QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THỰC PHẨM

Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đã cấp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Việc thu hồi sẽ được tiến hành khi cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc giấy chứng nhận đã hết hạn như pháp luật quy định. Để làm rõ vấn đề thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm, NPLaw sẽ cung cấp thông tin cho bạn thông qua bài viết dưới đây.

I. Các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là những quy chuẩn kỹ thuật và những quy định khác đối với thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích bảo đảm thực phẩm an toàn đối với sức khỏe, tính mạng con người. Khi đã đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực này thì chủ thể được cấp sẽ bị thu hồi trong các trường hợp nhất định. Cụ thể:

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của Bộ Công thương:

– Các cơ sở sản xuất, kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau đây:

+ Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

+ Cho thuê, mượn Giấy chứng nhận;

+ Tự ý sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận;

+ Đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh.

– Thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận

+ Cơ quan cấp Giấy chứng nhận có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp;

+ Cơ quan có thẩm quyền cấp trên có quyền thu hồi Giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp dưới đã cấp.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

– Trường hợp bị thu hồi: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm

– Thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận ATTP: Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP thì cơ quan đó có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận ATTP.

II. Quy định về quyền và nghĩa vụ các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm

1. Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010, tổ chức hay cá nhân khi tiến hành thực hiện hoạt động kinh doanh thực phẩm thì có các quyền sau đây:

- Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm hợp tác trong việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn;

- Lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm để kiểm tra an toàn thực phẩm; lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm đã được chỉ định để chứng nhận hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu;

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm

Căn cứ vào khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010, tổ chức hay cá nhân khi tiến hành thực hiện hoạt động kinh doanh thực phẩm thì có các nghĩa vụ sau đây:

- Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh;

- Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm và các tài liệu liên quan đến an toàn thực phẩm; lưu giữ hồ sơ về thực phẩm; thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn tại Điều 54 Luật An toàn thực phẩm 2010;

- Thông tin trung thực về an toàn thực phẩm; thông báo cho người tiêu dùng điều kiện bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm;

- Kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn của thực phẩm và cách phòng ngừa cho người tiêu dùng khi nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu;

- Kịp thời ngừng kinh doanh, thông tin cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và người tiêu dùng khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn;

- Báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền và khắc phục ngay hậu quả khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm do mình kinh doanh gây ra;

- Hợp tác với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra ngộ độc thực phẩm để khắc phục hậu quả, thu hồi hoặc xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn;

- Tuân thủ quy định của pháp luật, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Chi trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm theo quy định về chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm tại Điều 48 Luật An toàn thực phẩm 2010;

- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra.

III. Bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm cần làm gì?

Trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm, nếu các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh muốn tiếp tục kinh doanh, sản xuất thì sẽ phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm.

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm đối với nhà hàng bao gồm:

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm;

– Danh sách nhân viên (có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe);

– Sơ đồ quy trình sản xuất hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm;

– Bản thuyết trình về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở;

– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

IV. Giải đáp những thắc mắc về thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm

1. Khi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm bị thu hồi nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh thì có bị phạt không?

Theo Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (sau đây gọi tắt là GMP) hoặc có Giấy chứng nhận GMP nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên dây chuyền sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2019 mà không thực hiện bổ sung Giấy chứng nhận GMP hoặc chứng nhận tương đương trước khi sản xuất.”.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;

b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.

Như vậy, hành vi kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực (trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm) thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, còn đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.

2. Ai có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm?

Căn cứ Điều 35 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:

"Điều 35. Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý."

Căn cứ Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm thì chủ thể có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm thì có thể được cấp lại không? 

Tại Điều 37 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định cụ thể:

“Điều 37. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

1. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.

2. Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật này.”

Như vậy, khi hết hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

V. Dịch vụ tư vấn xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm

Nội dung dịch vụ xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm của NPLaw như sau:

- Tư vấn thủ tục xin cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm;

- Tư vấn thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Tư vấn soạn thảo các tài liệu có liên quan;

- Đại diện khách hàng nộp hồ sơ và theo dõi hồ sơ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, Hãng luật NPLaw tự tin sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của quý khách về các vấn đề. Mọi thắc mắc xin liên hệ với NPLaw để được giải đáp nhanh nhất.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan