Quy định pháp luật liên quan đến sử dụng nhãn hiệu trùng nhãn hiệu của người khác là gì? Thực trạng về tình hình sử dụng nhãn hiệu của người khác hiện nay? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ vào các hoạt động kinh tế thì nhãn hiệu chính là công cụ trợ giúp kinh doanh đắc lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng nhãn hiệu trùng nhãn hiệu của người khác diễn ra nhiều và ngày càng trở nên phổ biến.
II. Quy định pháp luật liên quan đến sử dụng nhãn hiệu trùng nhãn hiệu của người khác
Quy định pháp luật liên quan đến sử dụng nhãn hiệu trùng nhãn hiệu của người khác như sau:
Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022) giải thích nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc từ ngữ kết hợp với hình ảnh được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Nhãn hiệu trùng là nhãn hiệu giống hệt hoặc khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân. Khiến cho người dùng, khách hàng khó phân biệt được giữa nhãn hiệu chưa đăng ký và nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022) quy định hành vi sử dụng nhãn hiệu trùng nhãn hiệu của người khác là sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
Cụ thể các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được hiểu như sau:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng.
Căn cứ Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về hành vi sử dụng nhãn hiệu trùng nhãn hiệu của người khác như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa.
Theo Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022) quy định thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sau: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Như vậy, thẩm quyền xử lý đối lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ do cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp tùy theo tính chất của vụ việc để xử lý.
Hành vi sử dụng nhãn hiệu hiệu trùng với nhãn hiệu người khác đã được bảo hộ mà chỉ có thay đổi về màu sắc thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu vì điểm c khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022) quy định:
Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.
Như vậy sử dụng nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu người khác đã được bảo hộ mà chỉ có thay đổi về màu sắc có vi phạm pháp luật.
Căn cứ Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về hành vi sử dụng nhãn hiệu trùng nhãn hiệu của người khác phải có biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định
Như vậy, bắt buộc tháo dỡ đối với hành vi sử dụng trùng nhãn hiệu của người khác.
Căn cứ khoản 3 Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP cách phân biệt hành vi sử dụng nhãn hiệu trùng nhãn hiệu của người khác như sau:
- Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:
a) Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
b) Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn