ĐẦU TƯ DỰ ÁN TRONG KHU CÔNG NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

Ngày nay, phát triển kinh tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả quốc gia trên thế giới. Trong các nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế, nền công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Trong đó, khu công nghiệp có tầm chiến lược quan trọng và đem đến những tác động tích cực đến nền kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia. Với xu hướng hội nhập như hiện nay Việt Nam đã có những chính sách ưu đãi rất tích cực thu hút sự đầu tư của các nhân, doanh nghiệp, công ty nước ngoài, nhằm tạo một môi trường lành mạnh, tập trung thuận lợi để cùng phát triển kinh tế. Việc các nhà đầu tư ngày nay đầu tư dự án trong khu công nghiệp xuất hiện ngày một nhiều trước bối cảnh thị trường đầu tư nước ta đang được mở rộng. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này. 

I. Đầu tư dự án trong khu công nghiệp là gì?

Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định (Khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư 2020).

Theo khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 có thể hiểu: “Khu công nghiệp là  khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng công nghiệp do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.”                                                                  Theo đó, có thể hiểu đầu tư trong khu công nghiệp là việc các cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh trong địa bàn khu công nghiệp – địa bàn có ranh giới xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng công nghiệp. 

II. Quy định về dự án đầu tư trong khu công nghiệp

1. Chủ thể thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp

Chủ thể thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Khoản 18, 19, 20 Điều 3 Luật đầu tư năm 2020, thì chủ thể thực hiện các dự án đầu tư bao gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, ngoài ra Luật đầu tư còn đề cập đến tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. 

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành về đầu tư vào KCN được phân thành 3 loại là nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Việc phân loại các nhà đầu tư có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định điều kiện và thủ tục đầu tư cũng như hưởng ưu đãi đầu tư đối với từng đối tượng. Cụ thể, mặc dù có ba loại nhà đầu tư song các điều kiện và thủ tục đầu tư, hưởng ưu đãi đầu tư về cơ bản chỉ có hai loại thủ tục, đó là thủ tục áp dụng đối với các nhà đầu tư trong nước và thủ tục áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài không tính đến các quy định áp dụng chung cho tất cả các loại nhà đầu tư. Do đó các nhà đầu tư là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ áp dụng một trong hai loại thủ tục kể trên tùy vào từng trường hợp.

2. Các hoạt động nhà đầu tư được thực hiện khi đầu tư trong khu công nghiệp 

Theo Điều 62 Nghị định 31/2021 NĐ-CP quy định về các hoạt động được thực hiện đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp bao gồm:

  • Thuê hoặc mua nhà xưởng, văn phòng, kho, bãi để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • Sử dụng có trả tiền các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ, bao gồm hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, chất thải và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khác (gọi chung là phí sử dụng hạ tầng).                                                                            
  • Chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà xưởng, văn phòng và các công trình khác phục vụ sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
  • Được cho thuê, cho thuê lại nhà xưởng, văn phòng, kho bãi và các công trình khác đã xây dựng để phục vụ sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
  • Các hoạt động khác theo quy định của Luật Đầu tư 

Như vậy, khi cá nhân tổ chức thực hiện đầu tư dự án vào khu công nghiệp cần phải lưu ý kĩ những hoạt động pháp luật cho phép thực hiện theo quy định Luật Đầu tư. Nếu thực hiện những hoạt động trái với quy định trên thì sẽ bị coi là trái pháp luật và có thể sẽ bị xử lý theo quy định. 

3. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án

Đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp: Nhà đầu tư thỏa thuận trực tiếp với Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp về vị trí lựa chọn để triển khai dự án đầu tư, diện tích đất dự kiến sẽ thuê và vị trí lô đất căn cứ vào quy hoạch được duyệt để triển khai dự án. Sau khi xác định được vị trí để đầu tư thì doanh nghiệp tiến hành ký hợp đồng thuê đất để thực hiện xây dựng

Đồng thời nhà đầu tư phải thực hiện xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án tại khu công nghiệp

Thứ nhất, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP bao gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Đề xuất dự án đầu tư;
  • Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm thuê để thực hiện dự án đầu tư;
  • Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
  • Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

Thứ hai, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 35 Nghị định 31/2021/NĐ-CP bao gồm:

  • Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư
  • Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư                       

Theo quy định chung thì hồ sơ thủ tục đầu tư vào khu công nghiệp trên cả nước cơ bản là như nhau. Tuy nhiên tại một số khu vực đặc thù với những định hướng phát triển cụ thể thì các khu công nghiệp có thể yêu cầu các nhà đầu tư cung cấp thêm các hồ sơ liên quan. Vì vậy việc tìm hiểu về các hồ sơ pháp lý cần thiết trước khi đầu tư vào khu công nghiệp phải là việc làm tiên quyết mà các nhà đầu tư khi đầu tư vào khu công nghiệp cần lưu ý.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan