Tách thửa đất nông nghiệp được hiểu là quy trình phân chia quyền sở hữu đất nông nghiệp từ một người đứng tên, chịu trách nhiệm sang cho nhiều đối tượng khác nhau. Vậy điều kiện, thủ tục tách thửa đất nông nghiệp được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu điều kiện, thủ tục tách thửa đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật qua bài viết dưới đây.
I. Điều kiện tách thửa đất nông nghiệp
Theo quy định tại Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định về diện tích đất tối thiểu được tách thửa thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Như vậy, diện tích đất tối thiểu được tách thửa sẽ có sự khác nhau tuỳ thuộc vào từng địa phương và kế hoạch sử dụng đất của địa phương đó.
Để thực hiện việc tách thửa đất nông nghiệp thì thửa đất đó cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Tách Thửa đất nông nghiệp
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 và Điều 101 Luật Đất đai năm 2013, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
- Đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định của pháp luật.
- Không thuộc các trường hợp không được phép tách thửa theo quy định của pháp luật
II. Thủ tục tách thửa đát nông nghiệp
2.1 Nộp hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp
Để tách thửa đất, người sử dụng đất phải thực hiện đầy đủ các thủ tục đã được quy định tại Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP là nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa. Hồ sơ đề nghị tách thửa gồm có:
- Đơn đề nghị tách thửa theo Mẫu số 11/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

Mẫu tham khảo đơn đề nghị tách thửa đất
2.2 Tiếp nhận hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị tách thửa đất nông nghiệp thì văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
- Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
- Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
2.3 Giải quyết yêu cầu tách thửa đất nông nghiệp
Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
- Đo đạc địa chính chia tách thửa đất và lập bản trích lục thửa đất mới tách theo kết quả đo đạc địa chính để chuyển cho người sử dụng đất thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng một phần thửa đất mới tách;
- Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:
- Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;
- Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Các trường hợp yêu cầu tách thửa đất nông nghiệp
2.4 Thời gian thực hiện thủ tục tách thửa đất nông nghiệp
- Theo quy định tại Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định về thời gian thực hiện thủ tục tách thửa đất là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Thời gian thực hiện thủ tục tách thửa đất là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
- Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng xâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện thủ tục tách thửa đất nông nghiệp được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hoà giải tranh chấp đất đai.
III. Một số giải đáp về điều kiện, thủ tục tách thửa đất nông nghiệp
Câu hỏi 1. Diện tích đất tối thiểu để được tách thửa đất nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh là bao nhiêu?
Trả lời: Căn cứ vào Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 của Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 5 quy định về tách thửa đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa được quy định như sau:
- Trường hợp thửa đất thuộc khu vực quy hoạch, để sản xuất nông nghiệp: được phép tách thửa, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác và 1.000m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.
- Trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố thì không được tách thửa. Trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và không thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố, thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền theo quy định tại Điều 49, Luật Đất đai.
Câu hỏi 2. Để tách thửa đất nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thì cần phải đáp ứng điều kiện gì?
Trả lời: Căn cứ vào Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 của Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, thì điều kiện để thửa đất được phép tách thửa được quy định như sau:
- Thửa đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
- Việc tách thửa đất phải đảm bảo quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171, Luật Đất đai;
- Thửa đất hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa, hợp thửa, điều chỉnh ranh giữa các thửa đất phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định tại Quyết định này.
Câu hỏi 3. Những trường hợp nào không được tách thửa đất nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh?
Trả lời: Căn cứ vào Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 của Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, thì những trường hợp không được tách thửa được quy định như sau:
- Khu vực bảo tồn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt danh mục phải bảo tồn theo quy định pháp luật.
- Biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước; biệt thự thuộc nhóm 1 và 2 theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
- Các khu vực hiện đang là biệt thự được tiếp tục quản lý theo quy hoạch; biệt thự thuộc dự án đã quy hoạch; đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận cho từng nền đất theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt; khu vực có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt. Trường hợp quy hoạch này được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, thì việc tách thửa phải đảm bảo đúng theo quy hoạch đã điều chỉnh và theo Quyết định này.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn