GIẢI PHÁP HỮU ÍCH LÀ GÌ? QUYỀN ĐĂNG KÝ GIẢI PHÁP HỮU ÍCH

Giải pháp hữu ích là một trong những tài sản trí tuệ có giá trị lớn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm vững các quy định của pháp luật để đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích kịp thời, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để giúp Quý khách hàng nắm rõ các quy định và trình tự, thủ tục đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú đưa ra các thông tin cơ bản về giải pháp hữu ích như sau

I. GIẢI PHÁP HỮU ÍCH LÀ GÌ?

1. Giải pháp hữu ích là gì?

Giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

2. Ví dụ giải pháp hữu ích

Ví dụ 1: Giải pháp hữu ích “Nước uống tăng lực thảo dược chứa dịch chiết toàn phần của cây đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa (L). Harms)”

  • Số bằng: 2-0002718-000
  • Nội dung: Giải pháp hữu ích đề cập đến nước uống tăng lực thảo dược chứa dịch chiết toàn phần của cây đinh lăng lá nhỏ, dung dịch chất làm ngọt và nước. Dung dịch chất làm ngọt có trong nước uống tăng lực thảo dược là dịch chiết của cây cỏ ngọt hoặc dung dịch đường saccaroza.

Ví dụ 2: Giải pháp hữu ích “Thiết bị lọc sóng hài tích cực trên lưới điện”

  • Số bằng: 2-0002715-000
  • Nội dung: Giải pháp hữu ích đề cập đến thiết bị lọc sóng hài tích cực trên lưới điện nhằm cải thiện chất lượng điện dạng song song cho lưới điện, phục vụ các cụm động cơ với cấu hình và chức năng hiện đại, phù hợp với nhu cầu sử dụng, quy mô và điều kiện kinh tế của các phụ tải sinh hoạt và công nghiệp của Việt Nam.

GIẢI PHÁP HỮU ÍCH LÀ GÌ?

3. Cách viết giải pháp hữu ích

Trong hồ sơ đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích thì 02 tài liệu về kỹ thuật quan trọng nhất là Bản mô tả giải pháp hữu ích và Bản tóm tắt giải pháp hữu ích.

Bản mô tả giải pháp hữu ích gồm 02 phần: Phần mô tả và phần phạm vi bảo hộ.

  • Phần mô tả phải bộc lộ hoàn toàn bản chất của giải pháp kỹ thuật được yêu cầu bảo hộ. Trong phần mô tả phải có đầy đủ các thông tin đến mức căn cứ vào đó, bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện được giải pháp đó; phải làm rõ tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp của giải pháp kỹ thuật. Phần mô tả phải bao gồm các nội dung được thể hiện theo trình tự sau đây: Tên giải pháp hữu ích, lĩnh vực sử dụng, tình trạng kỹ thuật, mục đích, bản chất kỹ thuật, mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo, mô tả chi tiết các phương án thực hiện giải pháp hữu ích, ví dụ thực hiện giải pháp hữu ích, những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được.
  • Phần phạm vi (yêu cầu) bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với giải pháp hữu ích. Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu bảo hộ.

Bản tóm tắt giải pháp hữu ích: Được dùng để mô tả một cách vắn tắt (không nên quá 150 từ) về giải pháp hữu ích yêu cầu bảo hộ. Bản tóm tắt phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của giải pháp kỹ thuật chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin. Bản tóm tắt có thể có hình vẽ, công thức đặc trưng. Tất cả các hình vẽ, công thức đặc trưng (nếu có) chỉ được trình bày trong một nửa trang A4 và phải rõ ràng.

II. QUY ĐỊNH GIẢI PHÁP HỮU ÍCH

1. Quyền đăng ký giải pháp hữu ích

Theo quy định tại Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ thì các tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký giải pháp hữu ích:

  • Tác giả tạo ra giải pháp hữu ích bằng công sức và chi phí của mình; 
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra giải pháp hữu ích thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

Người có quyền đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

QUY ĐỊNH GIẢI PHÁP HỮU ÍCH

2. Quyền của chủ sở hữu giải pháp hữu ích

Chủ sở hữu Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có các quyền sau:

  • Sử dụng, cho phép người khác sử dụng giải pháp hữu ích: Sản xuất sản phẩm được bảo hộ, áp dụng quy trình được bảo hộ, khai thác công dụng, lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông, nhập khẩu sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ.
  • Ngăn cấm người khác sử dụng giải pháp hữu ích;
  • Định đoạt giải pháp hữu ích.

III. CÁC ĐỐI TƯỢNG NÀO KHÔNG ĐƯỢC BẢO HỘ ĐỘC QUYỀN

Theo quy định tại Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ thì các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa giải pháp hữu ích:

1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học; 

2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

3. Cách thức thể hiện thông tin;

4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

5. Giống thực vật, giống động vật;

6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

7. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

IV. BẢO HỘ GIẢI PHÁP HỮU ÍCH

1. Điều kiện bảo hộ giải pháp hữu ích

Giải pháp hữu ích sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  • Không phải là hiểu biết thông thường trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
  • Có tính mới.

Giải pháp hữu ích được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký giải pháp hữu ích hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký giải pháp hữu ích được hưởng quyền ưu tiên. Giải pháp hữu ích được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về giải pháp hữu ích đó.

Giải pháp hữu ích không bị coi là mất tính mới nếu được người có quyền đăng ký hoặc người có được thông tin về giải pháp hữu ích một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người đó bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký giải pháp hữu ích được nộp tại Việt Nam trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bộc lộ.

  • Có khả năng áp dụng công nghiệp. Giải pháp hữu ích được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của giải pháp hữu ích và thu được kết quả ổn định.

2. Thời hạn bảo hộ giải pháp hữu ích

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

V. ĐỘC QUYỀN GIẢI PHÁP HỮU ÍCH

1. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là gì?

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với giải pháp hữu ích.

2. Đăng ký độc quyền giải pháp hữu ích

Đăng ký độc quyền giải pháp hữu ích là việc tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu của giải pháp hữu ích nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

3. Tại sao cần phải độc quyền giải pháp hữu ích

- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là cơ sở để khẳng định quyền của chủ sở hữu đối với giải pháp hữu ích trước các tổ chức, cá nhân khác, giúp chủ sở hữu giải pháp hữu ích dễ dàng chứng minh quyền sở hữu khi xảy ra tranh chấp.

- Chủ sở hữu Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được độc quyền khai thác, sử dụng giải pháp hữu ích trong thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký giải pháp hữu ích, có quyền ngăn cấm người khác sử dụng và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các hành vi xâm phạm.

- Nếu chủ sở hữu Bằng độc quyền giải pháp hữu ích không tự khai thác, sử dụng giải pháp hữu ích vào mục đích sản xuất kinh doanh thì có thể chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu giải pháp hữu ích cho tổ chức, cá nhân khác để mang lại nguồn thu cho chủ sở hữu. Ngoài ra, chủ sở hữu Bằng độc quyền giải pháp hữu ích còn có thể dùng giải pháp hữu ích để góp vốn đầu tư với các tổ chức, cá nhân khác.

- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là minh chứng cho trình độ chuyên môn và năng lực của doanh nghiệp, tăng uy tín của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư, đối tác và khách hàng.

Thời hạn bảo hộ giải pháp hữu ích

VI. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ GIẢI PHÁP HỮU ÍCH

1. Quy trình đăng ký giải pháp hữu ích

Việc đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích được thực hiện theo các bước sau:

- Bước 1: Tra cứu khả năng đăng ký bảo hộ của giải pháp hữu ích

- Bước 2: Soạn thảo hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích, yêu cầu thẩm định nội dung.

- Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích kèm yêu cầu thẩm định nội dung.

- Bước 4: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định hồ sơ đăng ký

- Bước 5: Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

2. Hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích

Hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích bao gồm các tài liệu sau đây:

- 02 Tờ khai đăng ký;

- 02 Bản mô tả giải pháp hữu ích;

- 02 Bản tóm tắt giải pháp hữu ích;

- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua 01 công ty đại diện sở hữu công nghiệp);

- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó từ người khác);

- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên);

- Chứng từ nộp phí, lệ phí (nếu gửi hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện).

3.  Thời gian đăng ký giải pháp hữu ích

Đơn đăng ký giải pháp hữu ích sau khi nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ sẽ trải qua các giai đoạn sau đây:

- Thẩm định hình thức: 01 tháng, kể từ ngày nộp đơn

- Công bố đơn: Trong tháng thứ 19 kể từ ngày nộp đơn hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.

- Thẩm định nội dung: Trong vòng 18 tháng kể từ ngày công bố đơn (nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn) hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung (nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn).


Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan