Thiết kế bố trí (thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử trong mạch tích hợp bán dẫn. Đây là thiết kế thuộc sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức và là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, vì một số nhu cầu cá nhân hoặc bắt buộc mà chủ sở hữu sở hữu thiết kế bố trí có nhu cầu hoặc phải chuyển nhượng thiết kế bố trí của mình cho một cá nhân, tổ chức khác. Việc chuyển nhượng thiết kế bố trí phải được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng bằng văn bản. Vậy khi xác lập hợp đồng bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng cần lưu ý những điều gì? Sau đây mời các bạn đọc giả tìm hiểu cùng NPLaw về hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí, để đảm bảo quyền lợi và biết về nghĩa vụ hợp đồng.
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí là văn bản pháp lý giữa hai bên, trong đó bên chuyển nhượng (thường là nhà thiết kế hoặc công ty thiết kế) đồng ý chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một thiết kế bố trí cụ thể cho bên nhận chuyển nhượng (khách hàng hoặc đơn vị sử dụng thiết kế). Việc xác lập hợp đồng phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm: bao gồm: Chuyển nhượng quyền sở hữu thiết kế bố trí (bên chuyển nhượng chuyển giao quyền sở hữu đối với thiết kế bố trí của mình cho tổ chức hoặc cá nhân khác); Chuyển nhượng quyền sử dụng thiết kế bố trí (bên chuyển nhượng cho phép tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện một hoặc một số hành vi thuộc quyền sử dụng lên thiết kế bố trí của mình). Các cơ sở pháp lý làm căn cứ cho hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí:
Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2022: Điều này bao gồm các quy định về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Luật này bảo vệ quyền của nhà thiết kế đối với sản phẩm trí tuệ mà họ tạo ra và quy định về việc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ luật Dân sự 2015: Các quy định trong Luật Dân sự thường điều chỉnh các giao dịch hợp đồng, bao gồm nguyên tắc tự do ký kết hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.
Luật Thương mại 2005, sửa đổi, bổ sung 2017, 2019: Nếu hợp đồng liên quan đến hoạt động kinh doanh, Luật Thương mại sẽ áp dụng, quy định về các giao dịch thương mại và trách nhiệm của các bên trong thương mại.
Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi, bổ sung 2020: Nếu thiết kế bố trí liên quan đến xây dựng công trình, các quy định trong Luật Xây dựng cũng cần được xem xét để đảm bảo tính hợp pháp của thiết kế.
Các văn bản hướng dẫn thi hành: Các nghị định, thông tư, và các văn bản hướng dẫn liên quan khác có thể bổ sung và làm rõ các quy định trong các luật trên.
Hợp đồng được xây dựng trên cơ sở tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Việc xác lập hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí cũng không ngoại lệ, điều đó mang lại ý nghĩa quan trọng cho việc chuyển giao quyền sở hữu, có thể kể đến một số vai trò nhất định của hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí như sau:
Bảo vệ quyền lợi: Hợp đồng xác định rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng thiết kế, giúp bảo vệ quyền lợi của cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Bởi trong hợp đồng sẽ được cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia.
Minh bạch giao dịch: Hợp đồng giúp tạo sự rõ ràng trong các điều khoản và điều kiện, giảm thiểu rủi ro tranh chấp giữa các bên.
Đảm bảo chất lượng: Qua việc xác định trách nhiệm của các bên, hợp đồng đảm bảo rằng thiết kế được chuyển giao đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu của bên nhận. Khi nhận được thiết kế thông qua hợp đồng có thể kiểm định được nhưng thông số của bản thiết kế bố trí.
Hỗ trợ quản lý dự án: Hợp đồng quy định thời gian thực hiện và các mốc quan trọng, giúp các bên theo dõi tiến độ và quản lý dự án hiệu quả, đối với trường hợp thiết kế được chuyển nhượng đang trong quá trình hình thành.
Cơ sở pháp lý: Trong trường hợp có tranh chấp, hợp đồng trở thành bằng chứng pháp lý để giải quyết mâu thuẫn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên.
Thúc đẩy sự hợp tác: Hợp đồng tạo ra một khuôn khổ hợp tác rõ ràng, khuyến khích các bên làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chung, thể hiện sự thân thiện và tạo động lực cho sự hợp tác lâu dài.
Từ đó có thể thấy việc xác lập hợp đồng chuyển nhượng thiết kế mang một tầm quan trọng trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu và sử dụng đối với sở hữu công nghiệp của các chủ thể tham gia.
Khi soạn thảo bất kỳ loại hợp đồng nào, chủ thể tham gia phải luôn chú ý cơ sở pháp lý xây dựng nên hợp đồng cũng như căn cứ vào đặc điểm của hợp đồng để tạo lập nên các điều khoản chính xác và đầy đủ nhất, sau đây là một số nội dung chính của hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí các bạn có thể tham khảo cho quá trình xác lập:
Thông tin chủ thể tham gia hợp đồng (bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng - cá nhân, tổ chức)
Đối tượng, mục đích của hợp đồng (Tên thiết kế, tác giả, chủ sở hữu,...)
Quyền sở hữu trí tuệ: quy định về quyền sở hữu và sử dụng thiết kế: khả năng sửa đổi, tái sử dụng và chuyển nhượng lại.
Giá trị hợp đồng: mức phí chuyển nhượng và điều khoản thanh toán: thời hạn và phương thức thanh toán.
Thời hạn thực hiện hợp đồng: Thời hạn bàn giao và các mốc thời gian cần được chú trọng trong quá trình thực hiện hợp đồng chuyển nhượng.
Quyền và nghĩa vụ của các bên: bên chuyển nhượng đảm bảo về chất lượng của thiết kế và trách nhiệm bên nhận chuyển nhượng trong việc sử dụng đúng mục đích thiết kế.
Các điều khoản về bảo mật thông tin thiết kế
Cách thức giải quyết tranh chấp
Các điều khoản chung: tạm dừng, chấm dứt hợp đồng, bổ sung, thay đổi và điều kiện bất khả kháng.
Các bạn có thể tham khảo mẫu hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí mới nhất hiện nay tại đây:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG THIẾT KẾ BỐ TRÍ
(Số:….. /HĐ)
Căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ vào nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu của Bên chuyển nhượng và Bên nhận chuyển nhượng.
Hôm nay, ngày…/…/….tại ….. Chúng tôi gồm:
Bên chuyển nhượng (Bên A):
(Đối với cá nhân)
Họ và tên:…..
(Trong trường hợp có đồng chủ sở hữu thì phải kèm theo thoả thuận uỷ quyền bằng văn bản thể hiện ý chí chung của tất cả các đồng chủ sở hữu cho người đại diện ký hợp đồng)
Giấy CMND/CCCD/hộ chiếu số:…..
Ngày cấp:….. tại …..
Quốc tịch:…..
Địa chỉ:…..
Điện thoại:…...Email:…..
Là chủ sở hữu đối với thiết kế bố trí:…..
(Đối với tổ chức)
Tên tổ chức:…..
Mã số doanh nghiệp:…..
Ngày cấp….. tại…..
Địa chỉ:…..
Điện thoại:…..Fax….. Email:…..
Người đại diện của tổ chức:…..
Chức vụ:…..
Là chủ sở hữu đối với thiết kế bố trí:…..
Bên nhận chuyển nhượng (Bên B):
(Đối với cá nhân)
Họ và tên:…..
Giấy CMND/CCCD/hộ chiếu số:…..
Ngày cấp:….. tại…..
Quốc tịch:…..
Địa chỉ:…..
Điện thoại:….. Email:…..
(Đối với tổ chức)
Tên tổ chức:…..
Mã số doanh nghiệp: …..
Ngày cấp….. tại…..
Địa chỉ:…..
Điện thoại:…..Fax…...Email:…..
Người đại diện của tổ chức:…..
Chức vụ:…..
Hai bên cùng thoả thuận và ký hợp đồng với các điều khoản sau:
Điều 1: Đối tượng của hợp đồng
Bằng văn bản này, Bên A đồng ý cho bên B thực hiện quyền …..(quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng; ngăn cấm người khác sử dụng; định đoạt) đối với thiết kế bố trí thuộc quyền sở hữu của mình dưới đây:
Tên thiết kế bố trí:…..
Họ và tên tác giả thiết kế bố trí:…..
(Trường hợp có nhiều thiết kế bố trí, nhiều tác giả thì phải ghi đầy đủ tên thiết kế bố trí, tác giả hoặc có thể lập danh mục riêng kèm theo Hợp đồng.)
Chủ sở hữu thiết kế bố trí:…..
(Trường hợp có nhiều chủ sở hữu thiết kế bố trí thì phải ghi đầy đủ tên chủ sở hữu hoặc có thể lập danh mục riêng kèm theo Hợp đồng)
Bằng độc quyền thiết kế bố trí số:…….cấp ngày…..
Điều 2: Quyền và nghĩa vụ của các bên
Quyền và nghĩa vụ của Bên A: …..
Quyền và nghĩa vụ của Bên B: …..
Điều 3: Thanh toán
Bên B phải thanh toán tiền cho bên A theo phương thức sau:
Giá chuyển nhượng:…...đồng (Bằng chữ…..đồng)
Hình thức thanh toán: …..
Cách thức thanh toán:…..
Thời gian thanh toán: …..
Địa điểm thanh toán:…..
Điều 4: Thi hành
Kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, Bên A không được chuyển nhượng, sử dụng, cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng thiết kế bố trí đã chuyển nhượng ghi tại Điều 1 Hợp đồng này.
Điều 5: Cam kết
Các bên có nghĩa vụ thực hiện các cam kết tại Hợp đồng này. Bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại bên kia. (Các bên có thể thỏa thuận về việc bồi thường theo tỉ lệ % trên giá trị hợp đồng hoặc một khoản tiền nhất định)
Điều 6: Giải quyết tranh chấp
Tất cả những tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc liên quan đến nội dung hợp đồng được giải quyết thông qua thỏa thuận trực tiếp giữa hai bên. Nếu thoả thuận không đạt kết quả, một trong hai bên có thể nộp đơn yêu cầu Trọng tài hoặc khởi kiện tại Toà án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.
Điều 7: Sửa đổi, bổ sung hợp đồng
Những sửa đổi hoặc bổ sung liên quan đến hợp đồng phải có sự thoả thuận bằng văn bản của hai bên.
Điều 8: Hiệu lực
Hợp đồng này có hiệu lực từ…..
Hợp đồng này được lập thành …..bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ…..bản.
Bên A Bên B
(Ghi rõ họ tên và ký) (Ghi rõ họ tên và ký)
Tranh chấp hợp đồng là điều mà các chủ thể tham gia giao kết không ai mong muốn xảy ra nhưng vì một số lý do nhất định mà khả năng thực hiện hợp đồng không còn theo như thỏa thuận, mục đích của hợp đồng không đạt được dẫn đến các bên xảy ra tranh chấp và khi đó cần một cơ quan đứng ra giải quyết, đưa ra quyết định cuối cùng cho tranh chấp. Vậy thì cơ quan nào sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí?
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí?
Theo đó đối với hợp đồng chuyển nhượng bố trí thì việc giải quyết sẽ phụ thuộc vào các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng cũng như quy định pháp luật. Nếu như trong hợp đồng có thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp (Tòa án, trọng tài), thì cơ quan giải quyết sẽ thực hiện theo thỏa thuận. Trường hợp, hai bên chọn giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, thì tranh chấp sẽ được đưa ra trọng tài thương mại theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc không thể giải quyết qua trọng tài, một trong các bên có thể khởi kiện tại Tòa án. Cơ quan có thẩm quyền sẽ là Tòa án nơi một bên cư trú hoặc nơi có trụ sở. Bên cạnh đó đối với các trường hợp đặc biệt, có thể cần phải liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ như Cục Sở hữu trí tuệ.
Tóm lại, việc cơ quan giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và nếu trong hợp đồng có sự thỏa thuận thì cơ quan giải quyết phụ thuộc vào thỏa thuận.
Khi mà mục đích của hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí không đạt được hoặc một trong các bên có sự vi phạm hợp đồng dẫn đến việc không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng thì bên còn lại có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí, sau đây có thể kể đến một số trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí:
Vi phạm nghĩa vụ nghiêm trọng của hợp đồng: một bên trong hợp đồng vi phạm các điều khoản mà không khắc phục trong thời hạn thỏa thuận, chẳng hạn như: chất lượng thiết kế không đảm bảo theo kiểm định, không bàn giao thiết kế, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận,..
Sự thay đổi trong điều kiện kinh doanh hoặc các yếu tố khách quan (như thiên tai, dịch bệnh) ảnh hưởng đến khả năng thực hiện hợp đồng, nếu trong hợp đồng có quy định cho phép.
Một bên không còn đủ năng lực pháp lý để thực hiện hợp đồng: bị phá sản hoặc bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi.
Mục đích của hợp đồng không còn khả thi hoặc không đạt được do lý do khách quan mà không phải lỗi của bên nào.
Các bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng theo cách tự nguyện mà không cần lý do cụ thể.
Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng cần thông báo cho bên kia bằng văn bản và tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng và pháp luật để tránh xảy ra tranh chấp.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch văn bản, giấy tờ từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại, có thể kể đến như hợp đồng về nhà ở, hợp đồng về quyền sử dụng đất, các loại văn bản khác. Ngoài các hợp đồng thuộc nhóm bắt buộc công chứng thì việc công chứng phụ thuộc vào sự thỏa thuận của cá nhân, tổ chức xác lập hợp đồng. Do đó, có thể thấy hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí là loại hợp đồng không nhất thiết phải công chứng. Tuy nhiên, nếu các bên có nhu cầu và để đảm bảo tính pháp lý cũng như tăng cường bảo vệ quyền lợi, hạn chế rủi ro tranh chấp thì có thể xem xét việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về hợp đồng chuyển nhượng thiết kế bố trí. Công ty Luật TNHH Ngọc Phú hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất nhé.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn