Lập vi bằng đặt cọc mua bán đất là hành vi nhằm đảm bảo sự kiện đặt cọc giữa các bên diễn ra có sự chứng kiến hợp pháp của Thừa phát lại. Từ đó, các bên có thể sử dụng vi bằng này làm nguồn chứng cứ giao nộp cho Tòa án khi xảy ra tranh chấp.
Trong các giao dịch mua bán đất hiện nay, nhằm đảm bảo tính chắc chắn trong thỏa thuận mua bán cũng như tạo điều kiện về mặt tài chính cho bên mua, việc đặt cọc mua bán đất gần như được xem là một trong những bước không thể thiếu khi giao dịch mua bán đất. Theo đó, để tăng tính xác thực của việc đặt cọc, việc lập vi bằng đặt cọc mua bán đất được các bên tham gia giao dịch tin tưởng yêu cầu thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình khi xảy ra tranh chấp.
Khái niệm về đặt cọc được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và được xem là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch dân sự.
Khoản 1 Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 quy định đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Vậy có thể hiểu, đặt cọc mua bán đất đai là việc bên bán đất nhận tài sản đặt cọc từ bên mua đất trong một thời gian theo thỏa thuận của các bên để đảm bảo việc giao kết, thực hiện việc mua bán đất của hai bên.
Trước hết, vi bằng theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đề cập là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu. Vậy nên, việc lập vi bằng đặt cọc mua bán đất đai có thể hiểu là việc xác nhận hành vi đặt cọc, giao nhận tài sản đặt cọc của bên mua và bên bán trong giao dịch mua bán đất đai.
Khách hàng cần lưu ý phân biệt với việc công chứng hợp đồng đặt cọc và công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản. Vì đây là phạm vi thuộc hoạt động công chứng, chứng thực thuộc trường hợp tại khoản 4 Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP nên sẽ không được lập vi bằng.
Bản chất của việc lập vi bằng là ghi nhận lại sự kiện có thật nhằm sử dụng làm nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết các tranh chấp dân sự.
Mặc dù, việc lập vi bằng đặt cọc mua bán đất đai không phải là bắt buộc, nhưng nhằm tạo nguồn chứng cứ hợp lệ và đảm bảo tính xác thực của việc đặt cọc, các bên có quyền yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng đối với sự kiện đặt cọc trên.
Căn cứ Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, vi bằng được sử dụng để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của các bên, do đó vi bằng đặt cọc mua bán đất đai chỉ có giá trị ghi nhận sự việc đặt cọc của các bên đã thực sự diễn ra và được chứng kiến bởi Thừa phát lại.
Ngoài ra, vi bằng đặt cọc mua bán đất đai không có giá trị thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực và là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét giải quyết vụ việc dân sự nếu có tranh chấp xảy ra.
Thủ tục lập vi bằng được quy định tại Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
Việc lập vi bằng đặt cọc mua bán đất là việc ghi nhận sự kiện giao nhận tài sản đặt cọc diễn ra giữa hai bên mua bán. Do đó, khi yêu cầu lập vi bằng đối với sự kiện này, các bên cần phải có mặt đầy đủ để đảm bảo sự việc đặt cọc mua bán này đã diễn ra và được xác nhận, chứng kiến bởi thừa phát lại.
Theo Điều 64 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định, chi phí lập vi bằng là do bên yêu cầu và Văn phòng thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.
Trên thực tế, mức phí lập vi bằng đặt cọc mua bán đất sẽ khác nhau giữa các Văn phòng thừa phát lại. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật các mức phí này phải được niêm yết tại Văn phòng nên quý khách hàng có thể chủ động lựa chọn nơi thực hiện phù hợp.
Pháp luật hiện hành không quy định về thời hiệu cho vi bằng, do đó, việc hủy vi bằng chỉ có khả năng xảy ra trong các trường có quyết định, bản án của tòa án về việc hủy vi bằng.
Theo đó, lý do hủy vi bằng thuộc các trường hợp không được lập vi bằng, quy định tại Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
Việc hủy vi bằng đặt cọc chỉ có giá trị xác định việc đặt cọc mua bán đất diễn ra không đúng quy định của pháp luật về lập vi bằng. Do vậy, nếu không có tranh chấp xảy ra giữa các bên, số tiền đặt cọc khi thực hiện yêu cầu lập vi bằng sẽ không bị ảnh hưởng.
Trên đây là những thông tin về lập vi bằng đặt cọc mua bán đất đai. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ các thủ tục liên quan đến lập vi bằng đặt cọc mua bán đất đai hãy liên hệ với NP Law để được giải đáp các thắc mắc cụ thể về các vấn đề pháp lý nhanh chóng.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn