Dịch vụ tư vấn xin giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi và sản xuất thực phẩm đang ngày càng phát triển, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thú y không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Để đáp ứng yêu cầu này, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật cần phải xin cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y từ cơ quan có thẩm quyền. 

Trong bài viết này, NPLAW sẽ cung cấp những thông tin cần thiết, hướng dẫn chi tiết về quy trình và hồ sơ để xin giấy chứng nhận, giúp các tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt rõ ràng các yêu cầu và thủ tục liên quan.

I. Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y là gì?

1. Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y là gì?

Vệ sinh thú y được giải thích tại khoản 16 Điều 3 Luật Thú y 2015 như sau: Vệ sinh thú y là việc đáp ứng các yêu cầu nhằm bảo vệ sức khỏe động vật, sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái.

Như vậy, có thể hiểu: Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y là loại giấy phép do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp cho các cơ sở chăn nuôi, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm động vật khi đáp ứng đủ các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y.

2. Đối tượng nào cần có Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y?

Theo Khoản 2 Điều 36 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT, được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT, Việc kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở nêu tại điểm d mục 2 Phụ lục I hoặc cơ sở làm hồ sơ đề nghị được kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh thú y (theo yêu cầu của nước nhập khẩu) thực hiện theo quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Thông tư này.

Như vậy, đối tượng cần có Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y bao gồm:

  • Cơ sở ấp trứng; 
  • Cơ sở giết mổ động vật tập trung;
  • Cơ sở cách ly kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; 
  • Cơ sở gia công, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh; 
  • Kho bảo quản sản phẩm động vật; 
  • Chợ chuyên kinh doanh động vật, chợ kinh doanh động vật nhỏ lẻ, cơ sở thu gom động vật; 
  • Cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; cơ sở xét nghiệm, chẩn đoán bệnh động vật; 
  • Cơ sở phẫu thuật động vật; 
  • Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động vật và các sản phẩm động vật khác không sử dụng làm thực phẩm (theo yêu cầu của nước nhập khẩu).

II. Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y

Để được cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, cơ sở cần phải đáp ứng các điều kiện vệ sinh thú y. Điều kiện vệ sinh thú ý được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu vệ sinh thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo quy định tại Điều 74 Luật Thú y 2015.

Hiện nay, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện vệ sinh thú y được quy định tại Điều 1 Thông tư 30/2012/TT-BNNPTNT do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, cụ thể bao gồm:

  • Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện vệ sinh thú y khu cách ly kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật: Ký hiệu: QCVN 01 - 99: 2012/BNNPTNT
  • Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Yêu cầu chung về vệ sinh thú y trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tươi sống và sơ chế: Ký hiệu: QCVN 01 - 100: 2012/BNNPTNT

III. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y

Căn cứ tại khoản 3 Điều 37 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT), hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y có những tài liệu sau đây:

- Đơn đề nghị cấp/cấp lại Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y theo Mẫu 01 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT.

- Bản chính Mô tả tóm tắt về cơ sở theo Mẫu số 02 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT.

IV. Trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y

Căn cứ tại khoản 4 Điều 37 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT), trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y như sau:

  • Chủ cơ sở nộp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận VSTY cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận VSTY quy định tại khoản 1 Điều này theo một trong các hình thức: trực tiếp; gửi qua: dịch vụ công trực tuyến; gửi theo đường dịch vụ bưu chính; thư điện tử, fax (sau đó gửi hồ sơ bản chính);
  • Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận VSTY của cơ sở, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận VSTY phải xem xét tính đầy đủ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho cơ sở nếu hồ sơ không đầy đủ; trường hợp Chủ cơ sở nộp trực tiếp, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn và trả lời ngay cho người nộp về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ;

  • Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận VSTY thực hiện kiểm tra hồ sơ và tổ chức đi kiểm tra thực tế điều kiện VSTY tại cơ sở, cấp Giấy chứng nhận VSTY nếu đủ điều kiện. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận VSTY, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Đối với cơ sở đã được Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận VSTY có nhu cầu hoạt động xuất khẩu; hỗn hợp xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; hỗn hợp xuất, nhập khẩu: Cục Thú y kiểm tra, thừa nhận các chỉ tiêu trùng lặp đã được đánh giá đạt yêu cầu và cấp Giấy chứng nhận VSTY theo quy định.

V. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y

1. Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y có hiệu lực bao lâu?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 37 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT), Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y có hiệu lực trong thời gian 03 (ba) năm.

2. Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y có bị thu hồi không?

Căn cứ tại khoản 6 Điều 37 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT), Giấy chứng nhận VSTY bị thu hồi trong các trường hợp sau: Các cơ sở nêu tại điểm d mục 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này bị thu hồi Giấy chứng nhận VSTY trong trường hợp giám sát định kỳ; thanh, kiểm tra đột xuất nếu phát hiện cơ sở không đạt các yêu cầu vệ sinh thú y;

Thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận VSTY: Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận VSTY thì cơ quan đó có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận VSTY.

3. Hoạt động mà không có Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y sẽ bị xử phạt thế nào?

Theo Điều 27 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được bổ sung bởi Khoản 15 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP, hoạt động mà không có Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y sẽ bị xử phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi chợ kinh doanh động vật nhỏ lẻ, cơ sở thu gom động vật không có Giấy chứng nhận vệ sinh thú y 
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi cơ sở ấp trứng, sản xuất, kinh doanh con giống; khu cách ly kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động vật; cơ sở gia công, chế biến động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu; cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có Giấy chứng nhận vệ sinh thú y.
  • Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi kho lạnh bảo quản động vật, sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế, chế biến; cơ sở xét nghiệm, chẩn đoán, phẫu thuật động vật không có Giấy chứng nhận vệ sinh thú y.
  • Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chợ chuyên kinh doanh động vật; cơ sở giết mổ động vật tập trung; cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh không có Giấy chứng nhận vệ sinh thú y. 

Lưu ý: Mức phạt tiền này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.

VI. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng liên quan đến Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan