Trong quá trình giải quyết tranh chấp, việc xác định nguồn chứng cứ hợp pháp để thu thập chứng cứ giải quyết vụ án là một vấn đề vô cùng quan trọng. Vậy nguồn chứng cứ là gì và như thế nào được xem là nguồn chứng cứ hợp pháp? Thông qua bài viết này, NPLaw sẽ gửi đến Quý bạn đọc những quy định pháp lý hiện hành về nguồn chứng cứ.
Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, mang giá trị chứng minh trong vụ án, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến việc giải quyết vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Thông qua nguồn chứng cứ, các bên hoặc cá nhân, cơ quan tố tụng có thể đánh giá, kết luận các vấn đề của tranh chấp, từ đó đưa ra kết quả giải quyết tranh chấp có cơ sở.
Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự gồm:
“Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
2. Vật chứng.
3. Lời khai của đương sự.
4. Lời khai của người làm chứng.
5. Kết luận giám định.
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
9. Văn bản công chứng, chứng thực.
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự gồm:
“1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a) Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;
d) Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
g) Các tài liệu, đồ vật khác”.
Nguồn chứng cứ là văn bản, tài liệu theo quy định và chứa đựng chứng cứ. Về cơ bản, có thể phân biệt chứng cứ và nguồn chứng cứ trên các khía cạnh như sau:
Về hình thức:
Nguồn chứng cứ phải đảm bảo thuộc một trong các hình thức được liệt kê tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hoặc Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017;
Chứng cứ có thể ở các hình thức khác nhau trong phạm vi pháp luật cho phép,
Về nguồn gốc:
Nguồn chứng cứ được thu thập theo trình tự và thủ tục pháp luật quy định;
Chứng cứ phải lấy từ nguồn chứng cứ.
Về mục đích:
Nguồn chứng cứ dùng để xác định chứng cứ;
Chứng cứ dùng để làm sáng tỏ, chứng vấn hoặc giải quyết nội dung tranh chấp.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau: “2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.
Theo đó, để xem là nguồn chứng cứ hợp pháp, nguồn chứng cứ đó phải thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và ở các dạng mà pháp luật đã liệt kê.
Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về các nguồn chứng cứ như sau:
“Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
…
9. Văn bản công chứng, chứng thực”.
Như vậy, văn bản có công chứng được xác định là nguồn chứng cứ theo quy định pháp luật.
Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và điểm c khoản 1 Điều 87, Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đều ghi nhận bản ghi âm là một nguồn của chứng cứ. Tuy nhiên bản ghi âm được thực hiện “lén” có được xem là chứng cứ hay không phụ thuộc vào quyết định của Tòa án.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định “4. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này”. Theo đó, khi nhận bản ghi âm lén được cung cấp, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, kiểm tra và đánh giá trước khi kết luận có phải nguồn chứng cứ hợp pháp hay không.
Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng thì vi bằng được lập nhằm ghi nhận sự kiện pháp lý, hành vi pháp lý và được lập bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, được xác định là “3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Khoản 8 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nguồn của chứng cứ như sau:
“Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
…
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
…”
Như vậy, có thể thấy rằng vi bằng chính là một trong những nguồn chứng cứ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu quy định pháp luật về nguồn chứng cứ của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các thông tin pháp lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý trong việc tìm kiếm chứng cứ và xác định nguồn chứng cứ. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
Rất mong được hợp tác với Quý Khách hàng.
Trân trọng cảm ơn!
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn