Căn hộ du lịch chắc chắn là cụm từ không còn quá xa lạ đối với nhiều người ưa thích sự khám phá và trải nghiệm. Vậy thế nào là kinh doanh căn hộ du lịch? Chủ thể nào được phép kinh doanh căn hộ du lịch? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu.
Căn hộ du lịch là loại hình bất động sản kết hợp giữa căn hộ và khách sạn. Việc kinh doanh căn hộ du lịch đang trở thành một ngành nghề lý tưởng cho các nhà đầu tư. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các đường bay quốc tế và trong nước được mở lại, cùng với đó là chính sách kích cầu du lịch tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tạo cơ hội đưa du lịch phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, nhu cầu kinh doanh căn hộ du lịch ngày càng tăng cao.
Theo khoản 3 Điều 21 của Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 hướng dẫn Luật du lịch quy định: “Căn hộ du lịch có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú”.
Theo khoản 1 Điều 24 của Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, được sửa đổi bổ sung theo khoản 3 Điều 5 của Nghị định 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018, quy định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với căn hộ du lịch là phải khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh; và có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
Như vậy, kinh doanh căn hộ du lịch là việc nhà đầu tư dùng căn hộ để phục vụ cho mục đích kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nhằm thu lại lợi nhuận, không phải sử dụng cho mục đích để ở.
Căn cứ Điều 50 Luật Du lịch 2017 quy định chủ thể được phép kinh doanh căn hộ du lịch là tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định. Để được phép kinh doanh căn hộ du lịch, cá nhân, tổ chức cần được cấp phép kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Kinh doanh căn hộ du lịch thuộc loại hình kinh doanh cơ sở lưu trú. Vì vậy, điều kiện, hồ sơ, thủ tục xin phép kinh doanh căn hộ du lịch tương ứng với điều kiện, hồ sơ, thủ tục xin phép kinh doanh dịch vụ lưu trú. Cụ thể như sau:
Điều kiện xin phép kinh doanh căn hộ du lịch
Căn cứ Điều 49 Luật du lịch 2017 quy định chủ thể được phép kinh doanh căn hộ du lịch nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Cụ thể, theo quy định tại Điều 24 Nghị định 168/2017/NĐ-CP thì căn hộ du lịch phải có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới và có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh.
Hồ sơ xin phép kinh doanh căn hộ du lịch:
Như đã trình bày ở trên, kinh doanh căn hộ du lịch thuộc loại hình kinh doanh cơ sở lưu trú. Vì vậy, hồ sơ xin phép kinh doanh căn hộ du lịch tương ứng với hồ sơ xin phép kinh doanh dịch vụ lưu trú. Cụ thể như sau:
Căn cứ Điều 49 Luật Du lịch năm 2017 thì hồ sơ xin phép kinh doanh căn hộ du lịch như sau:
- Giấy phép kinh doanh: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cần thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Hồ sơ chứng minh căn hộ du lịch đáp ứng các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm: Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.
- Hồ sơ chứng minh căn hộ du lịch đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch, về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ được quy định cụ thể tại Điều 24 Nghị định 168/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 3, 4 Điều 5 Nghị định 142/2018/NĐ-CP): Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới. Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh.
Thủ tục xin phép kinh doanh căn hộ du lịch:
Như đã phân tích, hồ sơ xin phép kinh doanh căn hộ du lịch tương ứng với hồ sơ xin phép kinh doanh dịch vụ lưu trú. Cụ thể như sau:
Bước 1: Cơ sở kinh doanh căn hộ du lịch nộp một bộ hồ sơ đầy đủ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi cơ sở đó kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Bước 2: Xin các giấy phép chứng minh căn hộ du lịch đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch, về an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định: Trước khi đi vào hoạt động chậm nhất 15 ngày, cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở lưu trú du lịch về những nội dung sau:
a) Tên, loại hình, quy mô cơ sở lưu trú du lịch;
b) Địa chỉ cơ sở lưu trú du lịch, thông tin về người đại diện theo pháp luật;
c) Cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại Điều 49 Luật Du lịch và Nghị định này.
Như vậy, ngoài thủ tục xin các loại giấy phép, cơ sở kinh doanh căn hộ du lịch cần gửi thông báo đến Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có cơ sở kinh doanh căn hộ du lịch trước khi chính thức đi vào kinh doanh.
Theo khoản 2 Điều 52 Luật Du lịch 2017 quy định “Khi có sự thay đổi về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định lại để công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 50 của Luật này”
Do đó, khi có sự thay đổi về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh căn hộ du lịch phải đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định lại để công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Theo điểm a khoản 5 Điều 13 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm nhà vệ sinh theo quy định đối với tổ chức.
Mặc dù hiện nay, tại Điều 49 Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn không có quy định cụ thể việc kinh doanh căn hộ du lịch bắt buộc phải có Giấy chứng nhận căn hộ du lịch. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận căn hộ du lịch là cơ sở đầu tiên xác định căn hộ được sử dụng cho mục đích kinh doanh, không phải là căn hộ được sử dụng lâu dài để ở. Vì vậy, kinh doanh căn hộ du lịch thì Giấy chứng nhận căn hộ du lịch là một loại giấy tờ cần thiết.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn