Tranh chấp dân sự là dạng tranh chấp phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, người bị kiện bỏ trốn khỏi nơi cư trú thì việc khởi kiện diễn ra như thế nào?
Trong vụ án dân sự, việc liên hệ và làm việc với người bị kiện có ý nghĩa quan trọng để giải quyết vụ án. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều trường hợp người bị kiện bỏ trốn, không còn ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc, nơi có trụ sở cuối cùng khi Tòa án giải quyết vụ án. Điều này gây nhiều khó khăn cho quá trình tố tụng và việc đảm bảo quyền lợi của đương sự bao gồm người bị kiện trong vụ án.
Trong vụ án dân sự, người bị kiện là bị đơn trong vụ án. Theo khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (gọi tắt là BLTTDS 2015), bị đơn là:
“3. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.”
Vậy, người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân bị nguyên đơn khởi kiện tại Tòa án để giải quyết vụ án dân sự.
Điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 (hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5, Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP) quy định:
“Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện … nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán … xác định người bị kiện … cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.”
Vậy, người bị kiện bỏ trốn là việc họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới theo quy định nhằm che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ với người khởi kiện.
Việc không xác định được địa chỉ của người bị kiện có nhiều nguyên nhân khác nhau như: người bị kiện đi làm việc, học tập tại nơi khác; khám chữa bệnh… hoặc có thể là bỏ trốn để trốn tránh nghĩa vụ với người khởi kiện hoặc người khác.
Việc người bị kiến bỏ trốn, vắng mặt khi giải quyết vụ án sẽ gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện trong vụ án đó.
Khoản 4 Điều 91 BLTTDS 2015 quy định: “4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.”
Việc giải quyết vụ án dựa trên chứng cứ do các đương sự cung cấp. Do đó, người bị kiện bỏ trốn, không tham gia giải quyết vụ việc sẽ không thể cung cấp chứng cứ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Người bị kiện khó bảo vệ quyền lợi của mình trong vụ án.
Người bị kiện vắng mặt thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo thủ tục chung theo Điều 192 BLTTDS 2015 (hướng dẫn tại Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP).
Việc người bị kiện bỏ trốn, không tham gia giải quyết vụ việc sẽ dẫn đến quá trình giải quyết vụ án bị kéo dài. Tòa án không tống đạt được văn bản mà phải tiến hành niêm yết công khai hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo Điều 179, 180 BLTTDS 2015 để giải quyết vụ án. Điều này gây khó khăn cho Tòa án trong việc thu thập chứng cứ và giải quyết vụ án.
Theo Điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 (hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5, Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP) quy định như sau:
“Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.”
Vậy, trường hợp người bị kiện bỏ trốn khỏi nơi cư trú nhưng người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện trong đơn khởi kiện theo quy định thì Tòa án không trả lại đơn khởi kiện.
Trường hợp đã nộp đơn khởi kiện mà người bị kiện bỏ trốn khỏi nơi cư trú thì Tòa án vẫn thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục chung theo Điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 (hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5, Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP).
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành niêm yết công khai văn bản tố tụng hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo Điều 179, 180 BLTTDS 2015.
Khi giải quyết vụ án, Tòa án dựa trên các chứng cứ do đương sự cung cấp và chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc để giải quyết theo quy định.
Trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án buộc người bị kiện chấp hành nghĩa vụ theo bản án, quyết định. Nhưng người bị kiện có điều kiện mà không chấp hành án thì có thể chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
“Điều 380. Tội không chấp hành án
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Vậy, người bị kiện bỏ trốn vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
NPLaw cung cấp các dịch vụ pháp lý trong trường hợp người bị kiện bỏ trốn như sau:
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn