Tham gia hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì thực phẩm ngày càng được nhiều cá nhân cũng như tổ chức quan tâm, chú trọng. Đây là ngành nghề đem lại hiệu quả và lợi nhuận khá cao cho doanh nghiệp. Thông qua bài viết này, NPLaw sẽ cung cấp cho Quý Khách hàng các thông tin pháp lý về sản xuất bao bì thực phẩm, hỗ trợ khách hàng tham gia hoạt động ngành nghề này có hiệu quả hơn.
Những thay đổi nhanh chóng trong việc mua sắm và chi tiêu của người Việt Nam sau đại dịch Covid là sự phát triển chóng mặt của ngành thương mại điện tử và nhu cầu thực phẩm. Trong năm 2021, các ngành hàng tiêu dùng, thương mại điện tử có sức tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến phân khúc bao bì đóng gói thực phẩm cũng phát sinh nhu cầu cao.
Theo các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bao bì, bao bì thực phẩm được xem là phương tiện quảng bá với mục tiêu thể hiện loại sản phẩm, cùng là sản phẩm bảo vệ sức khỏe trực tiếp của người dùng như trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm. Do đó, việc sản xuất bao bì thực phẩm luôn được các bên, bao gồm cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.
Căn cứ quy định tại Điều 18 Luật An toàn thực phẩm 2010 về điều kiện bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vậy liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm như sau:
"Điều 18. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm
1. Sản xuất từ nguyên vật liệu an toàn, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào thực phẩm, bảo đảm chất lượng thực phẩm trong thời hạn sử dụng.
2. Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
3. Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.
Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký bản công bố hợp quy và thời hạn của bản đăng ký công bố hợp quy đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm."
Như vậy, bao bì chứa đựng thực phẩm phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và phải được công bố hợp pháp.
2.1. Yêu cầu đối với cơ sở sản xuất bao bì
Theo Mục 4.1 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/TS 22002-4:2018 (ISO/TS 22002-4:2013) quy định về cơ sở như sau:
“4. Các điều kiện tiên quyết cơ bản
4.1 Cơ sở
4.1.1 Yêu cầu chung
Cơ sở phải được thiết kế, xây dựng và duy trì theo cách thức phù hợp với bản chất và mục đích của hoạt động sản xuất bao bì thực phẩm, các mối nguy an toàn thực phẩm liên quan đến các hoạt động đó và các nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm.
Các tòa nhà phải có cấu trúc bền vững, không gây mối nguy an toàn thực phẩm đối với bao bì thực phẩm.
VÍ DỤ: Tất cả các cửa mở ra bên ngoài đối với các thiết bị và thiết bị phụ phải được bảo vệ một cách thích hợp.
4.1.2 Môi trường
Cần xem xét các nguồn ô nhiễm tiềm ẩn từ môi trường tại chỗ.
CHÚ THÍCH: "Môi trường tại chỗ" bao gồm cả khu vực bên trong và bên ngoài.
4.1.3 Địa điểm của cơ sở
Ranh giới của cơ sở phải được xác định rõ ràng.
Mọi khu vực trong ranh giới của cơ sở phải được duy trì trong điều kiện thích hợp để ngăn ngừa ô nhiễm”.
Như vậy, cơ sở sản xuất bao bì thực phẩm phải đảm bảo các yêu cầu chung về an toàn vệ sinh và yêu cầu cụ thể về môi trường cũng như địa điểm của cơ sở theo đúng quy định pháp luật.
2.2. Yêu cầu đối với trang thiết bị, dụng cụ sản xuất bao bì
Theo Mục 4.2.4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/TS 22002-4:2018 (ISO/TS 22002-4:2013) quy định về thiết bị như sau:
“4.2.4 Thiết bị
Thiết bị phải được thiết kế và đặt ở vị trí tạo điều kiện thực hành vệ sinh tốt, thực hành sản xuất tốt
Thiết bị phải được đặt ở nơi có thể tiếp cận để vận hành, làm sạch và bảo trì”.
Theo Mục 4.8.3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/TS 22002-4:2018 (ISO/TS 22002-4:2013) quy định về các chất và dụng cụ làm sạch như sau:
“4.8.3 Các chất và dụng cụ làm sạch
Thiết bị phải được duy trì trong tình trạng dễ làm sạch.
Các chất làm sạch phải được xác định rõ ràng, bảo quản riêng biệt và chỉ sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Dụng cụ làm sạch phải được thiết kế hợp vệ sinh và được duy trì trong điều kiện không có khả năng gây ô nhiễm”.
Như vậy, cơ sở sản xuất bao bì thực phẩm cần tuân thủ các quy định về thiết bị và dụng cụ sản xuất bao bì thực phẩm theo quy định pháp luật.
2.3. Yêu cầu đối với bảo quản bao bì
Theo Mục 4.13 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/TS 22002-4:2018 (ISO/TS 22002-4:2013) quy định về bảo quản bao bì thực phẩm như sau:
“4.13.1 Yêu cầu chung
Nguyên liệu, sản phẩm trung gian và bao bì thực phẩm phải được bảo quản và xử lý theo cách để tránh các nguồn ô nhiễm như bụi, chất ngưng tụ, khói, mùi hoặc các nguồn khác.
Các khu vực bảo quản được giao thầu phụ phải đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn này.
4.13.2 Yêu cầu về nhà kho
Việc kiểm soát hiệu quả nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện môi trường khác của nhà kho phải được thực hiện theo các quy định về bao bì thực phẩm và quy định về bảo quản.
Chất thải và hóa chất (các sản phẩm làm sạch, chất bôi trơn và thuốc bảo vệ thực vật) phải được cất giữ riêng.
Phải có các biện pháp (bằng điện tử hoặc vật lý) để tránh giải phóng và/hoặc cung cấp các vật liệu không phù hợp.
Cần sử dụng các hệ thống luân chuyển cụ thể trong kho.
4.13.3 Phương tiện, băng chuyền và vật chứa
Phương tiện, băng chuyền và vật chứa phải được duy trì ở trạng thái tốt, sạch và phù hợp với yêu cầu của quy định kỹ thuật và hợp đồng liên quan.
Phương tiện, băng chuyền và vật chứa phải bảo vệ chống hư hỏng hoặc ô nhiễm bao bì thực phẩm.
Khi cần, phải kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, lưu hồ sơ và luôn sẵn sàng thực hiện việc kiểm soát này. Phương tiện vận chuyển phải được kiểm tra trước khi xếp và dỡ. Chúng phải trong tình trạng sử dụng tốt, sạch, không có sinh vật gây hại và mùi không mong muốn.
Bao bì thực phẩm phải được bảo vệ khỏi ô nhiễm trong quá trình xếp hàng. Khi tổ chức yêu cầu, thùng chứa số lượng lớn phải được dành riêng cho một vật liệu bao bì thực phẩm cụ thể.
Palet phải được kiểm tra trước khi sử dụng. Chúng phải phù hợp với mục đích sử dụng, sạch, không có vật lạ, sinh vật gây hại và mùi không mong muốn. Palet không gây ô nhiễm nguyên liệu, sản phẩm trung gian và bao bì thực phẩm”.
Như vậy, yêu cầu về việc bảo quản bao bì thực phẩm phẩm cần tuân thủ các quy định chung và các yêu cầu cụ thể về nhà kho theo quy định pháp luật.
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm có cần đối với công ty sản xuất bao bì thực phẩm không?
Căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định về các Cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:
"Điều 12. Cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: …
e) Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;"
Như vậy, công ty sản xuất bao bì thực phẩm không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Trong việc sản xuất bao bì thực phẩm thì đường ống dây dẫn nước phải tuân thủ những gì?
Theo Mục 4.5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/TS 22002-4:2018 (ISO/TS 22002-4:2013) quy định về tính phù hợp, vệ sinh và bảo dưỡng thiết bị như sau:
4.5.1 Yêu cầu chung
Thiết bị sử dụng trong khu vực sản xuất và đóng gói phải được thiết kế để ngăn ngừa ô nhiễm.
Trong trường hợp có liên quan, thiết bị được sử dụng trong quá trình chiếu xạ phải đáp ứng các quy định kỹ thuật đối với bao bì thực phẩm liên quan.
4.5.2 Thiết kế hợp vệ sinh …
Đường ống và ống dẫn phải sạch, có thể thoát nước và không gây ngưng tụ hoặc rò rỉ có thể dẫn đến ô nhiễm bao bì thực phẩm.
Các van nối và núm điều khiển phải đảm bảo an toàn, ngăn ngừa ô nhiễm.
Các thành phần thiết bị có kim loại độc (ví dụ: thủy ngân) không được phép ở nơi có thể gây hại đến an toàn thực phẩm của bao bì thực phẩm”.
Theo đó, trong việc sản xuất bao bì thực phẩm, đường ống dây dẫn nước phải tuân thủ các quy định chung cũng như quy định riêng về thiết bị đối với việc an toàn vệ sinh như sau: phải sạch, có thể thoát nước và không gây ngưng tụ hoặc rò rỉ có thể dẫn đến ô nhiễm bao bì thực phẩm; Các van nối và núm điều khiển phải đảm bảo an toàn, ngăn ngừa ô nhiễm.
- Sản xuất bao bì thực phẩm gây ảnh hưởng đến môi trường bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về việc xử lý vi phạm đối với việc sản xuất bao bì chứa đựng thực phẩm như sau:
“4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
d) Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, việc sản xuất bao bì thực phẩm gây ảnh hưởng đến môi trường trong việc xử lý chất thải có thể bị xử lý vi phạm hành chính lên đến 10 triệu đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) về sản xuất bao bì thực phẩm. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác, … hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật TNHH Ngọc Phú để được tư vấn tận tình và nhanh chóng.
Rất mong được hợp tác với Quý Khách hàng.
Trân trọng cảm ơn!
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn