập di chúc thì ta có thể tiến hành truất quyền thừa kế của ai đó trong bản di chúc. Căn cứ theo Điều 636 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:

Bước 1: Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Bước 2: Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố.

Bước 3: Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình.

Bước 4: Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Bên cạnh đó, còn có trường hợp di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Đồng thời, khi làm di chúc cần chú ý đến các điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015. Như vậy, có thể thấy trình tự thủ tục truất quyền hưởng di sản thừa kế được thực hiện đồng thời cùng với trình tự thủ tục lập di chúc.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan
  • TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG SAU LY HÔN

    TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG SAU LY HÔN

    Mục lục Ẩn I. Tranh chấp tài sản chung sau khi khi ly hôn 1.1 Hiểu thêm về tranh chấp tài sản II. Giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn 2.1 Chia tài sản tranh chấp 2.1.1 Tài sản chung là gì? 2.1.2 Nguyên...
    Đọc tiếp
  • TRƯỜNG HỢP TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI KHÔNG CÓ SỔ ĐỎ

    TRƯỜNG HỢP TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI KHÔNG CÓ SỔ ĐỎ

    Theo quy định của pháp luật thì căn cứ để xác định quyền sử dụng đất của một cá nhân, tổ chức là dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và một số giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013....
    Đọc tiếp
  • TƯ VẤN PHÁP LÝ THỪA KẾ, ĐÃ CÓ NPLAW!

    TƯ VẤN PHÁP LÝ THỪA KẾ, ĐÃ CÓ NPLAW!

    Tư vấn pháp luật thừa kế hiện đang là một trong những dịch vụ phổ biến nhất của các đơn vị thực hiện chức năng tư vấn, cung cấp dịch vụ pháp lý. Mỗi người chúng ta đều ít nhiều đang có liên quan đến quan hệ pháp luật về...
    Đọc tiếp
  • GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

    GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

    Tranh chấp lao động là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm hiện nay. Một trong những vấn đề pháp lý quan trọng đó là việc giải quyết các tranh chấp lao động. Vậy hiểu thế nào là tranh chấp lao động và giải...
    Đọc tiếp
  • TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

    TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

    Hiện nay, tranh chấp lao động là một vấn đề rất đáng quan tâm, khi mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về kinh tế, đời sống của người dân ngày càng tăng cao; bên cạnh đó các doanh nghiệp cạnh tranh hết sức khốc liệt....
    Đọc tiếp