BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm trước khi bán ra thị trường là một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng bậc nhất để bảo vệ quyền của chủ sở hữu chống lại mọi hành vi sao chép, bắt chước kiểu dáng công nghiệp. Sau đây là chia sẻ của Công ty Luật TNHH Ngọc Phú về các nội dung liên quan đến bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP LÀ GÌ?

Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là việc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp đáp ứng được các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật.

VÍ DỤ VỀ BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Ví dụ 1:


Ví dụ 2:


Ví dụ 3:


Ví dụ 4:


CƠ CHẾ BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Cũng giống như hầu hết các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với kiểu dáng công nghiệp sẽ được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

CƠ CHẾ BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

VĂN BẰNG BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP LÀ GÌ?

Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là văn bản do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp. Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hiện nay là Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

ĐỐI TƯỢNG KHÔNG ĐƯỢC BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Theo quy định tại Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ thì các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:

- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;

- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP NÀO KHÔNG ĐƯỢC BẢO HỘ?

Kiểu dáng công nghiệp không được bảo hộ là các kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng được một trong các điều kiện bảo hộ là tính mới, tính sáng tạo hoặc khả năng áp dụng công nghiệp.

ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau:

Có tính mới

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.

Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.

Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày công bố:

- Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của chủ sở hữu;

- Kiểu dáng công nghiệp được chủ sở hữu công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

- Kiểu dáng công nghiệp được chủ sở hữu trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Có tính sáng tạo

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

Trong các trường hợp sau đây, kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký được coi là không có tính sáng tạo:

- Kiểu dáng công nghiệp là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết (các đặc điểm tạo dáng đã được bộc lộ công khai được sắp đặt hoặc lắp ghép với nhau một cách đơn thuần như thay thế, thay đổi vị trí, tăng giảm số lượng...);

- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng sao chép/mô phỏng một phần hoặc toàn bộ hình dáng tự nhiên vốn có của cây cối, hoa quả, các loài động vật..., hình dáng của các hình hình học (hình tròn, hình elíp, hình tam giác, hình vuông, chữ nhật, hình đa giác đều, các hình lăng trụ có mặt cắt là các hình kể trên...) đã được biết rộng rãi;

- Kiểu dáng công nghiệp là sự sao chép đơn thuần hình dáng các sản phẩm, công trình đã nổi tiếng hoặc được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam hoặc trên thế giới;

- Kiểu dáng công nghiệp mô phỏng kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực khác, nếu sự mô phỏng đó đã được biết đến rộng rãi trên thực tế (ví dụ: đồ chơi mô phỏng ô tô, xe máy...)

Có khả năng áp dụng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Trong các trường hợp sau đây, đối tượng nêu trong đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp:

- Đối tượng nêu trong đơn là hình dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (các sản phẩm ở thể khí, chất lỏng...);

- Chỉ có thể tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn nhờ có kỹ năng đặc biệt hoặc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn;

- Các trường hợp với lý do xác đáng khác.

ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP ĐÃ SỬ DỤNG CÓ THỂ ĐĂNG KÝ BẢO HỘ KHÔNG?

Về nguyên tắc, kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ khi chưa được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký. Tuy nhiên, có trường hợp kiểu dáng công nghiệp đã bị sử dụng trên thực tế nhưng chủ sở hữu vẫn có thể đăng ký bảo hộ được, cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điều 65 Luật Sở hữu trí tuệ thì kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới và có khả năng được bảo hộ nếu bị công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày công bố:

- Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của chủ sở hữu;

- Kiểu dáng công nghiệp được chủ sở hữu công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

- Kiểu dáng công nghiệp được chủ sở hữu trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Vì việc sử dụng kiểu dáng công nghiệp cũng được xem là một trong những hình thức công bố kiểu dáng công nghiệp nên nếu kiểu dáng công nghiệp bị người khác sử dụng mà không được phép của chủ sở hữu thì chủ sở hữu vẫn được quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày bị sử dụng trái phép. Trường hợp này, trong hồ sơ đăng ký, chủ sở hữu phải nộp kèm theo các tài liệu chứng minh quyền sở hữu của mình đối với kiểu dáng công nghiệp bị sử dụng trái phép.

KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP ĐÃ SỬ DỤNG CÓ THỂ ĐĂNG KÝ BẢO HỘ KHÔNG?

PHẠM VI BẢO HỘ CỦA KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Yêu cầu về phạm vi bảo hộ trong bản mô tả kiểu dáng công nghiệp: Chủ đơn phải liệt kê đầy đủ các đặc điểm tạo dáng cần và đủ để xác định bản chất kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ và phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp, được thể hiện trên ảnh chụp, bản vẽ nêu trong đơn, bao gồm các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia đăng ký.

THỜI HẠN BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Theo quy định tại khoản 4 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ thì Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn.

SAU KHI HẾT THỜI HẠN BẢO HỘ CÓ CẦN GIA HẠN KHÔNG?

Sau khi hết thời hạn bảo hộ, chủ sở hữu cần thực hiện các thủ tục để gia hạn hiệu lực cho Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có thể được gia hạn 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.


Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Trụ sở chính: 139H4 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Chi nhánh Hà Nội: Tầng 10, Tòa nhà Ford Thăng Long, 105 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Chi nhánh Nha Trang: Số 3M, tầng trệt chung cư CT2, khu đô thị VCN Phước Hải, đường Tố Hữu, phường Phước Hải, TP.Nha Trang, Khánh Hòa.

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan