Hiện nay để tối ưu hóa chi phí trong việc sản xuất kinh doanh thì đa số doanh nghiệp trên thị trường đều tiến hành phương thức thuê mặt bằng để làm trụ sở hoạt động của mình. Từ đây phát sinh quan hệ giữa bên thuê và bên cho thuê kéo theo nhiều tranh chấp đối với văn bản ràng buộc giữa hai bên đó là Hợp đồng cho thuê mặt bằng kinh doanh.
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có quy định khái niệm như thế nào là Hợp đồng cho thuê mặt bằng kinh doanh, tuy nhiên căn cứ vào bản chất cũng như các điều khoản trong Hợp đồng thì Hợp đồng này được xem là một loại Hợp đồng thuê tài sản được quy định tại Điều 472 Bộ luật dân sự 2015, theo đó bằng việc giao kết Hợp đồng này thì bên cho thuê phải có nghĩa vụ giao mặt bằng cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn nhất định theo sự thỏa thuận giữa các bên, và bên thuê phải có nghĩa vụ trả tiền cho việc sử dụng này.
Quy định về mặt hình thức:
Theo quy định của pháp luật thì hợp đồng cho thuê mặt bằng kinh doanh không bắt buộc phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng, các bên có thể tự thương lượng các điều khoản trong hợp đồng và trực tiếp ký vào hợp đồng dưới sự chứng kiến của nhau, trong trường hợp các bên có tranh chấp hoặc một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình được quy định trong hợp đồng thì bên còn lại có thể căn cứ và Hợp đồng đã ký để yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ của mình.
(*Lưu ý: Mặc dù hợp đồng thuê mặt bằng không bắt buộc phải công chứng theo quy định của pháp luật, tuy nhiên để bảo đảm cho việc giải quyết tranh chấp sau này thì các bên nên tiến hành công chứng Hợp đồng này vì có sự xác nhận của tổ chức thứ ba. Ngoài ra, khi hợp đồng được công chứng thì các tổ chức công chứng sẽ xem xét về đối tượng, nội dung của Hợp đồng thuê, bảo đảm các nội dung trên là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Vì đôi khi các bên không kiểm tra về tính pháp lý về đối tượng hợp đồng hoặc giấy tờ tùy thân của nhau dẫn tới dễ xảy ra tranh chấp khó giải quyết sau này.)
Quy định về nội dung: Tùy theo giá trị hợp đồng hoặc sự tin tưởng giữa các bên mà quy định nội dung hợp đồng như thế nào là phù hợp, thông thường thì một Hợp đồng thuê mặt bằng sẽ bao gồm các nội dung sau:
+ Thứ nhất, thông tin bên thuê và bên cho thuê;
+ Thứ hai, đối tượng của hợp đồng thuê, tức là địa điểm mặt bằng là ở đâu;
+ Thứ ba, giá trị của hợp đồng, thời gian thuê là bao lâu;
+ Thứ tư, quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên;
+ Thứ năm, quy định về các trường hợp chấm dứt Hợp đồng;
Ngoài ra, trong một số Hợp đồng thuê mặt bằng có giá trị cao, các bên có thể thêm vào các điều khoản khác để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
- Trong trường hợp các bên xảy ra tranh chấp thì trước hết cần thương lượng, đàm phán với nhau để có thể hiểu được khó khăn của các bên mà có sự điều chỉnh cho hợp, bảo đảm được quyền lợi của mỗi bên mà không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, nếu các bên không thống nhất được cách giải quyết thì có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo định của pháp luật, cụ thể trình tự được thực hiện như sau:
+ Bên bị xâm phạm quyền lợi nộp Đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp về Hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh. Sau khi nhận đơn và không có yêu cầu chỉnh sửa bổ sung đơn khởi kiện thì Tòa án sẽ ra Thông báo tạm ứng án phí, người nộp đơn có nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí;
+ Sau khi nhận được Biên lai tạm ứng án phí thì Tòa án sẽ đưa Thông báo về việc thụ lý vụ án;
+ Tòa án tiến hành các thủ tục cần thiết để đưa vụ án ra xét xử bao gồm: Chuẩn bị xét xử và hòa giả,...; Mở các phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ,...
+ Tòa án thực hiện việc xét xử sơ thẩm vụ án;
+ Xét xử phúc thẩm vụ án (nếu có).
Hỏi: Khi làm thủ tục khởi kiện thì bên nào sẽ trả phí thưa kiện?
Trả lời: Phí thưa kiện theo quy đinh được gọi là án phí, chi phí này dùng để chi trả cho việc khởi kiện. Theo quy định của pháp luật thì án phí sẽ do bên thua kiện chịu trách nhiệm chi trả. Tuy nhiên, trước đó người khởi kiện sẽ phải đóng khoản tiền tạm ứng phí trước và sẽ được hoàn trả lại nếu yêu cầu của họ được Tòa án chấp nhận.
Hỏi: Thời gian giải quyết một vụ án?
Trả lời: Thời gian để giải quyết vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm theo quy định thì từ 04- 06 tháng, tuy nhiên trên thực tế tùy vào tính chất vụ việc thì vụ án có thể bị kéo dài hơn quy định.
Hỏi: Nếu Hợp đồng đang trong thời gian giải quyết thì người thuê có phải dọn ra ngoài không?
Trả lời: Nếu các bên đang trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án thì Hợp đồng chưa được xem là chấm dứt, do đó người thuê có thể tiếp tục sử dụng mặt bằng thuê. Tuy nhiên nếu sau khi Tòa án đưa ra phán quyết xác định bên có lỗi là bên thuê thì bên thuê sẽ phải chi trả số tiền cho việc sử dụng mặt bằng và bồi thường (nếu có) trong thời gian giải quyết vụ án.
Hỏi: Nếu hợp đồng không công chứng thì sau khi thưa kiện có bị truy thu thuế hay không?
Trả lời: Như đã phân tích trong bài viết thì Hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh không yêu cầu phải công chứng nên việc không công chứng Hợp đồng không phải là căn cứ để bị truy thu thuế, việc bị truy thu thuế là do bên cho thuê không kê khai các khoản thu nhập của mình đối với cơ quan thuế. Và hai vấn đề này không có liên quan tới nhau.
Trên đây là một số vấn đề cơ bản liên quan đến Hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh. Trong trường hợp dịch bệnh phức tạp như hiện tại thì tranh chấp Hợp đồng này đang diễn ra một cách rất phổ biến mà vẫn chưa có cơ quan tổ chức có thẩm quyền nào đưa ra văn bản giải quyết cụ thể. Do đó bên bị xâm phạm quyền lợi nên tìm đến các đơn vị tư vấn pháp luật để được tư vấn để giải quyết tranh chấp trong trường hợp của mình.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn