Thực tế hiện nay, không thể phủ nhận được rằng, sự ra đời của bao bì thực phẩm là bước tiến mới trong hoạt động sản xuất và lưu thông. Vậy làm sao để hiểu thế nào là bao bì thực phẩm? Những vấn đề liên quan đến bao bì thực phẩm hiện nay như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.
I. Thực trạng về bảo bì thực phẩm
Bao bì thực phẩm được dùng để chứa đựng, bao gói thực phẩm nó giúp hạn chế được những tác động bên ngoài lên thực phẩm, tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển, bảo vệ tính toàn vẹn của thực phẩm. Thực tế hiện nay, ngành công nghiệp bao bì đã và đang phát triển không ngừng các loại vật liệu sản xuất bao bì cũng được nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, dù thế nào chúng chỉ phát huy hiệu quả khi không tác động, ảnh hưởng xấu đến chất lượng thực phẩm.
.jpg)
II. Quy định pháp luật về bao bì thực phẩm
1. Quy định về nguyên liệu sản xuất bao bì thực phẩm
Căn cứ theo khoản 1 Điều 18 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định về nguyên liệu sản xuất bao bì thực phẩm: “Sản xuất từ nguyên vật liệu an toàn, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào thực phẩm, bảo đảm chất lượng thực phẩm trong thời hạn sử dụng.”
Như vậy, theo quy định trên bao bì thực phẩm bắt buộc phải được sản xuất từ nguyên liệu an toàn, đảm bảo không thôi nhiễm những chất độc hại và gây ra mùi vị lạ cho cho thực phẩm. Đồng thời, bao bì phải duy trì được chất lượng của thực phẩm trong thời gian sử dụng. Chất liệu làm ra bao bì phải tuân thủ đúng quy định của Bộ Y Tế về thành phần, hàm lượng.
Bên cạnh đó, các trang thiết bị và dụng cụ sản xuất nên loại bao bì này cũng phải tuân thủ đúng quy định. Đối với các bao bì thực phẩm có in ấn hình ảnh và chữ lên trên phải được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo không gây thôi nhiễm vào thực phẩm và không in ấn vào mặt trong của bao bì (ngoại trừ trường hợp cơ quan chức năng đã kiểm tra và cho phép sử dụng loại mực in này).

2. Một số quy chuẩn kỹ thuật mà bao bì thực phẩm phải đáp ứng
Tùy thuộc vào các loại bao bì thực phẩm khác nhau sẽ có các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Dưới đây là một số quy chuẩn kỹ thuật cho một số loại bao bì thực phẩm thông dụng:
- QCVN 12-1:2011/BYT – Quy chuẩn về an toàn vệ sinh đối với bao bì – dụng cụ bằng nhựa tổng hợp tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
- QCVN 12-2:2011/BYT – Quy chuẩn về vệ sinh an toàn đối với bao bì – dụng cụ bằng cao su tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
- QCVN 12-3:2011/BYT – Quy chuẩn về vệ sinh an toàn đối với bao bì – dụng cụ bằng kim loại tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
- QCVN 12-4:2015/BYT – Quy chuẩn về vệ sinh an toàn đối với bao bì – dụng cụ làm bằng thủy tinh, gốm, sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
3. Thủ tục tự công bố chất lượng bao bì
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 15/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 và khoản 1 Điều 3 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, thủ tục tự công bố chất lượng bao bì gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ công bố bao bì chứa đựng thực phẩm, gồm những giấy tờ được quy định sau:
- Bản tự công bố sản phẩm theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP
- Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế (bản chính hoặc bản sao chứng thực)
Bước 2: Nộp hồ sơ lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm
- Trong trường hợp chưa có Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân nộp 01 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ định để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận
Bước 3: Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.
Lưu ý:
- Các tài liệu trong hồ sơ tự công bố bao bì sản phẩm phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng. Tài liệu phải còn hiệu lực tại thời điểm tự công bố.
- Trường hợp bao bì thực phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải tự công bố lại sản phẩm.
- Nếu không phải thuộc trường hợp thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo mà là có sự thay đổi khác, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.
4. Xử phạt không đảm bảo vệ sinh an toàn bao bì thực phẩm
Căn cứ Điều 8 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh bao bì thực phẩm sẽ bị phạt tiền, ngoài còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc hại để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế; hoặc buộc tiêu hủy dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này.
Lưu ý rằng, đây là mức phạt đối với cá nhân, đối với tổ chức doanh nghiệp mức xử phạt sẽ gấp đôi.
III. Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến bao bì thực phẩm
1. Trên bao bì thực phẩm có bắt buộc có thông tin của nhà sản xuất không?
Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP có quy định về nhãn hàng hóa trên bao bì thực phẩm bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
- Tên hàng hóa;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa (áp dụng với hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam); Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài (áp dụng với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam).
- Xuất xứ hàng hóa.
Như vậy, từ quy định trên có thể khẳng định trên bao bì sản phẩm bắt buộc phải có thông tin của nhà sản xuất.
2. Hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì như thế nào?
Theo Khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về hình thức thực hiện tái chế sản phẩm gồm:
- Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì;
- Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Căn cứ theo quy định tại Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP về hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì cụ thể như sau:
- Nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn một trong hai hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế trên cho một hoặc một nhóm sản phẩm, bao bì quy định tại Cột 3 Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định này.
- Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu tự quyết định việc tái chế theo các cách thức sau đây:
- Tự thực hiện tái chế;
- Thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế;
- Ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế (sau đây viết tắt là bên được ủy quyền);
- Kết hợp cách thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
- Nhà sản xuất, nhập khẩu tự thực hiện tái chế phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; không tự thực hiện tái chế khi không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Đơn vị tái chế được nhà sản xuất, nhập khẩu thuê để thực hiện tái chế phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Bên được ủy quyền tổ chức tái chế phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Có tư cách pháp nhân và được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Không trực tiếp tái chế và không có quan hệ sở hữu với bất kỳ đơn vị tái chế nào liên quan đến phạm vi được ủy quyền;
- Được ít nhất 03 nhà sản xuất, nhập khẩu đồng ý ủy quyền tổ chức tái chế.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách tổ chức, đơn vị tái chế, bên được ủy quyền để nhà sản xuất, nhập khẩu biết, lựa chọn. Nhà sản xuất, nhập khẩu không thuê đơn vị tái chế hoặc bên được ủy quyền khi không bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thì không phải thực hiện các cách thức tái chế.
- Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng có trách nhiệm tạo điều kiện và hỗ trợ nhà sản xuất, nhập khẩu, đơn vị tái chế, bên được ủy quyền trong việc phân loại, thu gom sản phẩm, bao bì sau tiêu dùng trên địa bàn.
IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến bao bì thực phẩm
Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề bao bì thực phẩm. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn