PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH GÌ VỀ CHẤT THẢI Y TẾ?

Mỗi hoạt động hàng ngày của con người đều luôn thải ra môi trường một lượng rác nhất định. Ngành y tế cũng không ngoại lệ. Chỉ tính riêng giai đoạn bùng nổ dịch Covid-19 tại Việt Nam, thống kê đến ngày 30/6/2022, đã có gần 18.700 tấn rác thải y tế. Việc thu gom và xử lý chất thải y tế cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật.

I. Tìm hiểu quy định pháp luật về chất thải y tế cùng NPLaw

Chất thải y tế sẽ được thu gom, vận chuyển và xử lý như thế nào để không gây ảnh hưởng đến môi trường và con người? Pháp luật quy định gì về vấn đề này? Quý khách hàng hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.

II. Cơ sở pháp lý

1. Thông tư 02/2022/TT-BTNMT được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 10 tháng 01 năm 2022 Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Thông tư 02/2022/TT-BTNMT);

2. Thông tư 20/2021/TT-BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2021 Quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế (sau đây gọi là Thông tư 20/2021/TT-BYT).

III. Nội dung tư vấn

3.1 Chất thải y tế là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 20/2021/TT-BYT định nghĩa về chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế.CHẤT THẢI Y TẾ

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 20/2021/TT-BYT phân định chất thải y tế, cụ thể:

Chất thải y tế nguy hại bao gồm:

  • Chất thải nguy hại lây nhiễm chia ra thành: chất thải lây nhiễm sắc nhọn; chất thải lây nhiễm không sắc nhọn; chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao và chất thải giải phẫu;
  • Chất thải nguy hại không lây nhiễm;

Chất thải rắn thông thường từ các hoạt động của nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân người bệnh, học viên,... tại cơ sở y tế;

Khí thải bao gồm khí thải phát sinh từ phòng xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua đường không khí; khí thải từ phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên;

Chất thải lỏng không nguy hại bao gồm dung dịch thuốc, hoá chất thải bỏ không thuộc nhóm gây độc tế bào, không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất, không chứa yếu tố nguy hại vượt ngưỡng, không chứa vi sinh vật gây bệnh;

Nước thải y tế gồm nước thải phát sinh từ hoạt động chuyên môn trong cơ sở y tế. Trường hợp nước thải sinh hoạt thải chung vào hệ thống thu gom nước thải y tế thì được quản lý như nước thải y tế.

3.2 Chất thải y tế được vứt bỏ ở đâu?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 42 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, theo đó

Chất thải y tế nguy hại được xử lý theo thứ tự ưu tiên sau:

  • Xử lý tại cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có hạng mục xử lý chất thải y tế;
  • Xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm);
  • Tự xử lý tại công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế.

CHẤT THẢI Y TẾ

Như vậy, chất thải y tế tùy loại phải được xử lý tại nơi phù hợp với hệ thống xử lý có đầy đủ tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn, không được vứt bỏ bừa bãi hay tại nơi tập kết rác mở như rác thải thông thường.

3.3 Vận chuyển chất thải y tế nguy hại được thực hiện như thế nào theo quy định mới nhất

Phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải y tế nguy hại phải bảo đảm đáp ứng các quy định tại Điều 36, Điều 37 Thông tư 20/2021/TT-BYT và các yêu cầu đặc thù về bảo vệ môi trường sau:

  • Chất thải y tế nguy hại trước khi vận chuyển phải đóng gói trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế, bảo đảm không bị bục, vỡ hoặc phát tán chất thải trong quá trình vận chuyển;
  • Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại lắp đặt trên phương tiện vận chuyển phải có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu va chạm, không bị rách, vỡ, rò rỉ chất thải, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển; được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và bảo đảm không bị rơi, đổ trong quá trình vận chuyển chất thải;

XỬ LÝCHẤT THẢI Y TẾ

  • Phương tiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại phải có thùng hoặc khoang kín được bảo ôn; kích thước của thùng chứa gắn trên phương tiện vận chuyển thực hiện theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải;
  • Đối với các khu vực không sử dụng được phương tiện vận chuyển chuyên dụng để vận chuyển chất thải y tế nguy hại, được sử dụng các loại phương tiện vận chuyển là xe mô tô, xe gắn máy có thùng chứa và được gắn chặt trên giá để hàng (phía sau vị trí ngồi lái); kích thước của thùng chứa gắn trên xe mô tô, xe gắn máy thực hiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

3.4 Ảnh hưởng của chất thải y tế đối với con người và môi trường

Chất thải y tế không được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng cách sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người và môi trường.

3.4.1 Ảnh hưởng đối với con người

  • Gây lây nhiễm một số bệnh qua các đường qua da, máu, hô hấp, tiêu hóa, niêm mạc,...
  • Ảnh hưởng của các chất hóa học trong chất thải y tế gây ra các bệnh như ung thư, chấn thương, bỏng, suy giảm chức năng thần kinh, nhiễm phóng xạ,...
  • Gây cháy nổ khi một số chất khí gặp nhiệt độ cao,...
  • Gây tốn chi phí để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng từ chất thải y tế.

3.4.2 Ảnh hưởng đối với môi trường

  • Gây suy giảm trực tiếp tới môi trường như ô nhiễm đất, không khí, nguồn nước,...
  • Gây suy giảm hệ sinh thái, gây ra bệnh đối với động, thực vật,...

IV. Giải đáp các thắc mắc về chất thải y tế

Xoay quanh vấn đề về chất thải y tế có một số câu hỏi được NPLaw giải đáp như sau:

4.1 Nguyên tắc về phân loại, thu gom chất thải y tế của phòng khám chuyên khoa phải thỏa mãn những gì?

Đối với phòng khám chuyên khoa phải tuân thủ quy định về phân loại và thu gom chất thải y tế theo Điều 6 và Điều 7 Thông tư 20/2021/TT-BYT như sau:

Phải tuân thủ các nguyên tắc phân loại gồm:

  • Chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh;
  • Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định.

Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn);Trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm và tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất của chất thải sau xử lý.

Phải tuân thủ nguyên tắc thu gom chất thải y tế bao gồm:

  • Thu gom chất thải lây nhiễm: có luồng đi và thời điểm thu gom phù hợp tránh ảnh hưởng đến người bệnh và thân nhân; đảm bảo kín đáo và không gây rò rỉ; tuân thủ nghiêm ngặt quy định thu gom và xử lý đối với chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao; tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày;...
  • Thu gom chất thải nguy hại không lây nhiễm: Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế; thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp tránh rò rỉ, phát tán các chất ra môi trường;
  • Thu gom chất thải rắn thông thường: chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế và chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế được thu gom riêng;
  • Thu gom chất thải lỏng không nguy hại: chất thải lỏng không nguy hại được thu gom vào hệ thống thu gom nước thải của cơ sở y tế và quản lý theo quy định về quản lý nước thải y tế;
  • Khí thải phải được xử lý, loại bỏ các vi sinh vật gây bệnh trước khi xả ra môi trường xung quanh;
  • Thu gom nước thải: có hệ thống gom kín và đảm bảo thu gom được toàn bộ lượng nước thải; xử lý theo quy định pháp luật về quản lý nước thải.

4.2 Dụng cụ đựng chất thải y tế sắc nhọn phải đáp ứng yêu cầu gì?

Theo khoản 4 Điều 5, điểm a khoản 3 Điều 6 Thông tư 20/2021/TT-BYT, dụng cụ đựng chất thải sắc nhọn phải có thành, đáy cứng, kháng thủng, miệng thùng, dụng cụ được thiết kế an toàn tránh tràn đổ, rơi vãi chất thải ra bên ngoài. Chất thải sắc nhọn sau khi sử dụng được bỏ vào thùng hoặc hộp kháng thủng và có màu vàng.

4.3 Cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp nào để giảm thiểu phát sinh chất thải y tế?

Căn cứ Điều 9 Thông tư 20/2021/TT-BYT, để giảm thiểu chất thải y tế, cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải y tế sau đây:

  • Mua sắm, lắp đặt, sử dụng vật tư, thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất và các nguyên, vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng.
  • Đổi mới thiết bị, quy trình trong hoạt động chuyên môn y tế và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải y tế.
  • Có biện pháp, lộ trình và thực hiện hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.
  • Phân loại chất thải nhựa để tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về chất thải y tế. Đây là một loại chất thải nguy hiểm, có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường nếu không được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ NPLaw để được tư vấn và hướng dẫn giải quyết. Trân trọng cảm ơn Quý Khách hàng.


Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan