MUA BÁN NGOẠI TỆ

Mua bán ngoại tệ, hay còn gọi là giao dịch ngoại hối, là việc trao đổi tiền tệ của một quốc gia này với tiền tệ của một quốc gia khác. Vậy làm sao để hiểu thế nào là mua bán ngoại tệ và những vấn đề liên quan xoay quanh về mua bán ngoại tệ như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.

I. Tìm hiểu về mua bán ngoại tệ

1. Mua bán ngoại tệ được hiểu như thế nào?

Mua bán ngoại tệ, hay còn gọi là giao dịch ngoại hối, là việc trao đổi tiền tệ của một quốc gia này với tiền tệ của một quốc gia khác. Hoạt động này diễn ra trên thị trường ngoại hối, nơi mà các cá nhân, tổ chức, ngân hàng và chính phủ thực hiện giao dịch nhằm phục vụ các mục đích khác nhau như thương mại quốc tế, đầu tư, du lịch, hoặc để phòng ngừa rủi ro về tỷ giá.

2. Có được phép mua bán ngoại tệ không?

Căn cứ Khoản 1 Điều 13 Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.

Đồng thời theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh ngoại hối 2005 thì cá nhân được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để thanh toán nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ.

Như vậy, theo theo quy định trên thì được phép mua bán ngoại tệ 

II. Quy định pháp luật về mua bán ngoại tệ

1. Giao dịch mua bán ngoại tệ theo quy định

Giao dịch ngoại tệ (còn gọi là giao dịch hối đoái) bao gồm: giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay; giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; giao dịch hoán đổi ngoại tệ và giao dịch quyền chọn mua, bán ngoại tệ. Trong đó, giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay là giao dịch hai bên thực hiện mua, bán với nhau một lượng ngoại tệ với Đồng Việt Nam hoặc với một ngoại tệ khác theo tỷ giá giao ngay xác định tại ngày giao dịch. (khoản 5, 6 Điều 2 Thông tư 15/2015/TT-NHNN)

Giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay là một hoạt động ngoại hối cơ bản của các ngân hàng và công ty tài chính được cấp phép hoạt động ngoại hối. Các đối tượng khác được mua ngoại tệ theo các quy định sau đây:

Thứ nhất, người cư trú được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng để thanh toán nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ;

Thứ hai, người cư trú, người không cư trú được mua ngoại tệ để chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu hợp pháp;

Thứ ba, công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiêu vặt, đi lại ở nước ngoài liên quan đến các mục đích học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.

Công dân Việt Nam chỉ được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép bán ngoại tệ (không được mua tại đại lý đổi ngoại tệ). Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ bán 100 USD/người/ ngày (hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong thời hạn lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày, trên cơ sở hồ sơ, chứng từ xuất trình. Trường hợp tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt, thì tổ chức tín dụng có thể bán vượt mức quy định này;

Thứ tư, cá nhân mang hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp được mua ngoại tệ của đại lý đổi ngoại tệ đặt tại khu cách ly ở cửa khẩu quốc tế.

Thứ năm, nhà đầu tư nước ngoài được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng để chuyển ra nước ngoài (Nghị định 70/2014/NĐ-CP)

Đối với việc bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân chỉ được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ của tổ chức tín dụng và đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng.

2. Loại hình mua bán ngoại tệ phổ biến hiện nay

Căn cứ theo khoản 6 Điều 2 Thông tư 02/2021/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối có quy định như sau:

“6. Loại hình giao dịch ngoại tệ bao gồm: giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay; giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; giao dịch hoán đổi ngoại tệ; giao dịch quyền chọn mua, bán ngoại tệ.

Thuật ngữ “giao dịch ngoại tệ” tại Thông tư này đồng nghĩa với thuật ngữ “giao dịch hối đoái” được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.

7. Giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay (sau đây gọi là giao dịch giao ngay) là giao dịch hai bên cam kết mua, bán một lượng đồng tiền này với một đồng tiền khác với tỷ giá xác định tại thời điểm giao dịch và ngày thanh toán tối đa là 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày giao dịch.

8. Giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn (sau đây gọi là giao dịch kỳ hạn) là giao dịch hai bên cam kết mua, bán một lượng đồng tiền này với một đồng tiền khác với tỷ giá xác định tại thời điểm giao dịch và ngày thanh toán tối thiểu là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày giao dịch.

…”

Theo như quy định này thì đối với giao dịch mua bán ngoại tệ thì hiện nay có giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay (gọi tắt là giao dịch giao ngay) và giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn (gọi tắt là giao dịch kỳ hạn).

III. Giải đáp những câu hỏi liên quan đến mua bán ngoại tệ

1. Mua bán ngoại tệ trái phép thì bị xử lý như thế nào?

Căn cứ Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động ngoại hối như sau:

-Phạt cảnh cáo: Xử phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

-Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

-Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

-Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

-Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

-Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

-Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần

-Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

-Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng 

-Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

-Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương)

-Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bàng ngoại tệ có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật;

-Mua, bán ngoại tệ không đúng tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm đ và điểm m khoản 4 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP; thu phí giao dịch ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật.

-Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng : Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật;

-Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng 

-Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

-Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương)

-Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

-Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng : Không bán ngoại tệ thu được cho tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

-Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng: Thực hiện giao dịch ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với nhau, giữa tổ chức tín dụng với khách hàng không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

2. Tỷ giá mua bán ngoại tệ được xác định như thế nào?

Căn cứ tại Điều 5 Thông 02/2021/TT-NHNN cũng có quy định về đồng tiền giao dịch và tỷ giá giao dịch, trong đó:

“Đồng tiền giao dịch và tỷ giá giao dịch

1. Tổ chức tín dụng được phép phải quy định các loại ngoại tệ giao dịch tại tổ chức tín dụng.

2. Tỷ giá giao ngay giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong giao dịch giao ngay, giao dịch giao ngay trong giao dịch hoán đổi được xác định trên cơ sở tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tại ngày giao dịch và phạm vi biên độ do Ngân hàng Nhà nước quy định.

3. Tỷ giá kỳ hạn giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi do các bên tham gia giao dịch thỏa thuận nhưng không vượt quá mức tỷ giá được xác định trên cơ sở:

a) Tỷ giá giao ngay tại ngày giao dịch;

b) Chênh lệch giữa hai mức lãi suất hiện hành là lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố và lãi suất mục tiêu Đô la Mỹ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Funds Target Rate). Trường hợp lãi suất mục tiêu Đô la Mỹ nằm trong khoảng biên độ thì áp dụng mức lãi suất thấp nhất trong khoảng biên độ đó.

c) Kỳ hạn của giao dịch.

4. Tỷ giá giữa Đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác ngoài Đô la Mỹ và tỷ giá giữa các ngoại tệ với nhau trong giao dịch ngoại tệ do các bên thỏa thuận.

5. Tổ chức tín dụng được phép phải niêm yết tỷ giá giao ngay giữa Đồng Việt Nam và các ngoại tệ trong giao dịch với khách hàng tại các địa điểm giao dịch ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép và trên trang thông tin điện tử chính thức (nếu có). Tổ chức tín dụng được phép thực hiện giao dịch với khách hàng theo tỷ giá niêm yết, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác về tỷ giá áp dụng tại thời điểm giao dịch.”

Theo như quy định trên thì tỷ giá giao ngay (tỷ giá giao dịch mua bán ngoại tệ giao ngay) giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong giao dịch giao ngay, giao dịch giao ngay trong giao dịch hoán đổi được xác định trên cơ sở tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tại ngày giao dịch và phạm vi biên độ do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Đồng thời, Điều 2 Quyết định 2730/QĐ-NHNN năm 2015 có quy định về tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ như sau:

“1. Tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

2. “Tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ” tại Quyết định này là “Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ”.”

Tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ sẽ được công bố thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng theo Điều 1 Quyết định 1747/QĐ-NHNN năm 2022 có quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép, theo đó:

“Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng được phép) thực hiện ấn định tỷ giá mua, tỷ giá bán giao ngay (spot) của đồng Việt Nam với các ngoại tệ theo nguyên tắc sau:

1.Đối với Đô la Mỹ: Không được vượt quá biên độ ± 5% (năm phần trăm) so với tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày giao dịch đó.

2. Đối với các ngoại tệ khác: Do tổ chức tín dụng được phép xác định.

3. Chênh lệch giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán do tổ chức tín dụng được phép xác định.”

Như vậy, Tỷ giá kỳ hạn (giao dịch mua bán ngoại tệ kỳ hạn) giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi do các bên tham gia giao dịch thỏa thuận nhưng không vượt quá mức tỷ giá được xác định trên cơ sở:

-Tỷ giá giao ngay tại ngày giao dịch;

-Chênh lệch giữa hai mức lãi suất hiện hành là lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố và lãi suất mục tiêu Đô la Mỹ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Funds Target Rate). Trường hợp lãi suất mục tiêu Đô la Mỹ nằm trong khoảng biên độ thì áp dụng mức lãi suất thấp nhất trong khoảng biên độ đó.

-Kỳ hạn của giao dịch.

Tỷ giá giữa Đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác ngoài Đô la Mỹ và tỷ giá giữa các ngoại tệ với nhau trong giao dịch ngoại tệ do các bên thỏa thuận.

IV. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến mua bán ngoại tệ

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề mua bán ngoại tệ. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw 

Hotline: 0913449968 

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan