HỢP ĐỒNG ĐÀO TẠO NGHỀ: NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CẦN LƯU Ý

 

Khi tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề, việc ký kết hợp đồng đào tạo nghề là một bước quan trọng để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về những quy định pháp lý liên quan đến loại hợp đồng này, dẫn đến nguy cơ phát sinh các tranh chấp khi thực hiện hợp đồng. Để hạn chế các rủi ro pháp lý hãy cùng NPLaw tìm hiểu về hợp đồng đào tạo nghề trong bài viết sau nhé!

I. Tìm hiểu về hợp đồng đào tạo nghề

Đào tạo nghề là hoạt động dạy nghề, học nghề nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để năng cao trình độ nghề nghiệp. 

Thông thường, để hoạt động đào tạo nghề diễn ra minh bạch, công bằng thì giữa người học nghề và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hay các doanh nghiệp thường ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Vì đây là cơ sở để xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình đào tạo. 

II. Quy định pháp luật về hợp đồng đào tạo nghề

1. Thế nào là hợp đồng đào tạo nghề

Theo Điều 39 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, hợp đồng đào tạo nghề được hiểu là sự thỏa thuận bằng lời nói hoặc bằng văn bản về quyền và nghĩa vụ giữa người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lớp đào tạo nghề, tổ chức, cá nhân với người học tham gia chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định của pháp luật và trong trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp.

2. Khi nào ký hợp đồng đào tạo nghề

Thông thường, hợp đồng đào tạo nghề được ký trong trường hợp người học đăng ký khóa học đào tạo nghề tại cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lớp đào tạo nghề. 

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng đào tạo nghề còn được ký kết trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Như vậy, hợp đồng đào tạo nghề được ký giữa người học với cơ sở giáo dục, đào tạo nghề khi tham gia khóa học đào tạo hoặc giữa người lao động với người sử dụng lao động khi đào tạo người lao động nâng cao tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc.

3. Nội dung phải có của hợp đồng đào tạo nghề chi tiết gồm những nội dung nào? 

Theo khoản 2 Điều 39 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, hợp đồng đào tạo nghề phải gồm các nội dung chính sau:

  • Tên nghề đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;
  • Địa điểm đào tạo;
  • Thời gian hoàn thành khóa học;
  • Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;
  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;
  • Thanh lý hợp đồng;
  • Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Trong trường hợp người sử dụng lao động tuyển người lao động vào đào tạo để làm việc cho họ thì ngoài những nội dung trên hợp đồng đào tạo nghề còn gồm các nội sau:

  • Tiền lương trong thời gian đào tạo;
  • Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
  • Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
  • Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
  • Trách nhiệm của người lao động.

III. Một số thắc mắc về hợp đồng đào tạo nghề

1. Có bắt buộc phải ký hợp đồng đào tạo nghề không?

Theo khoản 3 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì bắt buộc phải ký hợp đồng đào tạo nghề theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014. 

Như vậy, trong trường hợp đề cập ở trên bắt buộc phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề bằng văn bản. 

2. Chủ thể của hợp đồng đào tạo nghề

Hợp đồng đào tạo nghề gồm hai chủ thể sau:

  • Người học nghề 

Theo khoản 4 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019, người học nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề. Trong trường hợp người học nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định pháp luật thì phải từ đủ 18 tuổi trở lên.

  • Đơn vị đào tạo nghề hoặc người sử dụng lao động

Khi tham gia giao kết hợp đồng đào tạo nghề thì các đơn vị đào tạo nghề cần phải có khả năng tài chính, thiết bị dạy lý thuyết, thực hành phù hợp với nghề, trình độ và quy mô đào tạo, có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ chuẩn, kỹ năng nghề đảm bảo thực hiện mục tiêu, chương trình dạy nghề

Còn đối với người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

3. Các trường hợp làm hợp đồng đào tạo nghề bị vô hiệu

Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng đào tạo bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng không có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự phù hợp;
  • Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng không tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung của hợp đồng đào tạo nghề vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;
  • Hình thức của hợp đồng đào tạo nghề không đúng theo quy định của pháp luật.

4. Mức phạt khi công ty không ký hợp đồng đào tạo nghề với người lao động được pháp luật quy định như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi không ký hợp đồng đào tạo nghề với người lao động được quy định như sau:

  • Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt trên là đối với cá nhân vi phạm còn đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt sẽ bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân. Vì vậy, khi công ty không ký hợp đồng đào tạo nghề với người lao động để làm việc cho mình đối với trường hợp người sử dụng lao động không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo khoản 3 Điều 61 của Bộ luật Lao động thì phải chịu mức phạt tiền gấp đôi.

Như vậy, tùy vào mức độ vi phạm khác nhau mà công ty có hành vi vi phạm phải chịu mức phạt tiền hành chính tương ứng từ 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

5. Thời hạn tối đa của hợp đồng đào tạo nghề trong bao lâu?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc hợp đồng đào tạo nghề phải kéo dài trong bao lâu. Do đó, thời hạn của hợp đồng đào tạo nghề sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan hợp đồng đào tạo nghề

Trên đây là những thông tin xoay quanh đề tài hợp đồng đào tạo nghề. Để có thể được hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về hợp đồng đào tạo nghề, Quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan