Pháp luật quy định như thế nào về kinh doanh dịch vụ cầm đồ?PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ CẦM ĐỒ?

So với ngân hàng hay tổ chức tín dụng thì cửa hàng cầm đồ có nhiều ưu điểm và linh hoạt hơn nên vẫn được người dân Việt Nam lựa chọn giao dịch. Do đó, khi có kinh tế dư dả nhiều người thường muốn mở tiệm cầm đồ để kinh doanh. Vậy trước khi kinh doanh dịch vụ cầm đồ cần biết những thông tin gì? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1. Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là gì?

Kinh doanh là hoạt động của cá nhân hoặc tổ chức tham gia đầu tư, sản xuất, mua bán hoặc cung ứng dịch vụ cho các chủ thể khác vì mục đích kinh tế, kiếm lời. Nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh của họ là người sống chính.

Cầm đồ có thể hiểu một phân loại trong hoạt động cầm cố tài sản được quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Cầm cố tài sản là việc một bên (Sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ”.

Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là gì?

Hiện nay, chưa có một định nghĩa chính thống về hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tuy nhiên dựa vào bản chất hoạt động của loại hình kinh doanh này và các khái niệm trên có thể hiểu cơ bản kinh doanh dịch vụ cầm đồ là việc cá nhân/tổ chức cho khách hàng vay 1 khoản tiền nhất định và nhận tài sản từ bên có tài sản để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ ở đây là trả tiền và lãi vay cho bên nhận cầm cố. 

Loại hình kinh doanh này không bị cấm tại Việt Nam nhưng thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 Luật đầu tư 2020.

2. Đặc điểm kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Thứ nhất, bản chất của dịch vụ cầm đồ là hoạt động cho vay tiền có tài sản đảm bảo

Mục đích của người mở tiệm cầm đồ là cho người khác vay tiền để họ trả lãi của khoản vay đó trong thời hạn nhất định. Vì người cho vay và người vay ở đây cơ bản đều không có mối quan hệ thân tình nên để có cơ sở đảm bảo bên vay sẽ trả cả gốc và lãi của khoản vay khi đến hạn thì yêu cầu phải có tài sản (có giá trị tương đương hoặc lớn hơn) để làm tin cho giao dịch. Từ đó, buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận mới có thể lấy về tài sản đã cầm cố. Bên kinh doanh dịch vụ cầm đồ cũng được đảm bảo đối với khoản tiền đã đem cho vay.

Thứ hai, bên nhận cầm đồ được quyền chiếm giữ tài sản cầm đồ trong thời hạn nhất định do các bên thỏa thuận.

Cầm ở đây được hiểu là cầm được, giữ được, nắm trong tay. Đồ là đồ vật. Như vậy ngay ở tên của dịch vụ đã thể hiện bản chất của hoạt động kinh doanh này. Người kinh doanh dịch vụ ở đây là bên nhận cầm đồ phải được quyền giữ đồ vật mà người vay tiền của họ (bên cầm đồ) giao cho thì mới có thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu họ không được giữ đồ vật đó thì không có cơ sở nào để khẳng định người cầm cố tài sản không chuyển giao, chuyển nhượng tài sản cho người khác. Vì vậy, đa số tài sản được sử dụng để cầm cố đều là động sản không phải đăng ký do tính chất linh hoạt, dễ chuyển giao của nó.

Thứ ba, bên nhận cầm đồ có quyền sở hữu tài sản cầm cố khi bên cầm đồ vi phạm nghĩa vụ.

Như đã trao đổi ở trên, bản chất của việc cầm đồ là hoạt động cho vay có tài sản đảm bảo nên khi bên vay vi phạm nghĩa vụ do các bên thỏa thuận (vi phạm nghĩa vụ trả tiền gốc, lãi....) thì bên nhận cầm đồ có quyền xử lý tài sản cầm cố để thu hồi khoản tiền đã cho vay theo quy định pháp luật. Thông thường phương thức giải quyết tài sản cầm cố do các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc được xử lý theo quy định tại Điều 303 Bộ Luật Dân sự 2015 về phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp.

Đặc điểm kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Thứ tư, dịch vụ cầm đồ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Loại hình kinh doanh này không bị cấm tại Việt Nam nhưng thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 Luật đầu tư 2020. Do đó, đề kinh doanh dịch vụ cầm đồ, bên nhận cầm đồ phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh theo Luật định.

3. Quy định về kinh doanh dịch vụ cầm đồ

3.1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do đó để có thể kinh doanh được loại hình dịch vụ này, các bạn phải đáp ứng được các điều kiện chung và riêng về an ninh, trật tự quy định tại Điều 7, Điều 9 Nghị định 96/2016/NĐ-CP như sau:

Thứ nhất, được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam

Hiện nay, tổ chức kinh tế được thành lập, cấp phép hoạt động tại Việt Nam tồn tại ở các hình thức gồm: hộ/ cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 79 nghị định 01/2021/NĐ-CP; Công ty TNHH một thành viên theo quy định tại Mục 2 Chương III Luật doanh nghiệp 2020; Công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định tại Mục 1 Chương III Luật doanh nghiệp 2020; Công ty Cổ phần theo quy định tại Chương V Luật doanh nghiệp 2020; Doanh nghiệp tư nhân theo quy định tại Chương VII Luật doanh nghiệp 2020.

Thứ hai, Điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng cho cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người không thuộc một trong các trường hợp dưới đây:  

- Đối với với người Việt Nam

+ Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

+ Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích;

+  Đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú;

+ Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy;

+ Đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 + Đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng thêm điều kiện tại Điều 9 Nghị định 96/2016/NĐ-CP: là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.

- Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Thứ ba, điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Nghị định 136/2020/NĐ – CP có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2021 không còn quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy nữa mà thay vào đó là thông báo với cơ quan Công an quản lý về bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng nếu thuộc Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ – CP nêu trên.

Do đó, nếu cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ thuộc một trong các trường hợp trong Phụ lục III thì phải đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

3.2. Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Bước 1: Nộp hồ sơ tới Cơ quan có thẩm quyền đăng ký Kinh doanh (Phòng đăng ký kinh doanh nếu thành lập doanh nghiệp hoặc phòng tài chính - kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính nếu thành lập hộ kinh doanh).

Cơ quan đăng ký kinh doanh/phòng tài chính – kế hoạch xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và/hoặc Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.

Lưu ý: Về hồ sơ thành lập doanh nghiệp/hộ kinh doanh cơ bản giống với thành lập doanh nghiệp/hộ kinh doanh bình thường trong các bài viết trên NPLaw, quý khách hàng chỉ cần chú ý ghi mã ngành nghề kinh doanh là: 6492 – 64920: hoạt động chấp tín dụng khác: chi tiết: Dịch vụ cầm đồ.

Bước 2: Xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự xã hội.

- Hồ sơ: Hồ sơ xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự xã hội đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ quy định tại Điều 19 Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Do quy định pháp luật liên quan dài nên chúng tôi sẽ chỉ trích dẫn Điều Luật để quý khách hàng dẫn chiếu.

- Cơ quan tiếp nhận giải quyết: Căn cứ Điều 23 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP Cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ nộp 1 bộ hồ sơ quy định tại Điều 19 Nghị định này cho cơ quan Công an có thẩm quyền đề nghị cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

- Hình thức nộp hồ sơ: Căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ lựa chọn 1 trong các hình thức nộp hồ sơ sau đây:

+ Nộp trực tiếp cho cơ quan Công an có thẩm quyền;

+ Gửi qua cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính;

+ Nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của bộ Công an.

- Thời gian giải quyết: Không quá 05 ngày làm việc (căn cứ khoản 3 Điều 23 Nghị định này).

4. Những thắc mắc thường gặp về kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Trong quá trình tư vấn pháp luật chúng tôi cũng nhận được rất nhiều các câu hỏi, thắc mắc từ quý khách hàng xoay quanh vấn đề phát sinh khi kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Dưới đây chúng tôi xin trả lời một số thắc mắc của khách hàng như sau:

4.1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã hoạt động hiện nay không đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP thì phải thực hiện các thủ tục gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 52 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP Quy định chuyển tiếp như sau:

“1. Cơ sở kinh doanh đang hoạt động đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2009 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các ngành, nghề đang hoạt động theo quy định của pháp luật vẫn tiếp tục được hoạt động kinh doanh. Trong thời hạn không quá 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ sở kinh doanh phải thực hiện các quy định tại Nghị định này và đổi lại Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và không phải trả tiền phí cấp đổi.”

Như vậy, trường hợp cơ sở kinh doanh cầm đồ không đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì vẫn được tiếp tục hoạt động nhưng phải đổi lại giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày 01/7/2016 (ngày nghị định này có hiệu lực).

4.2. Hiện nay khi muốn kinh doanh dịch vụ cầm đồ thì các cơ quan chức năng đều yêu cầu làm thủ tục về PCCC, vậy Quý Công ty cho tôi hỏi kinh doanh dịch vụ cầm đồ có phải làm thủ tục đảm bảo PCCC không?

Nghị định mới nhất về phòng cháy chữa cháy là Nghị định 136/2020/NĐ-CP, tại Nghị định này đã không còn quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, mà thay vào đó thông báo với cơ quan Công an quản lý về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy. Hiện tại nếu thuộc các trường hợp tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này về Danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan Công an quản lý thì sẽ cần đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

Mặc dù, tại Phụ lục III không quy định rõ kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải thông báo với cơ quan quản lý về PCCC nhưng nếu trụ sở kinh doanh thuộc các trường hợp quy định tại phụ lục III thì vẫn thuộc diện quản lý PCCC.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan