Quy định về hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông

Trong bối cảnh công nghệ viễn thông ngày càng phát triển, hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông trở thành một yếu tố không thể thiếu trong mọi giao dịch liên quan đến việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ này. Trong bài viết dưới đây, NPLaw sẽ phân tích sâu hơn về sự cần thiết của hợp đồng, các quy định liên quan khi tham gia vào các hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông.

Hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông là một công cụ quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan trong quá trình cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông. Thông qua hợp đồng, các điều khoản về cung cấp, sử dụng dịch vụ, cũng như các quy định liên quan được minh bạch, từ đó giúp hạn chế tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của các bên.  Để đảm bảo tính hợp pháp và tránh các rủi ro pháp lý, việc nắm rõ quy định về hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông là vô cùng quan trọng.

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 25/2011/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 81/2016/NĐ-CP), có thể hiểu Hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông là thỏa thuận giữa doanh nghiệp viễn thông với người sử dụng dịch vụ viễn thông về việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông (ví dụ như điện thoại, internet, truyền hình...). Hợp đồng này có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông là gì?

Theo Điều 13 Nghị định 25/2011/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 81/2016/NĐ-CP), đối với những dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ phải có hợp đồng theo mẫu thì khi giao kết hợp đồng cần thực hiện theo quy định của hợp đồng mẫu. 

Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 39/2016/TT-BTTTT về yêu cầu chung của hợp đồng theo mẫu: “Hợp đồng theo mẫu về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông phải bao gồm tối thiểu các nội dung được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này”. Theo đó, các nội dung tối thiểu của hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông theo mẫu hiện nay gồm:

  • Căn cứ xây dựng hợp đồng.
  • Thông tin về các bên tham gia giao kết hợp đồng.
  • Mô tả dịch vụ viễn thông sẽ cung cấp.
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên.

Như vậy, hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông phải bao gồm tối thiểu các nội dung theo quy định trên.

Theo quy định hiện nay, các bên được quyền thỏa thuận về nội dung hợp đồng nhưng việc soạn thảo hợp đồng cần tuân thủ các quy định về viễn thông, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Đặc biệt, khi soạn thảo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp cần lưu ý những trường hợp phải có hợp đồng theo mẫu. Hợp đồng mẫu phải đáp ứng các yêu cầu chung quy định tại khoản 1, 2 Điều 5 Thông tư 39/2016/TT-BTTTT và Điều 6 Nghị định 55/2024/NĐ-CP. Ngoài ra, hợp đồng theo mẫu về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông phải bao gồm tối thiểu các nội dung được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư Thông tư 39/2016/TT-BTTTT.

Các thắc mắc liên quan đến hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông

Theo quy định, hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông không bắt buộc phải công chứng, trừ khi các bên có thoả thuận khác. Các hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc qua các hành vi cụ thể. Tuy nhiên, trường hợp các bên nhận thấy cần thiết, muốn tăng tính pháp lý và giảm thiểu rủi ro tranh chấp thì có thể thỏa thuận công chứng hợp đồng.

Trong hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông, các bên có quyền thỏa thuận các nội dung mà pháp luật không cấm, bao gồm việc phạt vi phạm nếu một trong hai bên không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết. Các điều khoản về phạt vi phạm cần được ghi rõ trong hợp đồng và phải phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và thương mại, không được vượt quá giới hạn mà pháp luật quy định.

Theo Phụ lục 1 Thông tư 39/2016/TT-BTTTT về nội dung tối thiểu của hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông theo mẫu (sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 16/2018/TT-BTTTT), thông tin về nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông gồm:

  • Đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng theo đúng chất lượng mà doanh nghiệp đã công bố;
  • Đảm bảo bí mật thông tin của người sử dụng dịch vụ, chỉ được chuyển giao thông tin cho bên thứ ba khi có được sự đồng ý của người tiêu dùng trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
  • Không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp được quy định tại Điều 26 Luật Viễn thông;
  • Thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông trong trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông ít nhất 30 ngày trước khi chính thức ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông;
  • Các nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
  • Giải quyết khiếu nại của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo thời hạn quy định của pháp luật.

Ngoài các nghĩa vụ tối thiểu nêu trên, các bên có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác theo quy định pháp luật.

 Những thông tin nào của người sử dụng dịch vụ viễn thông phải được doanh nghiệp viễn thông bảo mật? Có cần đề cập trong hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông không?

Theo khoản 4 Điều 6 Luật viễn thông 2023 về bảo đảm bí mật thông tin: “Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm thông tin thuê bao viễn thông (tên, địa chỉ, số thuê bao viễn thông và thông tin riêng khác mà người sử dụng cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp) và thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông (số thuê bao viễn thông gửi, số thuê bao viễn thông nhận, vị trí thiết bị đầu cuối gửi, vị trí thiết bị đầu cuối nhận, thời điểm gửi, nhận, thời lượng liên lạc, địa chỉ Internet), trừ các trường hợp sau đây:...”

Như vậy, những thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông là thông tin cần được bảo mật theo quy định. Việc bảo mật này là rất cần thiết nhằm bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, tránh tình trạng thông tin bị lộ ra ngoài hoặc bị sử dụng sai mục đích. 

Do đó, khi giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông, các bên cần quy định rõ ràng về điều khoản bảo mật thông tin. Điều này giúp người dùng yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ và cũng là căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến quyền riêng tư.

Khi một trong các bên không thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết, họ có thể chịu các chế tài theo các quy định của pháp luật và hợp đồng như sau:

  • Buộc bồi thường thiệt hại: trường hợp doanh nghiệp viễn thông không cung cấp dịch vụ theo hợp đồng gây thiệt hại cho người sử dụng thì doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định trong hợp đồng và pháp luật.
  • Phạt vi phạm: trường hợp trong hợp đồng có quy định về phạt vi phạm đối với hành vi không cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức phạt theo quy định này.

Ngoài ra, người sử dụng dịch vụ có thể yêu cầu chấm dứt hợp đồng nếu doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ theo thỏa thuận. 

Theo Điều 407 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng vô hiệu trong trường hợp sau đây:

  • Vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
  • Vô hiệu do giả tạo.
  • Vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
  • Vô hiệu do bị nhầm lẫn.
  • Vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
  • Vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
  • Vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
  • Vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được.

Quy định chung về hợp đồng vô hiệu nêu trên cũng áp dụng với hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông. Do đó, nếu hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông thuộc một trong các trường hợp trên thì sẽ bị vô hiệu.

Trên đây là bài viết của NPLaw về quy định hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn về hỗ trợ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan