Quy định pháp luật về dịch vụ môi trường rừng

Thế giới hiện nay đã và đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, một trong những nguyên nhân chính là hiện tượng khai thác quá mức và suy thoái tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên rừng. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy và phát triển các công năng của rừng chính là vấn đề vô cùng cấp thiết và quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu đến đời sống và sức khỏe của con người. Tuy nhiên trên thực tế, những con người đang giữ vai trò bảo tồn, giữ gìn và phát triển các dịch vụ môi trường rừng chưa được quan tâm, hưởng những lợi ích xứng đáng từ xã hội. Có những người sử dụng, hưởng lợi từ các dịch vụ này chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dịch vụ môi trường rừng và chi trả cho những lợi ích mà họ được hưởng. Chính vì vậy, dịch vụ môi trường rừng ra đời đã và đang trở thành một biện pháp quản lý hữu hiệu, hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dịch vụ môi trường rừng hướng tới mục tiêu tăng độ che phủ, khuyến khích những cá nhân đã, đang và sẽ tham gia hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát triển dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo những người được thụ hưởng các dịch vụ mà môi trường rừng cung cấp phải chi trả cho những lợi ích mà họ được hưởng một cách hài hòa và cân bằng, đảm bảo đầy đủ lợi ích của các bên. Quý độc giả hãy cùng NPLAW tìm hiểu quy định của pháp luật về dịch vụ môi trường rừng trong bài viết dưới đây.

I. Tìm hiểu về dịch vụ môi trường rừng

1. Dịch vụ môi trường rừng là gì? Có bao nhiêu loại dịch vụ môi trường rừng?

Căn cứ theo quy định tại khoản 23 Điều 2 Luật lâm nghiệp năm 2017 có đưa ra khái niệm về dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, dịch vụ môi trường rừng là hoạt động cung cấp các giá trị sử dụng của môi trường rừng.

Tìm hiểu về dịch vụ môi trường rừng

Phân loại dịch vụ môi trường rừng cũng là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Căn cứ theo quy định tại Điều 61 của Luật lâm nghiệp năm 2017, dịch vụ môi trường rừng được phân chia thành 05 loại như sau:

Bảo vệ đất và đồng thời hạn chế xói mòn, bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối.

Điều tiết cũng như duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội.

Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.

Bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch.

Cung ứng bãi đẻ, cung ứng nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.

2. Kinh doanh dịch vụ môi trường rừng có cần xin giấy phép không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 62 của Luật lâm nghiệp năm 2017 có quy định về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật lâm nghiệp năm 2017 và cung ứng một hoặc một số dịch vụ môi trường rừng căn cứ theo quy định tại Điều 61 của Luật lâm nghiệp năm 2017. Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng cần phải có nghĩa vụ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 63 của Luật lâm nghiệp năm 2017 có quy định về đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Bao gồm:

Chủ rừng căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật lâm nghiệp năm 2017;

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng đối với chủ rừng là tổ chức do Nhà nước thành lập;

Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn và các tổ chức khác được nhà nước giao chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu với quy định tại Điều 8 Luật lâm nghiệp năm 2017 thì chủ rừng bao gồm các chủ thể sau đây:

Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ.

Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.

Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao rừng (sau đây gọi là đơn vị vũ trang).

Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp.

Hộ gia đình, cá nhân trong nước.

Cộng đồng dân cư.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất.

Như vậy, pháp luật hiện nay không có quy định bắt buộc phải xin giấy phép khi kinh doanh dịch vụ môi trường rừng, chỉ cần thuộc một trong những đối tượng nêu trên thì sẽ được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật, đây là nghĩa vụ bắt buộc của các chủ thể có liên quan.

Quy định pháp luật về dịch vụ môi trường rừng

II. Quy định pháp luật về dịch vụ môi trường rừng

1. Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Căn cứ theo quy định tại Điều 59 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP (sửa đổi tại Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP), thì mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được xác định như sau:

Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với cơ sở sản xuất thủy điện là 36 đồng/kwh điện thương phẩm. 

Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch là 52 đồng/m3 nước thương phẩm. 

Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước là 50 đồng/m3.

Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí quy định tại điểm d khoản 2 Điều 63 của Luật Lâm nghiệp 2017 tối thiểu bằng 1% tổng doanh thu thực hiện trong kỳ. Trường hợp chi trả ủy thác thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, mức chi trả cụ thể do cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định

Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của tổ chức nuôi trồng thủy sản hoặc liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản quy định tại điểm e khoản 2 Điều 63 của Luật Lâm nghiệp 2017 tối thiểu bằng 1% tổng doanh thu thực hiện trong kỳ. Trường hợp chi trả ủy thác thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, mức chi trả cụ thể do cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

2. Những điều cần lưu ý khi thực hiện dịch vụ môi trường rừng

Những điều cần lưu ý khi thực hiện dịch vụ môi trường rừng như sau:

Thứ nhất, cần phải tuân thủ nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Căn cứ theo quy định tại Điều 62 của Luật lâm nghiệp năm 2017, bao gồm một số nguyên tắc cơ bản như sau:

+ Rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng khi đắp ứng đầy đủ các tiêu chí căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật lâm nghiệp năm 2017, cung ứng một dịch vụ hoặc một số dịch vụ môi trường rừng căn cứ theo quy định tại Điều 61 của Luật lâm nghiệp năm 2017;

+ Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng bắt buộc phải chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ;

+ Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng bằng tiền thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc hình thức chi trả gián tiếp;

+ Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong những yếu tố quan trọng trong giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của bên sử dụng dịch vụ;

+ Cần phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, phù hợp với pháp luật Việt Nam và nội dung trong điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên.

Thứ hai, lưu ý về vấn đề quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 63 của Luật lâm nghiệp năm 2017, việc quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng được thực hiện như sau:

Xác định tổng số tiền thu được;

Xác định mức chi trả dịch vụ;

Xác định đối tượng được chi trả dịch vụ;

Xác định hình thức chi trả dịch vụ;

Lập kế hoạch thu, chi dịch vụ môi trường rừng;

Xác định trường hợp được miễn hoặc giảm tiền dịch vụ;

Tổ chức chi trả dịch vụ môi trường rừng;

Kiểm tra và giám sát quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Thứ ba, cần phải lưu ý về quyền trong quá trình cung ứng dịch vụ. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật lâm nghiệp năm 2017, bên cung ứng dịch vụ có những quyển sau:

Yêu cầo quá trình xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ phục vụ chi trả, kiểm tra quá trình thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng của cơ quan quản lý nhà nước và của quỹ bảo vệ/phát triển rừng.

Thứ tư, lưu ý về nghĩa vụ trong quá trình cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật lâm nghiệp năm 2017, cần phải tuân thủ một số nghĩa vụ như sau:

+ Phải bảo đảm diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng được bảo vệ và phát triển theo quy hoạch, kế hoạch quản lý đối với từng loại rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng phải bảo đảm diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng được bảo vệ và phát triển theo hợp đồng khoán đã ký với chủ rừng;

+ Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng là tổ chức do Nhà nước thành lập phải quản lý, sử dụng số tiền được chi trả theo quy định của pháp luật.

3. Các trường hợp miễn, giảm tiền dịch vụ môi trường rừng

Căn cứ theo Điều 73 Nghị định 156/2018/NĐ-CP thì những đối tượng sau đây được miễn giảm tiền dịch vụ môi trường rừng:

Thứ nhất: Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, động đất, bão lụt, lũ quét, lốc, sóng thần, lở đất xảy ra, làm thiệt hại trực tiếp đến vốn, tài sản của mình dẫn tới mất khả năng hoặc phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh và không thuộc đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích không còn tài sản để trả hoặc người giám hộ, người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho cá nhân đó.

Thứ ba: Tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh có quyết định giải thể hoặc phá sản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, không còn vốn, tài sản để chi trả nợ cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

III. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến dịch vụ môi trường rừng

1. Đối tượng nào cần phải chi trả dịch vụ môi trường rừng

Căn cứ theo khoản 2 Điều 63 Luật Lâm nghiệp năm 2017, những đối tượng cần phải chi trả dịch vụ môi trường rừng gồm:

+ Cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện;

+ Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch;

+ Cơ sở sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp;

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng;

+ Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng;

+ Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải chi trả tiền dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng cho nuôi trồng thủy sản;

+ Và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

2. Những hình thức chi trả tiền môi trường rừng

Căn cứ theo khoản 3 Điều 63 Luật Lâm nghiệp năm 2017, những hình thức chi trả tiền môi trường rừng bao gồm:

+ Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

+ Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua quỹ bảo vệ và phát triển rừng;

+ Nhà nước khuyến khích áp dụng chi trả trực tiếp cho tất cả các trường hợp nếu bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng tự thỏa thuận trên cơ sở mức tiền chi trả dịch vụ do Chính phủ quy định.

3. Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng có quyền và nghĩa vụ gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 65 của Luật Lâm nghiệp năm 2017, bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng có quyền và nghĩa vụ như sau:

Thứ nhất, bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng có quyền sau đây:

+ Yêu cầu chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật Lâm nghiệp năm 2017;

 + Được cung cấp thông tin về giá trị dịch vụ môi trường rừng;

+ Tham gia vào việc xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ phục vụ chi trả, kiểm tra quá trình thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng của cơ quan quản lý nhà nước và của quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ hai, bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng có nghĩa vụ sau đây:

+ Phải bảo đảm diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng được bảo vệ và phát triển theo quy hoạch, kế hoạch quản lý đối với từng loại rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng phải bảo đảm diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng được bảo vệ và phát triển theo hợp đồng khoán đã ký với chủ rừng;

+ Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng là tổ chức do Nhà nước thành lập phải quản lý, sử dụng số tiền được chi trả theo quy định của pháp luật.

4. Không trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người cung ứng khi sử dụng dịch vụ môi trường rừng thì xử lý như thế nào?

Căn cứ theo khoản 3 Điều 9 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, hành vi không trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người cung ứng khi sử dụng dịch vụ môi trường rừng thì xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ quá 03 tháng theo thời hạn ký kết trong hợp đồng với số tiền dưới 20.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ quá 03 tháng theo thời hạn ký kết trong hợp đồng với số tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ quá 03 tháng theo thời hạn ký kết trong hợp đồng với số tiền từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ quá 03 tháng theo thời hạn ký kết trong hợp đồng với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng nếu không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ quá 03 tháng theo thời hạn ký kết trong hợp đồng với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ quá 03 tháng theo thời hạn ký kết trong hợp đồng với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ quá 03 tháng theo thời hạn ký kết trong hợp đồng với số tiền 500.000.000 đồng trở lên.

Như vậy, hành vi không trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người cung ứng khi sử dụng dịch vụ môi trường rừng tùy từng mức độ khác nhau sẽ có mức xử phạt khác nhau, thấp nhất là 1.000.000 đồng và cao nhất là 50.000.000 đồng.

5. Cách xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng?

Căn cứ tại Điều 69 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng như sau:

Thứ nhất, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam: Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, căn cứ số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm và diện tích rừng trong lưu vực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam xác định số tiền điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.

Thứ hai, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thực hiện theo quy định sau:

+ Trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, căn cứ số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu năm trước và kết quả xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm trước để chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

+ Trước ngày 15 tháng 4 hằng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thông báo cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ ba, chủ rừng là tổ chức có khoán bảo vệ rừng: Trước ngày 01 tháng 6 hằng năm, căn cứ số tiền thực nhận từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, chủ rừng là tổ chức có khoán bảo vệ rừng xác định số tiền chi trả cho bên nhận khoán bảo vệ rừng.

IV. Vấn đề dịch vụ môi trường rừng có nên liên hệ với Luật sư không? Liên hệ như thế nào?

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ là đơn vị có kinh nghiệm trong việc tư vấn, thực hiện thủ tục liên quan đến dịch vụ môi trường rừng:

Tư vấn về các quy định pháp luật liên quan đến dịch vụ môi trường rừng.

Hỗ trợ trong việc soạn thảo và chuẩn bị hồ sơ liên quan đến dịch vụ môi trường rừng.

Tư vấn về các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục liên quan đến dịch vụ môi trường rừng.

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc có liên quan đến dịch vụ môi trường rừng NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan