Copy bài viết của người khác đang diễn ra ngày càng nhiều và ngày càng không kiêng dè. Đây là một tình trạng rất đáng báo động. Vậy hành vi copy bài viết của người khác có bị xử lí theo pháp luật không? Làm sao để ngăn chặn? NPLaw sẽ trả lời những câu hỏi này trong bài viết dưới đây.
Những nhà sáng tạo nội dung đang vô cùng ám ảnh với hàng loạt các hành vi sao chép từ nội dung đến hình ảnh, video,.. Các hành vi này diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt là trên không gian mạng. Chỉ với một thao tác đơn giản, một cú nhấp chuột thì nội dung, hình ảnh, video của bạn sẽ biến thành của người khác và ngang nhiên được đặt tiêu đề khác với một tác giả khác.
Có nhiều bài viết đã bị copy toàn bộ sang các trang web khác, bài viết khác mà không ghi nguồn. Có những trang copy ghi nguồn trích dẫn nhưng lại mù mờ, viết tắt tùy tiện, dịch nghĩa cẩu thả, làm sai nội dung bài viết.
Mặc dù tình trạng này diễn ra rất nhiều nhưng hiếm khi có sự lên tiếng của chủ sở hữu quyền tác giả. Chính vì vậy mà càng ngày càng có nhiều tác phẩm bị sao chép và bị dần coi thành lệ và không nghĩ rằng đây là một hành vi sai phạm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2019 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả:
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Và Điều 15 về các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả:
1. Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.
2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu
Theo quy định trên thì các tác phẩm mang tính mới, tính sáng tạo mà không phải là tin tức thời sự thuần tuý đưa tin; văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó; quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu thì sẽ được bảo hộ quyền tác giả. Như vậy các nội dung do cá nhân, tổ chức sáng tạo, cũng được bảo hộ quyền tác giả.
Cũng theo quy định tại khoản 6 Điều 28 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2019 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 hành vi “Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.” là một hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định như sau:
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Như vậy, nếu như tổ chức cá nhân nào có hành vi sao chép tác phẩm của người khác mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị xử phạt hành chính và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Trên không gian mạng, nếu phát hiện người khác copy bài viết, bạn nên sử dụng một số công cụ trên google hoặc liên hệ với quản lí trang web để xử lí. Nếu nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, tác giả nên báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lí hành vi xâm phạm quyền sở hữu tác giả. Đương nhiên khi đó tác giả bài viết phải chứng minh được đó là tác phẩm do mình sáng tạo, bởi hiện nay có rất nhiều đối tượng sao chép bài viết và biến thành tác phẩm của mình vô cùng tinh vi.
Để ngăn chặn người khác copy bài viết của mình, tác giả bài viết có thể áp dụng một số phương pháp như: ngăn chống copy bằng plugin hoặc code; công cụ DMCA.COM; Cảnh báo bằng điều khoản trên Website; Report tố cáo với Google Webmaster;…
Đây chỉ là một số phương pháp để mọi người tham khảo khi đăng tải các bài viết của mình trên không gian mạng và nó chỉ mang tính tương đối. Phần lớn cần phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Hiện nay quyền tác giả không bắt buộc phải đăng kí bảo hộ vì được bảo hộ tự động, tuy nhiên chủ sở hữu quyền tác giả vẫn nên đăng kí bảo hộ, để lấy cơ sở cụ thể bảo vệ quyền lợi của bản thân nếu có hành vi xâm phạm
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về hiện trạng copy bài viết của người khác. Các tổ chức cá nhân khi có tác phẩm, bài viết công bố ra cộng đồng cần lưu ý và có các biện pháp bảo vệ để hạn chế tối đa tình trạng copy bài viết. Nếu có bất kì thắc mắc nào, xin vui lòng với liên hệ ngay với NPLaw. Là một đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong các lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, đầu tư, sở hữu trí tuệ, đất đai , giấy phép con…NPLaw tự tin có thể giải đáp và hỗ trợ mọi vướng mắc của bạn kịp thời và hiệu quả.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn