XÉT XỬ TỘI GIẾT NGƯỜI THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HÌNH SỰ

Xuất phát từ việc bảo vệ con người và tính nguy hiểm cho xã hội của tội giết người, pháp luật hình sự Việt Nam đã quy định rất sớm về loại tội này với những hình phạt rất nghiêm khắc. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp cho bạn một số vấn đề pháp lý liên quan đến tội phạm này.

I. Tội giết người là gì? 

Tội giết người là loại tội phạm có tính nguy hiểm cao, được quy định từ rất sớm trong luật hình sự Việt Nam. Nhưng tội giết người đều được quy định rất ngắn gọn theo kiểu “gọi tên tội phạm”, “ nhắc lại tội danh” mà không đưa ra khái niệm, không mô tả các dấu hiệu pháp lý của tội giết người 

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau đưa ra định nghĩa về tội giết người. Giữa các khái niệm tuy có sự diễn đạt khác nhau nhưng nhìn chung các quan điểm đều thống nhất với nhau về một số nội dung, cụ thể

  • Tội giết người là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác
  • Việc tước đoạt tính mạng người khác là trái pháp luật
  • Tội giết người được thực hiện với lỗi cố ý

Đây có thể được xem là những dấu hiệu cơ bản để phân biệt với những hành vi không phải là tội phạm qua 4 dấu hiệu: Tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi, tính trái pháp luật và tính phải chịu hình phạtTrên cơ sở phân tích đó, đồng thời dựa trên quy định về khái niệm tội phạm tại Điều 8 BLHS 2015 có thể hiểu: “Tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện”.

II. Tội giết người bị xử lý như thế nào?

Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định 02 khung hình phạt đối với tội giết người: Khung cơ bản được quy định tại Khoản 2 Điều 123 BLHS 2015 với hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với các trường hợp phạm tội giết người thông thường; Khung hình phạt tăng nặng với mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình được quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS 2015

Người phạm tội giết người, ngoài áp dụng những hình phạt chính thì họ còn có thể bị áp dụng thêm một hoặc một số hình phạt bổ sung 

Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 123 BLHS 2015 còn quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội giết người với mức hình phạt tù từ 01 đến 05 năm tù. 

1. Đối với trường hợp giết người thông thường

Đây là trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 123 BLHS 2015, là cấu thành tội phạm cơ bản của tội giết người. Theo đó, người nào giết người không thuộc một trong các trường hợp có tình tiết định khung tăng nặng quy định tại Khoản 1 Điều 123 BLHS thì bị phạt tù từ 07 đến 15 năm 

Như vậy, có thể thấy quy định đối với hành vi giết người trong trường hợp bình thường chỉ là hình phạt tù có thời hạn. 

2. Đối với các trường hợp có tình tiết định khung hình phạt tăng nặng 

Tại khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 quy định “ Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Cụ thể là: 

  • Giết 02 người trở lên: Đây là trường hợp người phạm tội cố ý gây ra cái chết cho 02 người khác trở lên một cách trái pháp luật. Người phạm tội trong trường hợp này có ý định giết từ 02 người trở lên hoặc có ý thức bỏ mặc, chấp nhận hậu quả 02 người chết trở lên xảy ra. Nếu người phạm tội có ý thức bỏ mặc, chấp nhận hậu quả chết người xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp) thì phải có từ 02 người chết trở lên mới áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này.
  • Giết người dưới 16 tuổi: Trường hợp này xuất phát từ đối tượng bị tác động của tội phạm là người dưới 16 tuổi. Người dưới 16 tuổi là những người chưa phát triển toàn diện về thể chất, tâm sinh lý còn non nớt.. nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ và trở thành nạn nhân của nhiều loại tội phạm, bao gồm cả tội giết người. Nên người phạm tội trong trường hợp này phải bị xử phạt nghiêm khắc hơn so với các trường hợp tội phạm thông thường (thuộc khung hình phạt cơ bản). 
  • Giết phụ nữ mà biết là có thai: Dấu hiệu bắt buộc của tình tiết này là người phạm tội phải biết rõ người mình giết là phụ nữ đang có thai. Nếu người thực hiện tội phạm không biết nạn nhân có thai, sau khi thực hiện mới biết thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội giết người mà biết là có thai.
  • Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân: Đây cũng là một tình tiết tăng nặng bởi lẽ nạn nhân bị giết là người thực hiện nhiệm vụ được nhà nước giao nhằm đảm bảo lợi ích chung của nhà nước và xã hội. Điều này có nghĩa là hành vi phạm tội trong trường hợp này không những tước đoạt trái pháp luật tính mạng của con người mà còn xâm phạm trực tiếp đến hiệu quả thực hiện công vụ, xâm phạm đến lợi ích chung của nhà nước và xã hội. Nên làm cho hành vi phạm tội này có tính nguy hiểm cao hơn so với trường hợp giết người thông thường. 
  • Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình: Đây là trường hợp giết người mang tính chất phản trắc, bội bạc thể hiện sự suy đồi nghiêm trọng về đạo đức của người phạm tội, gây bất bình, phẫn nộ. Do đó, trường hợp này cũng được coi là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng của tội giết người. 
  • Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Việc một người thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sau đó lại tiếp tục hành vi giết người cho thấy thái độ, ý thức của người phạm tội thể hiện sự không ăn năn, hối hận về hành vi của mình nên đây cũng là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng của tội giết người 
  • Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác: Tội phạm khác là tội phạm bất kỳ được quy định trong BLHS. Đây là tình tiết định khung tăng nặng thuộc về động cơ giết người, phản ánh người phạm tội coi thường tính mạng người khác
  • Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: Con người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân không những tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác mà tước đoạt cả bộ phận cơ thể của nạn nhân. Vì vậy, trường hợp này được coi là trường hợp giết người có tình tiết định khung hình phạt tăng nặng. 
  • Thực hiện tội phạm một cách man rợ: Hành vi phạm tội trong trường hợp này thể hiện tính chất dã man, tàn bạo và tính nguy hiểm cao cho xã hội, gây sự bất bình, phẫn nộ. 
  • Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp: Là trường hợp người phạm tội đã sử dụng nghề nghiệp của mình để làm phương tiện giết người dễ dàng và cũng dễ dàng che giấy tội phạm như: Bác sĩ giết bệnh nhân…
  • Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người: Phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là nói đến tính năng, tác dụng của phương tiện mà người phạm tội sử dụng khi phạm tội có tính nguy hiểm cao, có thể gây thương vong cho nhiều người, như ném lựu đạn vào chỗ đông người, bỏ thuốc độc vào bể nước nhằm giết một người mà người phạm tội mong muốn.
  • Thuê giết người hoặc giết người thuê: Thuê giết người là trường hợp người phạm tội không trực tiếp hành động, mà giấu mặt, dùng tiền hoặc lợi ích vật chất, tinh thần để yêu cầu người khác thực hiện hành vi giết người.

Giết người thuê là hành vi của người mà trước đó không có ý thức muốn giết người khác nhưng vì được người khác thuê nên đã thực hiện hành vi giết người theo yêu cầu của người thuê để nhận được những lợi ích nhất định.Thuê giết người và giết người thuê có mối quan hệ mật thiết với nhau, cái này là tiền đề của cái kia, thiếu một trong hai cái thì không có trường hợp giết người này xảy ra (có người thuê, mới người làm thuê).

  • Có tính chất côn đồ: Đây là trường hợp khi giết người mà hành vi của người phạm tội thể hiện rất coi thường tính mạng người khác, sẵn sàng thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng người khác một cách vô cớ hoặc chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt…
  • Có tổ chức: Đây là trường hợp nhiều người cùng tham gia vào một vụ giết người, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện việc giết người, có sự phân công cụ thể. 
  • Tái phạm nguy hiểm: Đây là trường hợp trước khi giết người, người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích hoặc đã tái phạm và chưa được xóa án tích
  • Vì động cơ đê hèn: đây là trường hợp thực hiện giết người với động cơ rất xấu xa, thấp hèn, đáng khinh bỉ, không kể gì đến danh dự, nhân phẩm tư cách của một con người…

3. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội giết người

Chuẩn bị phạm tội là giai đoạn trong đó người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó. Ở giai đoạn phạm tội này, thời điểm sớm nhất là thời điểm người phạm tội bắt đầu có hành vi tạo ra những điều kiện vật chất hoặc tinh thần để thực hiện hành vi phạm tội có thể xảy ra thuận lợi, dễ dàng hơn. Thời điểm muộn nhất là thời điểm trước lúc người phạm tội bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được phản ánh trong cấu thành tội phạm. Đó là thời điểm giới hạn giữa chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. 

Như vậy, tại khoản 3 Điều 123 BLHS 2015 quy định người phạm tội giết người sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội giết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự 

Về mức hình phạt đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội giết người. BLHS 2015 chỉ quy định mức phạt tối đa là không quá 05 năm tù. 

4. Hình phạt bổ sung đối với tội giết người 

Hình phạt bổ sung là hình phạt được áp dụng kèm theo hình phạt hình bổ sung cho hình phạt chính. Hình phạt bổ sung chỉ có thể được áp dụng khi người phạm tội đã bị áp dụng hình phạt chính 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 BLHS 2015, hình phạt bổ sung bao gồm: 

  • Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
  • Cấm cư trú;
  • Quản chế;
  • Tước một số quyền công dân;
  • Tịch thu tài sản;
  • Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
  • Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

III. Các thắc mắc thường gặp về tội giết người

1. Đâm chết người sau khi uống rượu thì có phạm tội giết người theo pháp luật hình sự hay không?

Tại Điều 13 BLHS 2015 có quy định về phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như sau: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Như vậy, trong trường hợp uống rượu xong giết người vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hình sự khi phạm tội giết người trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu.

2. Người bào chữa biết rõ người được bào chữa phạm tội giết người nhưng không tố giác tội phạm thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. 

Khoản 3 Điều 19 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (Sửa sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định:“Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”.

Theo Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về phân loại tội phạm, theo đó: “Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.” Trong khi đó, tội giết người quy định tại Khoản 1 Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình nên là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, trong trường hợp người bào chữa biết rõ người được bào chữa phạm tội giết người trong khung hình phạt thuộc khoản 1 Điều 123 Bộ Luật hình sự năm 2015 mà không tố giác tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Bởi lẽ, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Cũng vì ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó mà trong các Bộ luật Hình sự từ năm 1985 đến nay gần nhất là Bộ luật Hình sự 2015, ngay sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia, nhà làm luật đều đã quy định tội giết người. Hơn cả, tội phạm giết người diễn ra ngày càng phổ biến, với những hành vi man rợ, tinh vi. Để biết thêm chi tiết về loại tội phạm này hãy liên hệ ngay với NPLaw chúng tôi để nhanh chóng được giải đáp thắc mắc. 


Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Trụ sở chính: 139H4 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Chi nhánh Hà Nội: Tầng 10, Tòa nhà Ford Thăng Long, 105 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Chi nhánh Nha Trang: Số 3M, tầng trệt chung cư CT2, khu đô thị VCN Phước Hải, đường Tố Hữu, phường Phước Hải, TP.Nha Trang, Khánh Hòa.

Hotline0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan