Khi nào nhà đầu tư được giảm vốn đầu tư? Điều kiện như thế nào?

Ngoài số vốn ban đầu thì việc điều chỉnh vốn đầu tư như tăng hoặc giảm vốn đầu tư là một hoạt động thường xuyên đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh. Với bài viết này thì NP Law sẽ đem đến cho bạn đọc những thông tin cần thiết về vấn đề giảm vốn đầu tư. Hy vọng bài viết sẽ giúp những nhà đầu tư có nhu cầu giảm vốn đầu tư có thể thực hiện thủ tục này một cách chính xác, nhanh chóng, phù hợp với quy định của pháp luật.

1. Khi nào nhà đầu tư được giảm vốn đầu tư?

Trước khi tìm hiểu khi nào nhà đầu tư được giảm vốn đầu tư thì chúng ta tìm hiểu như thế nào là vốn đầu tư. Theo quy định tại khoản 23 Điều 03 Luật Đầu tư 2020 thì vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

Theo quy định tại Điều 41 Luật đầu tư 2020 thì trong quá trình thực hiện dự án nhà đầu tư được điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Như vậy, nhà đầu tư được quyền giảm vốn đầu tư và phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc giảm vốn đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Bên cạnh đó, đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.

2. Giảm vốn đầu tư cần có những điều kiện gì?

Điều kiện để nhà đầu tư giảm tổng vốn đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

- Công ty phải giải trình được sự phù hợp về tổng vốn đầu tư mới trong bản đề xuất dự án đầu tư.

- Công ty phải đảm bảo tính khả thi của dự án, đảm bảo thực hiện đúng và đủ các nội dung đã ghi nhận trên GCN đăng ký đầu tư. Trường hợp không thể thực hiện đúng (Ví dụ: Thay đổi tiến độ triển khai dự án,...) thì phải thực hiện điều chỉnh thêm các nội dung đó cùng với việc tăng, giảm vốn đầu tư.

- Công ty phải giải trình về năng lực tài chính của nhà đầu tư đối với trường hợp đăng ký tăng tổng vốn đầu tư, phải cam kết thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ dân sự nếu có trong trường hợp giảm vốn đầu tư.

- Được cơ quan quản lý đầu tư chấp thuận cho tăng, giảm vốn đầu tư thể hiện qua việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh.

3. Thủ tục giảm vốn đầu tư được quy định như thế nào?

Đối với thủ tục giảm vốn đầu tư sẽ có hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư khi giảm vốn đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan đăng ký đầu tư, bao gồm:

- Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;

- Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh;

- Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với nhà đầu tư là tổ chức;

- Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh những nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư (nếu có).

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.

Trường hợp 2: Thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khi giảm vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;

(2) Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh;

(3) Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với nhà đầu tư là tổ chức;

(4) Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc giảm vốn đầu tư.

(5) Báo cáo tài chính của tổ chức kinh tế thực hiện dự án/Xác nhận số dư ngân hàng chứng minh nhà đầu tư đã góp đủ vốn.

  • Bước 2: Nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều chỉnh giấy phép

(1)  Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ: Nhà đầu tư nộp 08 bộ hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định này để lấy ý kiến về những nội dung điều chỉnh dự án đầu tư;

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung điều chỉnh dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó;

– Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định các nội dung điều chỉnh dự án đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ;

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư, các bộ, cơ quan có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư, cơ quan chấp thuận nhà đầu tư (nếu có).

(2) Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại để lấy ý kiến về những nội dung điều chỉnh dự án đầu tư;

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung điều chỉnh dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó;

– Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định các nội dung điều chỉnh dự án đầu tư để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định của Cơ quan đăng ký đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư, Cơ quan chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật Đầu tư, các Sở, cơ quan có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư.

(3) Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế: Nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định để lấy ý kiến về những nội dung điều chỉnh dự án đầu tư;

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung điều chỉnh dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó;

– Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi cho nhà đầu tư, cơ quan có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư.

  • Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày có chấp thuận chủ trương đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư và Tổ chức thực hiện dự án (trường hợp dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

4. Một số thắc mắc thường gặp khi nhà đầu tư muốn giảm vốn đầu tư

Một số vấn đề được quan tâm khi giảm vốn đầu tư hiện nay.

Thay đổi giảm vốn đầu tư có khó không?

Thay đổi giảm vốn đầu tư không quá khó khăn, tuy nhiên nhà đầu tư cần nắm kỹ các quy định của pháp luật, xác định việc giảm vốn đầu tư của mình thuộc trường hợp nào để thực hiện chính xác, nhanh chóng.

Giảm vốn đầu tư có được giảm vốn điều lệ không?

Giảm vốn đầu tư và giảm vốn điều lệ là khác nhau. Vì vậy, giảm vốn đầu tư vẫn được giảm vốn điều lệ.

Nộp thủ tục giảm vốn đầu tư ở đâu và bao gồm những tài liệu gì?

Thủ tục giảm vốn đầu tư đã được nêu cụ thể trong phần 3. 

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục giảm vốn đầu tư như thế nào?

Thủ tục giảm vốn đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tương tự như thủ tục giảm vốn đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan