NHẬP KHẨU PHẾ LIỆU LÀM NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT

Khi nền kinh tế phát triển, lượng rác thải thải ra môi trường cũng tăng theo. Điều này tạo ra nhu cầu thu gom và tái chế rác thải để bảo vệ môi trường. Nhiều nước đang phát triển áp dụng các chính sách khuyến khích tái chế, chẳng hạn như miễn thuế hoặc trợ cấp cho các công ty tái chế. Điều này cũng giúp thúc đẩy nhu cầu đối với các công ty kim loại phế liệu. Vậy làm sao để hiểu thế nào là nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và những vấn đề liên quan xoay quanh về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.

I. Thực trạng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Thực trạng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hiện nay đang ngày càng gia tăng. Việc phế liệu được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất đã trở thành một xu hướng phát triển trong nhiều ngành công nghiệp như thép, nhựa, gốm sứ, dệt may và điện tử.

Một số nguyên nhân khiến việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trở nên phổ biến bao gồm:

-Cung cầu không cân đối: Sự gia tăng của ngành công nghiệp và nhu cầu sử dụng phế liệu ngày càng tăng, trong khi nguồn cung phế liệu từ trong nước không đáp ứng đủ. Do đó, nhập khẩu phế liệu là một giải pháp để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

-Giá thành thấp: Phế liệu thường có giá thành thấp hơn so với nguyên liệu mới. Việc nhập khẩu phế liệu từ các nước có nguồn cung dồi dào như Trung Quốc và Hoa Kỳ giúp giảm chi phí sản xuất và tạo ra lợi ích kinh tế.

-Bảo vệ môi trường: Sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất giúp giảm thiểu sự tác động đến môi trường so với việc sử dụng nguồn nguyên liệu mới. Việc nhập khẩu phế liệu từ các nước có quy chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn cũng đáng kể trong việc giảm thiểu ô nhiễm.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu phế liệu cũng gặp một số khó khăn và vấn đề nhất định:

-Chất lượng phế liệu: Nhập khẩu phế liệu có thể gặp phải vấn đề về chất lượng, do không kiểm soát được quy trình tái chế và xử lý phế liệu ở quốc gia xuất xứ. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của sản phẩm cuối cùng.

-Chi phí vận chuyển: Nhập khẩu phế liệu đòi hỏi chi phí vận chuyển cao, đặc biệt khi phế liệu được nhập khẩu từ xa. Việc này có thể ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và lợi nhuận của các doanh nghiệp.

-Sự phụ thuộc: Nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất tạo sự phụ thuộc vào các quốc gia xuất khẩu. Nếu những quốc gia này giảm sản xuất hoặc áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu, sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả phế liệu.

Trên cơ sở những vấn đề trên, việc phát triển và ổn định nguồn cung phế liệu trong nước là một điều cần thiết. Chính phủ cần quyết tâm đầu tư vào công nghệ tái chế và xử lý phế liệu, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và sử dụng phế liệu như một nguồn nguyên liệu cung cấp bền vững cho sản xuất công nghiệp.

II. Quy định pháp luật về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

1. Định nghĩa về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Căn cứ theo quy định tại khoản 27 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 định nghĩa về phế liệu như sau:

Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.

Như vậy, việc nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất là việc dùng phế liệu tại một quốc gia khác nhập khẩu về quốc gia sở tại để làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Phế liệu nhập khẩu là kết quả của quá trình hoạt động thương mại giữa các quốc gia.

2. Điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Căn cứ vào Điều 45 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về yêu cầu về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất như sau:

Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho dự án đầu tư, cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Một số yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường cụ thể được quy định như sau:

+Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định.

+Có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.

+Điều kiện về kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu:

+Kho lưu giữ phế liệu nhập khẩu: 

+Có hệ thống thu gom nước mưa riêng; có hệ thống thu gom và xử lý các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải theo quy định;

+Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ phế liệu được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; sàn bảo đảm kín, chống thấm, chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;

+Có tường và vách ngăn bằng vật liệu không cháy; có mái che nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ phế liệu bằng vật liệu không cháy; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong;

+Bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu:

+Có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn qua bãi phế liệu nhập khẩu và các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải theo quy định;

+Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín, chống thấm, chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;

+Có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ phế liệu

+Có giấy phép môi trường, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất hoặc giấy phép môi trường thành phần là giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

-Trừ trường hợp quy định tại khoản 18 Điều 168 Nghị định 08/2022/NĐ-CP và trường hợp nhập khẩu phế liệu phát sinh từ hoạt động của khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.

+Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 46 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

+Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa khẩu nhập hoặc cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu; được lựa chọn địa điểm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu tại cửa khẩu nhập hoặc tại cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu hoặc tại cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu.

Phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi đáp ứng các yêu cầu

-Phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên Bản lược khai hàng hóa (E-Manifest) có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản 4 Điều này còn hiệu lực và còn khối lượng phế liệu nhập khẩu;

+ Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên E-Manifest có Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu đối với phế liệu ghi trên E-Manifest theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 46 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

+ Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra các thông tin quy định tại điểm a và b khoản này trước khi cho phép dỡ phế liệu xuống cảng.

Đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

+ Tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: Tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật; tổ chức giám định nước ngoài được thừa nhận theo quy định của pháp luật;

+ Tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường được cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam sau khi đã đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quy định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh đánh giá sự phù hợp và các quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành.

+ Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất khai thông tin, nộp hồ sơ chứng từ điện tử và làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan. Ngoài những hồ sơ theo quy định của pháp luật về hải quan, hồ sơ phế liệu nhập khẩu phải có các tài liệu sau đây:

+ Chứng chỉ chất lượng của nước xuất khẩu (nếu có); giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có); ảnh hoặc bản mô tả phế liệu;

+ Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu (bản quét từ bản chính có xác thực chữ ký điện tử của tổ chức, cá nhân nhập khẩu);

+ Chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu;

+ Văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

3. Cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 31 Luật môi trường 2020 có quy định cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất như sau:

“1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:

b) Đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.”

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

III. Một số thắc mắc về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

1. Mọi chủ thể đều được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Căn cứ Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định:

“1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu;

b) Có giấy phép môi trường;

c) Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác;

d) Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.”

Theo Điều 5 và Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì phế liệu, phế thải là một trong những đối tượng hàng hóa cấm nhập khẩu.

Như vậy, không phải mọi chủ thể đều được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Nhưng nếu tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình thì vẫn được phép nhưng phải tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường như quy định trên.

Có phải xin giấy phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất không?

2. Có phải xin giấy phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất không?

Căn cứ Khoản 2 Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường 2020 tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

- Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu;

- Có giấy phép môi trường;

- Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác;

- Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Như vậy, theo quy định như trên, để nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải có giấy phép môi trường và đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định như trên.

3. Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường khi doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hết hạn vào giữa năm thì có được sử dụng đến hết năm không?

Căn cứ khoản 18 Điều 168 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có quy định liên quan đến giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất như sau:

“Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường thành phần là giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã hết hạn hoặc còn hiệu lực dưới 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được kéo dài thời hạn hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần này đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, trừ trường hợp cơ sở sản xuất trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã giải thể, phá sản hoặc trường hợp cơ sở bị xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng chưa chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa hoàn thành việc khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ban hành văn bản thông báo danh sách tổ chức, cá nhân được kéo dài thời hạn có hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản này, trong đó xác định rõ thời gian kéo dài, chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu dựa trên các căn cứ sau đây: chủng loại phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải phù hợp với giấy phép môi trường thành phần và Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành; khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất được xác định cụ thể theo số tháng còn lại nhưng không quá 12 tháng của thời gian kéo dài giấy phép môi trường thành phần đã được cấp. Văn bản thông báo nêu trên phải được gửi cho tổ chức, cá nhân để biết; đồng thời gửi tới Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi có cơ sở sử dụng trực tiếp phế liệu nhập khẩu và Tổng cục Hải quan để giám sát việc thực hiện.”

Như vậy, theo quy định trên, pháp luật hiện hành đã kéo dài thời hạn hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần này đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Đồng thời, tại khoản này cũng có quy định:

"Tổ chức, cá nhân được kéo dài giấy phép môi trường thành phần theo quy định tại khoản này có các trách nhiệm sau đây:

a) Bảo đảm cơ sở sản xuất trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất của mình đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại Điều 45 Nghị định này;

b) Sau thời gian kéo dài hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần, tổ chức, cá nhân phải có giấy phép môi trường theo quy định của Nghị định này."

Như vậy, khi được kéo dài thời hạn có hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần  cần đảm bảo tuân thủ đúng những quy định nêu trên.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan