Giấy phép kinh doanh bảo hiểm được quy định như thế nào?

“Bảo hiểm” - Cụm từ không mấy xa lạ, thậm chí là gắn liền với cuộc sống con người hiện nay. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tuy nhiên vì chưa hiểu rõ luật và các vấn đề xoay quanh hoạt động kinh doanh này mà các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh bảo hiểm. Để hiểu rõ các vấn đề pháp lý cũng như hồ sơ, trình tự, thủ tục xin giấy phép kinh doanh bảo hiểm như thế nào, hãy cùng NPLAW xem qua bài viết dưới đây nhé!

I. Kinh doanh bảo hiểm không giấy phép bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số ban hành ngày 28/08/2013, cụ thể:

“4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, kinh doanh môi giới bảo hiểm không có Giấy phép thành lập và hoạt động;"

Như vậy, Kinh doanh bảo hiểm không giấy phép bị phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo điểm c Khoản 5 Điều 7 Nghị định 98/2013/NĐ-CP là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính mà có. 

II. Điều kiện xin giấy phép kinh doanh bảo hiểm là gì?

Theo Điều 64 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về điều kiện chung cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm như sau:

Thứ nhất, điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập thì: 

  • Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
  • Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp; trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ;
  • Doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Thứ hai, điều kiện về vốn cần đáp ứng:

  • Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ;
  • Cổ đông, thành viên góp vốn thành lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.

Thứ ba, điều kiện về nhân sự: có Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Thứ tư, có hình thức tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và có dự thảo điều lệ phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

III. Thủ tục xin giấy phép kinh doanh bảo hiểm thực hiện như thế nào?

1. Hồ sơ

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo Điều 69 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bao gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
  • Dự thảo điều lệ đối với doanh nghiệp bảo hiểm;
  • Phương án hoạt động 05 năm đầu, trong đó nêu rõ các nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến triển khai, mô hình quản trị rủi ro, phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, đầu tư vốn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm;
  • Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán;
  • Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân sáng lập hoặc thành viên, cổ đông dự kiến góp từ 10% số vốn điều lệ trở lên và các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại các điều 64, 65, 66 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 của các tổ chức, cá nhân đó;
  • Danh sách các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm. Chính phủ quy định tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Trình tự, thủ tục

Căn cứ Điều 15 Nghị định 73/2016/NĐ-CP thì trình tự và thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh bảo hiểm được thực hiện theo các bước sau:

- Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép

Người nộp hồ sơ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như mục 1 phần III của bài viết này nộp tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh bảo hiểm là Bộ Tài chính theo khoản 2 Điều 71 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. 

- Bước 2: Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) xem xét, thẩm định hồ sơ và có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, sửa đổi hồ sơ (nếu có)

Trong thời hạn 21 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ. 

- Bước 3: Chủ đầu tư bổ sung, sửa đổi hồ sơ (nếu có)

Thời hạn bổ sung, sửa đổi hồ sơ của chủ đầu tư tối đa là 06 tháng kể từ ngày ra thông báo. 

- Bước 4: Bộ Tài chính xem xét, thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Trường hợp từ chối cấp giấy phép thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

IV. Một số thắc mắc giấy phép kinh doanh bảo hiểm

1. Ai có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài?

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài là Bộ Tài chính căn cứ khoản 2 Điều 71 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, cụ thể:

“Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

2. Thời hạn cấp giấy phép kinh doanh bảo hiểm là bao lâu?

Theo khoản 1 Điều 70 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Trường hợp từ chối cấp giấy phép thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh bảo hiểm là gì?

Khi xin giấy phép kinh doanh bảo hiểm, người yêu cầu có thể gặp một số khó khăn như:

  • Không nắm vững luật để đáp ứng các điều kiện xin giấy phép kinh doanh dẫn đến hồ sơ bị từ chối.
  • Khó khăn trong việc lựa chọn hình thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, sao cho phù hợp với Điều 62 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì doanh nghiệp bảo hiểm được lựa chọn theo hình thức Công ty cổ phần hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn.
  • Không nắm rõ luật gây khó khăn trong việc xây dựng dự thảo điều lệ sao cho phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Không rõ thành phần hồ sơ dẫn đến nộp thiếu hoặc sai, hồ sơ bị từ chối, phải chỉnh sửa, bổ sung gây mất thời gian trong quá trình xin cấp giấy phép kinh doanh bảo hiểm.
  • Tốn kém chi phí đi lại nhiều lần nếu hồ sơ không hợp lệ.

V. Dịch vụ tư vấn xin giấy phép kinh doanh bảo hiểm

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực pháp lý, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLAW) là một trong những công ty Luật uy tín, cam kết tư vấn, giải quyết nhanh chóng kịp thời, chất lượng dịch vụ tốt với mức phí phù hợp. Đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, làm việc tận tâm, nhiệt tình, giúp bạn đưa ra được cách giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. 

Bạn cần tư vấn và hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý, đặc biệt là tư vấn xin giấy phép kinh doanh bảo hiểm, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng, liên hệ ngay với NPLAW theo thông tin sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan