Hiện nay, với việc gia nhập vào các hiệp định thương mại song phương - đa phương, Việt Nam đang trở thành thị trường đầu tư tiềm năng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với mong muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư vào thị trường trong nước, Nhà nước đã ban hành các quy định, các chính sách mới nhằm bảo đảm tính linh hoạt cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có cơ hội mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, để thực hiện đầu tư tại Việt Nam sẽ phải tiến hành các thủ tục đăng ký như thế nào? Quy trình thực hiện đăng ký đầu tư diễn ra trong bao lâu, hãy cùng NPLaw tìm hiểu rõ hơn về quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này nhé.
Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay không phải mọi trường hợp thực hiện đầu tư tại Việt Nam đều phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Luật đầu tư 2020 đã liệt kê các trường hợp bắt buộc và không bắt buộc thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Vậy những dự án bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cụ thể gồm những trường hợp nào?
Quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật đầu tư 2020 (VBHN), 02 trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.
Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định các trường hợp không phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư tại khoản 2 Điều 37, các nhà đầu tư có dự án thuộc quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này nếu có nhu cầu cấp GCN đăng ký đầu tư thì có thể thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật.
Như vậy, sau khi nắm rõ dự án mình thực hiện có thuộc trường hợp bắt buộc phải đăng ký đầu tư hay không, nếu thuộc diện cần đăng ký đầu tư thì Doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện như thế nào để được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận hồ sơ?
Các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện đầu tư như sau:
a) Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư và điều ước quốc tế về đầu tư;
b) Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở bản sao hợp lệ giấy tờ về q uyền sử dụng đất hoặc bản sao hợp lệ thỏa thuận thuê địa điểm hoặc văn bản, tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
c) Dự án đầu tư phù hợp với các quy hoạch theo quy định tại khoản 7 Điều 31 Nghị định này;
d) Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (nếu có), số lượng lao động sử dụng (nếu có);
đ) Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Sau khi biết được các điều kiện mà nhà đầu tư cần đáp ứng khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam, chắc chắn các bạn sẽ thắc mắc rằng: vậy liệu cần chuẩn bị các loại giấy tờ và bản sao văn bản nào để được cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp GCNĐKĐT? NPLaw sau đây sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.
Quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư, hồ sơ đăng ký đầu tư sẽ bao gồm các văn bản như sau:
a) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
c) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
d) Đề xuất dự án đầu tư.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư. Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, đề xuất dự án đầu tư được thay bằng báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
đ) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
e) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
g) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
h) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Trước khi thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT, nhà đầu tư kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư. Sau khi kê khai, nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. Nhà đầu tư được lựa chọn nộp hồ sơ cấp GCNĐKĐT bằng bản giấy theo quy định hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo một trong hai hình thức: sử dụng chữ ký số hoặc không sử dụng chữ ký số.
Ngoài việc nhận được GCNĐKĐT bằng văn bản, bản điện tử do cơ quan đăng ký đầu tư cấp, nhà đầu tư có thể tra cứu các thông tin liên quan đến đăng ký đầu tư thông qua website chính thức của Cổng thông tin Quốc gia về đầu tư theo đường dẫn: https://vietnaminvest.gov.vn/.
Nhà đầu tư sau khi truy cập vào website, bấm vào mục Tra cứu thông tin dự án đầu tư nhập tên dự án, mã số dự án, quốc gia, tỉnh thành thực hiện dự án sau đó bấm tìm kiếm để có thể truy xuất dữ liệu liên quan đến dự án.
Cùng NPLaw tìm hiểu các chủ đề được quan tâm về đăng ký đầu tư, cụ thể:
Theo luật hiện hành, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật này. Như vậy, cơ quan đăng ký đầu tư hiện nay là Sở Kế hoạch Đầu tư đối với dự án thuộc khoản 2 Điều 39 và Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đối với dự án thuộc khoản 1 Điều 39 Luật đầu tư 2020 (VBHN).
Ngoài ra, cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cũng có thẩm quyền cấp GCNĐKĐT nếu dự án thuộc một trong các trường hợp tại khoản 3 Điều 39 Luật đầu tư 2020.
Trường hợp này, nhà đầu tư cần nộp văn bản đề nghị cơ quan đăng ký đầu tư hiệu đính thông tin trên GCNĐKĐT.
Nhà đầu tư có thể tham khảo mẫu văn bản đề nghị hiệu đính thông tin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo mẫu tại: mục 25.I phụ lục A theo Danh mục đính kèm tại Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT.
Theo điểm a khoản 3 Điều 73 Luật đầu tư, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày dự án đầu tư được chấp thuận hoặc cấp phép theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải gửi thông báo bằng văn bản về việc thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài kèm theo bản sao văn bản chấp thuận dự án đầu tư hoặc tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư.
Hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư, các văn bản, báo cáo gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền được làm bằng tiếng Việt. Trường hợp hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì nhà đầu tư phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo tài liệu bằng tiếng nước ngoài.
Cơ quan đầu tư có thể yêu cầu nộp bổ sung các tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Giả sử có nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất Linh Trung, Thành phố Thủ Đức với số vốn đầu tư là 4.000 tỷ đồng, dự kiến sử dụng 500 lao động làm việc thường xuyên khi dự án đi vào hoạt động.
1. Dự án này phải áp dụng loại thủ tục đầu tư gì?
2. Nếu thuộc dự án phải cấp GCNĐKĐT, Cơ quan nào sẽ có thẩm quyền thực hiện thủ tục cấp?
Giải đáp:
1. Trong trường hợp này, dự án của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 29; điểm h khoản 1 Điều 31 và điểm a khoản 1 Điều 37 Luật đầu tư: thuộc dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và thuộc diện cấp GCNĐKĐT.
2. Kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cấp GCNĐKĐT cho dự án là cơ quan đăng ký đầu tư. Như vậy, dự án này thuộc khoản 1 Điều 39 Luật đầu tư sẽ do Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất Linh Trung cấp GCNĐKĐT.
Trên đây là giải đáp của NPLaw liên quan đến việc thực hiện đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. NPLaw với đội ngũ luật sư chuyên nghiệp sẽ giúp các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư trong thời gian ngắn nhất với chi phí tương xứng và luôn hỗ trợ giải quyết tận gốc các vấn đề phát sinh.
Nếu khách hàng cần tư vấn hoặc tìm hiểu thêm thông tin, vui lòng gửi về email: legal@nplaw.vn hoặc liên hệ trực tiếp qua số: 0931 449968. NPLaw sẽ liên lạc với bạn ngay khi có yêu cầu.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn