CÁCH VIẾT ĐƠN YÊU CẦU HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Khi xảy ra tranh chấp đất đai giữa các bên với nhau, nếu các bên không tự giải quyết được thì làm đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai đến Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi có đất xảy ra tranh chấp. Nhất là khi có tranh chấp ai là người có quyền sử dụng thì đây là thủ tục bắt buộc để đủ điều kiện khởi kiện ra tòa án. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai? Trình tự giải quyết như thế nào? NP LAW sẽ hướng dẫn Quý khách hàng thông qua bài viết sau đây.

I. Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai là gì

Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.

Như vậy, các bên tranh chấp được nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở, tuy nhiên kết quả giải quyết không bắt buộc các bên phải thực hiện mà phụ thuộc vào sự thiện chí của các bên.

Nếu các bên không tự hòa giải được thì có thể gửi đơn tại Ủy ban nhân dân cấp xã để hòa giải theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”.

Qua những quy định trên, ta có thể hiểu đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai là văn bản do một bên tranh chấp làm và gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để yêu cầu ủy ban nhân dân thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai khi các bên không thể tự hòa giải được.

II. Khi nào cần làm đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai

Khi có tranh chấp đất đai xảy ra gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình mà các bên không tự hòa giải được thì làm đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã nơi có đất đang tranh chấp. (theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP đây là một thủ tục bắt buộc khi có tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện và Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.

III. Nội dung và hướng dẫn cách viết đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai

3.1. Nội dung đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai

Pháp luật không có quy định về nội dung hay mẫu đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai. Cho nên, đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai sẽ do bên có yêu cầu hòa giải tiến hành soạn thảo theo thực trạng và mong muốn về việc hòa giải tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, trong đơn sẽ có những nội dung cơ bản như sau:

- Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu;

- Tên cơ quan có thẩm quyền tổ chức hòa giải;

- Thông tin pháp lý của người yêu cầu tổ chức hòa giải và người bị yêu cầu tham gia hòa giải: Họ và tên, năm sinh, số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân địa chỉ cư trú, địa chỉ liên hệ, số điện thoại...

- Trình bày sự việc;

- Nêu yêu cầu giải quyết;

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh cho quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu hòa giải (nếu có).

3.2. Hướng dẫn cách viết đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp

- Kính gửi: Ủy ban nhân dân + tên xã, phường, thị trấn nơi có đất xảy ra tranh chấp.

- Trình bày sự việc: trình bày ngắn gọn về nguồn gốc quyền sử dụng đất, sự việc dẫn tới tranh chấp đất đai giữa các bên tranh chấp đất đai theo tiến trình thời gian; nêu rõ hành vi sai phạm của người có hành vi dẫn tới tranh chấp; nếu có tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải viên tại cơ sở mà không thành thì ghi vào nội dung sự việc.

- Nêu yêu cầu giải quyết: nêu ngắn gọn các nguyện vọng mà người yêu cầu muốn cơ quan chức năng giải quyết như: xác định diện tích đất tranh chấp thuộc về ai, trả lại diện tích đất bị lấn chiếm....

- Tài liệu kèm theo (nếu có): tùy vào trường hợp mà sẽ có tài liệu chứng cứ kèm theo, tuy nhiên thường là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp, .....

IV. Trình tự giải quyết đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai

Theo quy định tại Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì trình tự giải quyết đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai được quy định như sau:

Bước 1: Người đề nghị nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý

Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

- Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

- Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải;

- Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

- Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản. Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.

- Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.

V. Giải đáp các thắc mắc về đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai

5.1. UBND xã phải làm gì sau khi nhận đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai?

Theo quy định Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai thì UBND cấp xã phải tiến hành thẩm tra, xác minh nguyên nhân xảy ra tranh chấp và thu thập tài liệu liên quan; thành lập hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và tổ chức cuộc họp hòa giải tranh chấp đất đai.

Theo đó thì cuộc họp hòa giải tranh chấp đất đai phải có đầy đủ các bên tranh chấp. Nếu như các bên tranh chấp vắng mặt lần thứ 2 thì xem như hòa giải không thành.

5.2. Ủy ban nhân dân huyện đã giải quyết tranh chấp, đương sự quay lại gửi đơn yêu cầu hòa giải lại thì UBND xã có nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đó không?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 203 Luật Đất đai 2013 thì quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân huyện có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành. 

Nên Ủy ban nhân dân huyện đã giải quyết tranh chấp, các bên tranh chấp quay lại gửi đơn yêu cầu hòa giải lại thì UBND xã sẽ từ chối nhận đơn.

5.3. Hàng xóm làm hàng rào lấn đất thì có nộp đơn yêu cầu UBND xã tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai được hay không?

Khi hàng xóm làm hàng rào lấn đất của mình thì đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp này, nếu hai bên không tự hòa giải hoặc giải quyết thông qua hòa giải cơ sở được thì có thể làm đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân xã tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai.

Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013.

5.4. Gửi đơn yêu cầu giải quyết hòa giải tranh chấp đất đai đến UBND xã nơi cư trú hay nơi có đất tranh chấp?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 thì khi tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

5.5. Tại buổi hòa giải tranh chấp đất đai, một bên tranh chấp tự ý bỏ về vì không đồng tình với hướng hòa giải thì giải quyết như thế nào?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì khi một trong các bên tranh chấp tự ý bỏ về vì không đồng tình với hướng hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo. 

VI. Tại sao nên tìm luật sư tư vấn về đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai

Nếu Quý khách hàng không có thời gian hoặc chưa có kinh nghiệm trong việc soạn thảo về đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp về đất đai thì khách hàng có thể lựa chọn việc tìm đến sự giúp đỡ của Luật sư. Bởi vì, thủ tục hòa giải tranh chấp tại ủy ban phường, xã là một trong những thủ tục được sử dụng để giải quyết tranh chấp. Cho nên để thực hiện nhanh gon hơn, tiết kiệm hơn thì nên tìm đến Luật sư để được tư vấn và hỗ trợ.

Ngoài ra, khi sử dụng dịch vụ soạn thảo đơn, khách hàng cũng sẽ được Luật sư tư vấn về các vấn đề có liên quan như thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai sau khi hòa giải hoặc trình tự thủ tục khởi kiện tại Tòa án.

Trên đây là nội dung tư vấn của NP LAW muốn gửi đến quý khách hàng. Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác như: Doanh nghiệp; Sở hữu trí tuệ; Lao động; Tư vấn và hỗ trợ tiến hành thủ tục xin cấp các loại giấy phép con…quý khách vui lòng liên hệ với NP LAW để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan
  • QUY ĐỊNH VỀ THÔNG BÁO KHUYẾN MẠI

    QUY ĐỊNH VỀ THÔNG BÁO KHUYẾN MẠI

    Hiện nay, để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp thường áp dụng những chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ, sản phẩm của mình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách, sẽ có những quy...
    Đọc tiếp
  • Quy định về phát tờ rơi quảng cáo

    Quy định về phát tờ rơi quảng cáo

    Mục lục Ẩn I. Thực trạng phát tờ rơi quảng cáo hiện nay II. Quy định về phát tờ rơi quảng cáo 1. Việc phát tờ rơi quảng cáo có phải đăng ký với cơ quan nhà nước không? 2. Hoạt động phát tờ rơi quảng cáo có làm...
    Đọc tiếp
  • Quảng cáo dành cho trẻ em cần lưu ý gì?

    Quảng cáo dành cho trẻ em cần lưu ý gì?

    Mục lục Ẩn I. Thực trạng về quảng cáo dành cho trẻ em II. Quy định pháp luật về quảng cáo dành cho trẻ em 1. Hiểu như thế nào về quảng cáo dành cho trẻ em 2. Khi đối tượng quảng cáo là trẻ em thì cần chú ý những...
    Đọc tiếp