ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI GIÁN TIẾP - TĂNG HIỂU BIẾT TĂNG LỢI NHUẬN

Nhắc đến đầu tư nước ngoài gián tiếp, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ hình thái đầu tư này chỉ có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước được nhận đầu tư cũng sẽ có những lợi ích nhất định. Không chỉ vậy, đầu tư nước ngoài gián tiếp còn ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Đầu tư nước ngoài gián tiếp tuy không phải hình thức đầu tư quá mới mẻ, dù vậy vẫn còn rất nhiều người hoặc doanh nghiệp chưa nắm rõ về lĩnh vực này nên chưa mạnh dạn tham gia và mời gọi đầu tư.

Tìm hiểu về đầu tư nước ngoài gián tiếp cùng NPLaw!

Bản chất của đầu tư nước ngoài gián tiếp là gì? Hình thức đầu tư này được thể hiện ra sao? Nếu tham gia đầu tư thì doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và doanh nghiệp nhận đầu tư sẽ có những lợi ích hay bất lợi nào? Những câu hỏi trên sẽ được đội ngũ chuyên viên của NPLaw giải đáp cho Quý Khách hàng thông qua bài viết dưới đây:

I/ Đầu tư nước ngoài gián tiếp là gì?

Trong tiếng Anh có một thuật ngữ về đầu tư, đó chính là Foreign Portfolio Investment, viết tắt là FPI. Thuật ngữ này chỉ hoạt động thu mua tài sản tài chính nước ngoài với mục đích sinh lời. Quá trình sử dụng vốn sẽ không được điều hành và quản lý trực tiếp bởi chủ sở hữu vốn.

Tại Việt Nam, hình thức đầu tư này đang ngày càng phổ biến và cần phải tuân theo quy định pháp luật Việt Nam về đầu tư cũng như quản lý vốn, tài sản, tài khoản ngân hàng,...

1. Đặc điểm đầu tư nước ngoài gián tiếp

Một số đặc điểm của đầu tư gián tiếp nước ngoài được thể hiện thông qua mục đích, tác động, hoạt động của nhà đầu tư,... cụ thể là:

Thứ nhất, mục đích đầu tư là lợi nhuận nên nhà đầu tư chỉ tập trung vào lợi nhuận thu được từ việc đầu tư và không trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý doanh nghiệp có tài sản tài chính mà họ đang đầu tư;

Thứ hai, đầu tư gián tiếp nước ngoài là hoạt động đầu tư tài chính thuần túy trên thị trường tài chính. Do đó nhà đầu tư không kèm theo cam kết chuyển giao tài sản vật chất, công nghệ, đào tạo lao động và kinh nghiệm quản lý như trong trực tiếp đầu tư.Thứ ba, thị trường tài chính biến động nhanh chóng nên hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài mang tính ổn định không cao so với đầu tư thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn nhằm kiểm soát doanh nghiệp để thực hiện hoạt động kinh doanh. Lượng vốn vào và thoát ra nhanh sẽ có thể dẫn đến sự mất cân bằng của nền kinh tế gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài thường được triển khai thực hiện tại các nước có hệ thống tài chính mạnh, hoạt động hiệu quả thay vì thực hiện ở các nước chậm hoặc kém phát triển với hệ thống tài chính yếu. Điều này xuất phát từ việc luân chuyển nguồn vốn liên tục từ nước đầu tư sang nước tiếp nhận đầu tư.

2. Ví dụ về đầu tư nước ngoài gián tiếp

Việc đầu tư gián tiếp vượt khỏi phạm vi quốc gia có các hình thức thể hiện khác nhau. Một ví dụ cho đầu tư nước ngoài gián tiếp là quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài đầu tư doanh nghiệp trong nước bằng cách mua cổ phiếu mà doanh nghiệp đó phát hành. Quỹ sẽ hưởng lợi nhuận phát sinh từ cổ phiếu mình có. Các vấn đề kinh doanh, sản xuất, cung cấp dịch vụ,... hay các chính sách phát triển khác của doanh nghiệp, quỹ sẽ không can thiệp.

II/ Các hình thức đầu tư nước ngoài gián tiếp

Đầu tư nước ngoài gián tiếp tại Việt Nam có thể được biết dưới một số hình thức theo quy định tại Điều 5 Thông tư 05/2014/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung năm 2019 cụ thể như sau:

1. Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được liệt kê tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm:

  • Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Doanh nghiệp không thuộc trường hợp thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
    • Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
    • Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
    • Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
  • Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư;

2. Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán;

3. Mua, bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam;

4. Mua bán các giấy tờ có giá khác bằng đồng Việt Nam do người cư trú là tổ chức được phép phát hành trên lãnh thổ Việt Nam;

5. Ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam với hai hình thức:

  • Thông qua công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo các quy định của pháp luật về chứng khoán; 
  • Thông qua tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

6. Góp vốn, chuyển nhượng vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

7. Các hình thức đầu tư gián tiếp khác theo quy định của pháp luật.

III/ Ưu điểm và nhược điểm của đầu tư nước ngoài gián tiếp

Đầu tư gián tiếp nước ngoài là một hình thức đầu tư đang dần được phổ biến trên thế giới khi mà hiện nay, việc hội nhập kinh tế toàn cầu đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đầu tư nước ngoài gián tiếp có một số ưu và nhược điểm mà các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp nhận đầu tư cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, về ưu điểm:

  • Đối với doanh nghiệp đầu tư: Nguồn vốn xoay chuyển liên tục góp phần đem lại lợi nhuận từ việc đầu tư, vốn không bị động tại chỗ, doanh nghiệp được chủ động nghiên cứu thị trường và nơi nhận đầu tư, hiểu biết rõ về thị trường và khả năng phát triển của doanh nghiệp và quốc gia nhận đầu tư để có chính sách đầu tư phù hợp cho những lần tiếp theo.
  • Đối với doanh nghiệp và quốc gia nhận đầu tư: Có nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển tiềm năng vốn có của doanh nghiệp và quốc gia, không phải tốn chi phí khi vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau, hệ thống tài chính được thúc đẩy phát triển, kích thích thay đổi pháp luật và chính sách quốc gia để phù hợp với việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, về nhược điểm:

  • Đối với chủ đầu tư: Chủ đầu tư không tham gia quản lý, kiểm soát hoạt động sử dụng vốn cũng như các chính sách phát triển của nội bộ doanh nghiệp nhận đầu tư nên không thể giúp vốn đầu tư của mình sinh lời tối đa, thậm chí có khả năng khó ngăn ngừa thua lỗ.
  • Đối với doanh nghiệp nhận đầu tư: Nếu là nguồn vốn tư nhân thì hạn chế khả năng hút vốn vì chủ đầu tư nước ngoài bị hạn chế mức góp vốn tối đa. Hạn chế khả năng tiếp thu công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Có thể bị lệ thuộc vào vốn của chủ đầu tư nước ngoài khi họ thay đổi đột ngột trong hành động đầu tư làm ảnh hưởng xấu đến thị trường vốn trong nước. Dòng vốn vào và ra liên tục có thể gây “tổn thương” đến thị trường tài chính quốc gia.

IV/ Một số câu hỏi thường gặp về đầu tư nước ngoài gián tiếp

Xung quanh lĩnh vực đầu tư nước ngoài gián tiếp có một số thắc mắc thường gặp như sau:

1. Phân biệt đầu tư nước ngoài gián tiếp và trực tiếp như thế nào?

Đầu tư nước ngoài gián tiếp và trực tiếp có thể được phân biệt qua một số tiêu chí sau:

Hình thức

Đầu tư nước ngoài gián tiếp

Đầu tư nước ngoài trực tiếp

Quyền kiểm soát

Chỉ mua tài sản tài chính và không nắm quyền kiểm soát trực tiếp, không tham gia quản lý bên nhận đầu tư.

Bên tiếp nhận đầu tư (vốn) có toàn quyền chủ động trong kinh doanh.

Nắm quyền quản lý, kiểm soát trực tiếp. Chủ đầu tư tự quyết định đầu tư, quyết định sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về lỗ, lãi.

Phương tiện đầu tư

Số lượng chứng khoán mà các công ty nước ngoài được mua có thể bị khống chế ở mức độ nhất định tùy theo quy định pháp luật từng quốc gia nhận đầu tư.

Các chủ đầu tư nước ngoài phải đóng góp một tỷ lệ vốn tối thiểu trong vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tùy theo quy định của pháp luật từng nước.

Lợi nhuận

Thu lợi nhuận chia theo cổ tức hoặc việc bán chứng khoán thu chênh lệch.

Thu được theo lợi nhuận của công ty và được phân chia theo tỷ lệ góp vốn.

Mục đích

Lợi nhuận, chỉ kỳ vọng về một khoản lợi nhuận tương lai dưới dạng cổ tức, trái tức hoặc phần chênh lệch giá.

Lợi nhuận trực tiếp từ hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp nhận vốn đầu tư và quyền quản lý hoặc kiểm soát.

Mức rủi ro

Rủi ro ít, thường phụ thuộc vào mức độ sinh lời của cổ phiếu, chứng khoán mà chủ đầu tư nắm giữ.

Rủi ro theo tỷ lệ vốn đầu tư.

Hình thức biểu hiện

Chỉ đơn thuần là luân chuyển vốn từ trực tiếp sang nước tiếp nhận đầu tư.

Vốn đi kèm với hoạt động thương mại, chuyển giao công nghệ và di chuyển sức lao động quốc tế.

Xu hướng luân chuyển

Từ các nước phát triển với nhau hoặc đang phát triển hơn là luân chuyển các nước kém phát triển.

Từ nước phát triển sang nước đang phát triển.

2. Chính sách hỗ trợ khi đầu tư nước ngoài gián tiếp là gì?

Đầu tư nước ngoài gián tiếp chủ yếu được xem xét dựa trên dòng chảy của nguồn vốn đầu tư, tương ứng sẽ có chính sách thu hút đầu tư và chính sách đầu tư ra nước ngoài. Vì xu hướng luân chuyển của đầu tư nước ngoài gián tiếp là giữa các nước phát triển với nhau hoặc đang phát triển với nhau, do đó, Việt Nam có cả hai chính sách là hoàn toàn hợp lý.

  • Đối với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài:
    • Chính sách này được thực hiện thông qua các chính sách mở cửa thị trường. Việc tạo dựng một thị trường tự do giao lưu kinh tế, tài chính,... góp phần thúc đẩy việc đưa những điểm mạnh của thị trường quốc gia ra thế giới.
    • Các chính sách đẩy mạnh liên kết, hợp tác quốc tế hoặc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện kinh doanh, khai thác trong nước để nhìn thấy tiềm năng của quốc gia.
  • Đối với chính sách đầu tư ra nước ngoài:

Thực hiện các hoạt động đầu tư ra thị trường nước ngoài. Có thể thực hiện các dự án hợp tác với doanh nghiệp của quốc gia khác hoặc thực hiện các dự án kinh doanh, đầu tư trên thị trường nước họ. Chính sách đầu tư có thể thực hiện thông qua việc mở các chi nhánh, mở rộng hoạt động của công ty tại quốc gia khác. Hoặc thực hiện các dự án mua lại công ty ở các quốc gia khác.

Một số chính sách cụ thể được đề cập tại khoản 1 Điều 18 Luật Đầu tư năm 2020 và khoản 6 Điều 20 Nghị định 31/2021/NĐ-CP:

  • Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư.
  • Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;
  • Hỗ trợ tín dụng;
  • Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời theo quyết định của cơ quan nhà nước;
  • Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ;
  • Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin;
  • Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.

3. Khi đầu tư nước ngoài gián tiếp cần lưu ý điều gì?

  • Đối với đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò nhà đầu tư:
    • Nghiên cứu thị trường của quốc gia và tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhận đầu tư;
    • Có chiến lược đầu tư phù hợp;
    • Nghiên cứu các hình thức được pháp luật cho phép đầu tư ra nước ngoài;
    • Tuân thủ pháp luật của nước nhận đầu tư.
  • Đối với đầu tư gián tiếp nước ngoài, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên nhận đầu tư:
    • Có chính sách hoạt động phù hợp, tranh thủ nguồn vốn nước ngoài để phát triển nguồn lực bản thân;
    • Chủ động khi nguồn vốn có chiều hướng thay đổi nhanh;
    • Cập nhật các chính sách hỗ trợ từ nhà nước.

Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về đầu tư nước ngoài gián tiếp. Nhìn chung, đây là một hình thức đầu tư tương đối phổ biến, có khả năng tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng như cơ hội phát triển của bên nhận đầu tư khi tranh thủ được nguồn vốn từ nước ngoài. Hoạt động giao lưu kinh tế giữa các quốc gia cũng được mở rộng. Nếu Quý Khách hàng vẫn còn thắc mắc về đầu tư gián tiếp nước ngoài vui lòng liên hệ với NPLaw để được giải đáp chi tiết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan
  • GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM

    GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM

    Trong tình hình kinh tế hiện nay, đầu tư là một hình thức không thể thiếu trong việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế thị trường và hợp thức hóa thành văn bản pháp lý dưới hình thức giấy chứng nhận đăng ký đầu...
    Đọc tiếp
  • THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ

    THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ

    Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Thẩm định dự án đầu tư cùng các quy định pháp luật...
    Đọc tiếp
  • Quy định về gia hạn tiến độ thực hiện dự án

    Quy định về gia hạn tiến độ thực hiện dự án

    Trong bối cảnh môi trường đầu tư ngày càng biến động, việc đảm bảo tiến độ thực hiện dự án là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của mỗi dự án đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, dự án có thể không thể...
    Đọc tiếp
  • Quy định về cam kết vốn đầu tư

    Quy định về cam kết vốn đầu tư

    Cam kết vốn đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các dự án đầu tư. Đây không chỉ là cam kết tài chính của nhà đầu tư mà còn là nền tảng để các bên liên quan tin tưởng vào khả năng...
    Đọc tiếp