Kinh doanh lữ hành quốc tế là gì? Điều kiện và phạm vi?

Ngày nay, khi du lịch trong và ngoài nước ngày càng phát triển thì càng nhiều hơn những doanh nghiệp muốn kinh doanh lữ hành quốc tế. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin quan trọng đến những doanh nghiệp đang có mong muốn được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, loại bỏ những rủi ro không đáng có.

I. Kinh doanh lữ hành quốc tế là gì?

Kinh doanh lữ hành quốc tế là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam hoặc đưa khách du lịch ra nước ngoài.

II. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Điều kiện kinh doanh được liệt kê như sau:

  • Điều kiện về doanh nghiệp: Phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
  • Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng.

Cụ thể mức ký quỹ được quy định như sau:

  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng;
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng;
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.

Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế như trên được thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017.

  • Điều kiện đối với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành. Trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải học và thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
  • Các chuyên ngành về lữ hành theo quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL hiện nay bao gồm:
  1. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
  2. Quản trị lữ hành;
  3. Điều hành tour du lịch;
  4. Marketing du lịch;
  5. Du lịch;
  6. Du lịch lữ hành;
  7. Quản lý và kinh doanh du lịch.
  8. Quản trị du lịch MICE
  9. Đại lý lữ hành
  10. Hướng dẫn du lịch
  11. Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở  giáo dục ở Việt Nam đào tạo  và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực.
  12. Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
  • Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.
  • Trường hợp người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế không học các chuyên ngành nêu trên thì phải tham gia các khóa học đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế gồm các nội dung đào tạo như sau:
    • Kiến thức cơ sở ngành: hệ thống chính trị Việt Nam; các văn bản pháp luật liên quan đến du lịch; tổng quan du lịch; marketing du lịch; tâm lý khách du lịch và nghệ thuật giao tiếp; giao lưu văn hóa quốc tế;
    • Kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ điều hành du lịch: tổng quan về doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; thị trường du lịch và sản phẩm du lịch; thiết kế sản phẩm và tính giá chương trình du lịch; khu du lịch, điểm du lịch Việt Nam; nghiệp vụ điều hành du lịch; bán hàng và chăm sóc khách hàng; marketing và truyền thông; tiền tệ và thanh toán quốc tế trong du lịch; nghiệp vụ xuất nhập cảnh; thủ tục vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển doanh nghiệp;
    • Thực hành nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phải đáp ứng được các điều kiện về doanh nghiệp, mức ký quỹ và điều kiện về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

III. Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa. Tuy nhiên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế không có bằng cấp phù hợp theo quy định của pháp luật thì bị xử lý như thế nào?

Theo quy định của pháp luật thì những trường hợp sau đây sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành:

  • Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;
  • Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật Du lịch 2017;
  • Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật Du lịch 2017;
  • Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;
  • Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;
  • Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
  • Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 37 của Luật Du lịch 2017, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
  • Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Như vậy, trong trường hợp người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế không có bằng cấp phù hợp theo quy định của pháp luật thì không đáp ứng được điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch 2017. Do đó, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

IV. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế Outbound không?

Lữ hành quốc tế Outbound là du lịch dành cho người hiện đang ở quốc gia sở tại đi đến các quốc gia khác tham quan, khám phá. Như vậy, kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế Outbound là kinh doanh dịch vụ du lịch cho khách du lịch ra nước ngoài.

Tuy nhiên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế Outbound trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan