Bài hát là loại hình tác phẩm rất dễ bị sao chép, sử dụng trái pháp luật. Đăng ký bản quyền bài hát là cách để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp các tác phẩm âm nhạc do tác giả, chủ sở hữu sáng tạo ra.
Theo điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Như vậy, bản quyền bài hát là quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc.
Ngoài ra, Điều 10 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/02/2018 cũng quy định về tác phẩm âm nhạc như sau: “Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”.
Nhạc bản quyền trong phải là một thuật ngữ pháp lý mà là một thuật ngữ thông dụng trong đời sống xã hội, dùng để chỉ các tác phẩm âm nhạc mà bạn trả một khoản phí bản quyền cho tác giả để được sử dụng tác phẩm đó.
Căn cứ phát sinh quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc
Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc phát sinh kể từ khi tác phẩm âm nhạc được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc
Đăng ký quyền tác giả tác phẩm âm nhạc là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm âm nhạc, chủ sở hữu quyền tác giả.
Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc
Các quyền nhân thân của tác giả (trừ quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm âm nhạc) được bảo hộ vô thời hạn.
Các quyền tài sản của tác giả và quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm âm nhạc có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết. Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31/12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
- Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả
- Bước 2: Cục Bản quyền tác giả thẩm định hồ sơ
- Bước 3: Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
Hồ sơ đăng ký bản quyền bài hát bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả;
- Bản sao CMND/CCCD của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là cá nhân; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/quyết định thành lập đối với chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức.
- 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả;
- Cam đoan của tác giả về việc sáng tạo tác phẩm âm nhạc không sao chép từ người khác;
- Quyết định giao nhiệm vụ cho nhóm tác giả, hoặc hợp đồng đặt hàng, hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả hoặc tài liệu khác chứng minh quyền nộp đơn;
- Tuyên bố về tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả (trong trường hợp tác giả là cá nhân, đồng thời là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là chủ sở hữu quyền tác giả);
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm âm nhạc có đồng tác giả;
- Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan);
- Các giấy tờ có liên quan khác (nếu có).
Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm âm nhạc.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký bản quyền bài hát có thể gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến trụ sở Cục Bản quyền tác giả (Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh (Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh), Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng (Số 58 Phan Chu Trinh, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng).
Phí đăng ký bản quyền bài hát bao gồm phí tư vấn, soạn thảo hồ sơ đăng ký và phí nhà nước. Trong đó, phí nhà nước được thu theo quy định tại Thông tư số 211/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính.
- Bạn sẽ có các quyền tài sản đối với bài hát mà bạn đã mua bản quyền, cụ thể: Làm tác phẩm tái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
- Nếu bạn không trực tiếp sử dụng, khai thác bản quyền bài hát thì bạn có thể cho phép các tổ chức, cá nhân khác sử dụng, khai thác và thu phí bản quyền.
- Nếu sử dụng bài hát không có bản quyền, bạn sẽ bị xem là xâm phạm quyền tác giả. Theo đó, bạn sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ các tác phẩm có sử dụng bài hát đó và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bạn có thể phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu bản quyền bài hát, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chuyển nhượng quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là việc chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu đối với tác phẩm âm nhạc cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Tác giả tác phẩm âm nhạc không được chuyển nhượng các quyền nhân thân đối với tác phẩm, trừ quyền công bố tác phẩm.
Trong trường hợp tác phẩm âm nhạc có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thỏa thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm âm nhạc có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả có quyền chuyển nhượng quyền tác giả đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền bài hát phải được lập thành văn bản và bao gồm các nội dung chủ yếu như: Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng, căn cứ chuyển nhượng, giá, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Xử phạt vi phạm hành chính
Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm bản quyền bài hát thì tùy hành vi và tính chất mức độ vi phạm, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt và thẩm quyền xử phạt được quy định cụ thể tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/03/2017 của Chính phủ).
Truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Xâm phạm quyền tác giả”
a) Đối với cá nhân phạm tội
Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả từ 100 triệu đồng trở lên hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng trở lên thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 01 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Sao chép tác phẩm.
- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
b) Đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Pháp nhân thương mại không được phép của chủ thể quyền tác giả mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả từ 300 triệu đồng trở lên hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng trở lên; hoặc tuy chỉ thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 03 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm:
- Sao chép tác phẩm.
- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm
Ví dụ 1: Tranh chấp bản quyền bài hát “Gánh mẹ”
Vụ tranh chấp bản quyền bài hát “Gánh mẹ” xuất phát từ việc ông Trương Minh Nhật nộp đơn khởi kiện Công ty TNHH Lý Hải Production và ông Đoàn Đông Đức (nghệ danh Quách Beem) vì đã sử dụng bài thơ “Gánh mẹ” do ông sáng tác từ năm 2014 mà không xin phép, không trả phí tác quyền cho ông. Vụ việc đã được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thụ lý để giải quyết ngày 28/11/2019.
Quách Beem vẫn được công chúng biết đến là tác giả phần lời và phần nhạc (phần hòa âm, phối khí) của bài hát “Gánh mẹ” đang rất nổi tiếng từ năm 2019. Công ty TNHH Lý Hải Production (Lý Hải Production) là đơn vị sản xuất bộ phim “Lật Mặt 4”. Trong bộ phim “Lật Mặt 4”, Lý Hải Production đã sử dụng bài hát “Gánh mẹ” theo thỏa thuận sử dụng bản quyền với Quách Beem.
Về phía Quách Beem, ông cho rằng bài hát “Gánh mẹ” là do ông sáng tác từ năm 2013 và đã được Cục Bản quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền vào ngày 24/04/2019, vì vậy ông không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tranh chấp hiện nay vẫn chưa đi đến hồi kết.
Ví dụ 2: Tranh chấp bản quyền bài hát “Giấc mơ trưa”
Tháng 10 năm 2021, khi đăng tải ca khúc “Giấc mơ trưa” lên kênh Youtube của mình, nhạc sĩ Giáng Sol nhận được thông báo bài hát vi phạm bản quyền từ Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Truyền thông Bihaco (BHMedia).
Theo nhạc sĩ Giáng Sol thì nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã từng xin bản phối "Giấc mơ trưa" để đi diễn và làm CD, do bên Hồ Gươm Video Audio phát hành. CD này sau đó đã được BHMedia mua lại nên mới bị đánh bản quyền trên Youtube. Dù vậy, đây là 2 bản phối khác nhau và BHMedia không hề có quyền gì với bản phối của Giáng Sol. Nhạc sĩ Giáng Sol vẫn có toàn quyền với ca khúc do chính bà sáng tác. Bà cũng khẳng định mình không hề ký độc quyền ca khúc "Giấc mơ trưa" cho bất kỳ ai hay bên nào.
Hiện tại, nhạc sĩ Giáng Sol đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam thay mặt bà giải quyết vụ việc với BHMedia.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Trụ sở chính: 139H4 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Chi nhánh Hà Nội: Tầng 10, Tòa nhà Ford Thăng Long, 105 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Chi nhánh Nha Trang: Số 3M, tầng trệt chung cư CT2, khu đô thị VCN Phước Hải, đường Tố Hữu, phường Phước Hải, TP.Nha Trang, Khánh Hòa.
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn