Y học cổ truyền hiện đang là một loại hình khám, chữa bệnh khá phổ biến vì sự hiệu quả cũng như mang lại cảm giác thư giãn, gần gũi thiên nhiên cho người bệnh. Bác sĩ của phòng khám y học cổ truyền cần có một số bằng cấp, chứng chỉ nhất định theo quy định của pháp luật. Vậy làm sao để hiểu thế nào là bác sĩ y học cổ truyền và những vấn đề liên quan xoay quanh về bác sĩ y học cổ truyền như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.
Ngành y học cổ truyền đã tồn tại và phát triển ở Việt Nam qua hàng ngàn năm với các phương pháp chữa bệnh mang lại hiệu quả cao và đi vào gốc rễ cơ thể con người để điều trị. Đến nay, không thể phủ nhận những ưu điểm và vai trò của y học cổ truyền ngay cả khi y học hiện đại rất phát triển với nhiều bước tiến mới. Bác sĩ y học cổ truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của cộng đồng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Bác sĩ y học cổ truyền là những chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền, học và tốt nghiệp ngành y học cổ truyền hệ đại học và sau khi ra trường trở thành bác sĩ. Họ làm việc trong các bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám về y học cổ truyền.
Căn cứ tại điểm c Khoản 6 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BYT quy định: “b) Y sỹ y học cổ truyền: Phạm vi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Phụ lục số XI ban hành kèm theo Thông tư này.”
Theo đó, phạm vi hành nghề của bác sỹ y học cổ truyền được quy định tại Phụ lục số XI ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT
Hiện nay, việc bổ sung chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ y học cổ truyền hiện nay được hướng tại Công văn 4018/BYT-YDCT như sau:
“1. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Tiếp tục cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khác cho Bác sĩ y học cổ truyền theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 11 tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ bổ sung, sửa đổi một số quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế (viết tắt Nghị định số 155/2018/NĐ-CP).
- Riêng đối với một số chuyên ngành Ngoại, Sản, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Mắt. Phẫu thuật thẩm mỹ, Gây mê hồi sức thì tạm dừng cấp bổ sung chờ hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Giữ nguyên đối với các trường hợp đã cấp chứng chỉ hành nghề có phạm vi chuyên môn theo hướng dẫn tại công văn số 6705/BYT-KCB ngày 04 tháng 10 năm 2012 của Bộ Y tế về giải quyết vướng mắc khi thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và mục b Khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh.
2. Bác sĩ Y học cổ truyền đã có chứng chỉ hành nghề với phạm vi chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền thì được thực hiện kỹ thuật khác ngoài chuyên ngành y học cổ truyền sau khi có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo kỹ thuật do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp và được người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho phép thực hiện bằng văn bản mà không cần bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề theo quy định Điều 11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.
…”
Như vậy, theo hướng dẫn thì vấn đề bổ sung chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ y học cổ truyền hiện nay được thực hiện như sau:
-Đối với một số chuyên ngành Ngoại, Sản, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Mắt. Phẫu thuật thẩm mỹ, Gây mê hồi sức thì tạm dừng cấp bổ sung chờ hướng dẫn của Bộ Y tế.
-Tiếp tục cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khác cho Bác sĩ y học cổ truyền theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.
-Giữ nguyên đối với các trường hợp đã cấp chứng chỉ hành nghề có phạm vi chuyên môn theo hướng dẫn tại công văn 6705/BYT-KCB
-Bác sĩ Y học cổ truyền đã có chứng chỉ hành nghề với phạm vi chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền thì được thực hiện kỹ thuật khác ngoài chuyên ngành y học cổ truyền sau khi có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo kỹ thuật do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp và được người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho phép thực hiện bằng văn bản mà không cần bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề.
Hiện nay, chưa thấy văn bản quy phạm pháp luật nào hiện nay quy định việc bác sĩ y học cổ truyền không được tham gia đào tạo các chuyên khoa khác.
Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 4018/BYT-YDCT về việc bổ sung phạm vi chuyên môn cho bác sĩ y học cổ truyền. Tại khoản 3 công văn nêu trên đã đề nghị: "Đối với các Trường Đại học Y, Dược và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có mã số đào tạo thực hiện việc tiếp nhận đào tạo kỹ thuật chuyên ngành, phạm vi chuyên môn về y học hiện đại cho bác sỹ y học cổ truyền đã có chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền để đảm bảo kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về phát triển nền Đông Y Việt Nam và Hội Đông Y Việt Nam trong tình hình mới và Quyết định số 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12/2019 về Ban hành chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030".
Căn cứ theo Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định thì có 06 trường hợp bác sĩ y học cổ truyền bị cấm hành nghề khám bệnh chữa bệnh như sau:
-Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
-Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
-Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
-Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
-Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
-Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Căn cứ theo phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại điểm 8 Phụ lục 4b ban hành kèm theo Thông tư 41/2015/TT-BYT thì:
"8. Bác sĩ y học cổ truyền, y sĩ y học cổ truyền, lương y: Khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền."
Do đó Bác sĩ y học cổ truyền không được hoạt động chuyên môn về phục hồi chức năng.
Tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 109/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP) có quy định:
"Điều 4. Các trường hợp cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề
1. Việc cấp chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
...
b) Cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khi có thay đổi nội dung trong chứng chỉ hành nghề, bao gồm:
- Bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khi người hành nghề đề nghị thêm chuyên khoa khác với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp trong chứng chỉ hành nghề;
Đối với các kỹ thuật chuyên môn thuộc chuyên khoa khác với chuyên khoa mà người hành nghề đã được ghi trong chứng chỉ hành nghề, người hành nghề được thực hiện kỹ thuật sau khi có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo kỹ thuật chuyên môn đó do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp và được người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở cho phép thực hiện bằng văn bản, mà không cần bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề.
- Thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khi người hành nghề đề nghị thay đổi chuyên khoa khác với chuyên khoa đã được cấp trong chứng chỉ hành nghề"
Như vậy, trong trường hợp này phải thực hiện đề nghị cấp điều chỉnh bổ sung chứng chỉ hành nghề thêm chuyên khoa khác với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp.
Chỉ trừ trường hợp đối với các kỹ thuật chuyên môn thuộc chuyên khoa khác chuyên khoa ghi trong chứng chỉ hành nghề mà đáp ứng điều kiện nêu trên thì không cần phải bổ sung thêm trong chứng chỉ hành nghề.
Cũng theo quy định này khi thực hiện cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề được xem là cấp mới và thủ tục sẽ thực hiện theo quy định về cấp mới chứng chỉ.
Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề bác sĩ y học cổ truyền. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn