Quy định pháp luật về bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu

Ca múa nhạc sân khấu nghệ thuật là một trong những phần quan trọng của nghệ thuật, trong quá trình biểu diễn người nghệ sĩ thường tập trung chủ yếu vào việc diễn tả và truyền đạt cảm xúc, ý nghĩa hoặc một thông điệp nhất định thông qua ngôn ngữ cơ thể, thay vì sử dụng lời nói, ca múa nhạc sân khấu sử dụng sự tương tác cơ thể và vũ đạo để truyền tải thông điệp, từ đó tạo ra nhiều trải nghiệm cảm xúc cho quý khán giả. Nghệ thuật ca múa nhạc sân khấu thông thường được hình thành từ cách ứng xử của con người trong đời sống hằng ngày, trong quá trình quan sát thiên nhiên và trong quá trình lao động. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu về văn hóa và truyền thông ngày càng được nâng cao, vì vậy mà hoạt động ca múa nhạc sân khấu được nhiều người quan tâm, với sức lan tỏa mạnh mẽ các truyền thống văn hóa giá trị lịch sử, tạo ra bản sắc chung của cộng đồng, thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nghệ sĩ múa, khả năng làm việc nhóm, thấu hiểu và tương tác thông qua màn biểu diễn đẹp mắt và ấn tượng, đem đến nhiều trải nghiệm cảm xúc cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ đi sâu phân tích quy định của pháp luật về kinh doanh bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

I. Nhu cầu kinh doanh bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu hiện nay

Xã hội ngày càng phát triển, âm nhạc nói chung và ca múa nhạc sân khấu, điện ảnh nói riêng đã và đang trở thành hình thức giải trí phổ biến với mọi lứa tuổi khác nhau, từ người già cho tới trẻ em. Kéo theo đó là ngành âm nhạc, sản xuất âm nhạc, sản xuất bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, điện ảnh cũng ngày càng được nhiều nhà kinh doanh hướng tới, quan tâm. Trên thực tế, âm nhạc có sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy tinh thần xã hội, là biểu tượng của những vấn đề xã hội, âm nhạc thể hiện và truyền tải thông điệp về tình yêu, hòa bình, đoàn kết của nhân loại và thậm chí là các vấn đề phức tạp trong xã hội. Âm nhạc có nhịp điệu, giai điệu dịu dàng hoặc mạnh mẽ, có khả năng chuyển tải tình cảm và thông điệp dữ liệu sâu sắc tới người xem, tác động tích cực đến tâm hồn, tâm lý và sức khỏe của con người, đây được xem là nguồn cảm hứng và là sự kết nối mọi người trong toàn thể cộng đồng. Vì vậy, nhu cầu kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu ngày càng phát triển.

II. Các quy định liên quan đến bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu

1. Bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu là gì?

 Bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu là gì?

Hiện nay, chưa có bất kỳ điều luật nào đưa ra khái niệm cụ thể về "bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu", chỉ có khái niệm chung về bản ghi âm, ghi hình. Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 3 của Nghị định 17/2023/NĐ-CP, có đưa ra khái niệm về bản ghi âm, ghi hình. Theo đó: Bản ghi âm, ghi hình là bản định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc định hình các âm thanh, hình ảnh khác hoặc việc định hình sự tái hiện lại các âm thanh, hình ảnh không phải dưới hình thức định hình gắn với một số tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự. Bản ghi âm, ghi hình có thể là bản ghi nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh truyền hình, trên không gian mạng; bản ghi chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật; bản ghi lại hoạt động của một người hoặc nhiều người, mô tả lại sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.

Như vậy, có thể tự đưa ra khái niệm về bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu như sau: Bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu là bản định hình lại âm thanh, hình ảnh của hoạt động biểu diễn ca múa nhạc trên sân khấu, nhằm mục đích ghi lại hoạt động của một nghệ sĩ hoặc nhiều nghệ sĩ khác nhau, phổ biến hoạt động ca múa nhạc trên truyền hình hoặc trên không gian mạng.

2. Điều kiện cấp giấy phép phê duyệt bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu

Bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu là một trong những hình thức của ghi hình có chứa nội dung biểu diễn nghệ thuật. Căn cứ theo quy định tại Điều 22 và 23 Nghị định 144/2020/NĐ-CP, có quy định về vấn đề lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật, theo đó để được cấp giấy phép phê duyệt bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thì cần phải tuân thủ theo một số điều kiện như sau:

Thứ nhất, phải là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; tổ chức và cá nhân đã thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, thực hiện thủ tục lưu chiểu căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 144/2020/NĐ-CP. Theo đó, lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình có chứa nội dung biểu diễn nghệ thuật nhằm mục đích thương mại cần phải tuân thủ theo nội dung như sau:

+ Tổ chức, cá nhân nộp lưu chiểu ít nhất trong khoảng thời gian 10 ngày trước khi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có chứa nội dung biểu diễn nghệ thuật nhằm mục đích thương mại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể: Bản ghi âm, bản ghi hình của tổ chức thuộc cơ quan trung ương sẽ nộp đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; còn đối với bản ghi âm, ghi hình của các tổ chức, cá nhân thuộc địa phương thì sẽ được nộp đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Tiếp nhận lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân gửi tờ khai nộp lưu chiểu theo mẫu do pháp luật quy định (hiện nay đang được thực hiện theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP), kèm theo hai bản ghi âm, ghi hình bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tuyến đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời điểm nộp lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận lưu chiểu đối với bản ghi âm, ghi hình đó.

3. Thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép phê duyệt bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu

Trước đây, thủ tục và hồ sơ xin cấp giấy phép phê duyệt bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Nghị định 79/2012/NĐ-CP (nay đã hết hiệu lực pháp luật). Hiện nay, thủ tục và thành phần hồ sơ cấp giấy phép duyệt bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có thể áp dụng theo điểm c khoản 2 Điều 8 của Thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL. Cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Thương nhân đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung (Mẫu 04 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL);

- Danh mục tác giả, tác phẩm, người biểu diễn;

- Bản nhạc và lời hoặc kịch bản văn học (đối với tác phẩm nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt do đơn vị dịch thuật có tư cách pháp nhân chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch);

- Bản ghi âm, ghi hình có nội dung ca múa nhạc, sân khấu;

Bước 2: Nộp hồ sơ và giải quyết hồ sơ. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có văn bản thông báo cho Thương nhân đề nghị bổ sung đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cấp giấy phép phê duyệt nội dung. 

Bước 3: Trả kết quả. Trong trường hợp không cấp giấy phép phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu

1. Mẫu văn bản đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu?

Mẫu văn bản đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu hiện nay được thực hiện theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL. Cụ thể như sau:

TÊN THƯƠNG NHÂN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu nhập khẩu

Kính gửi:

- Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh/thành phố

1. Tên thương nhân (ghi rõ tên đầy đủ và tên viết tắt): …

- Điện thoại: … 

- Fax: …

- Email: ...

2. Địa chỉ: …

3. Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ...) số …

4. Hồ sơ kèm theo (liệt kê các tài liệu kèm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL).

5. Căn cứ Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quản lý mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và căn cứ quy định của pháp luật về quản lý, lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu;

Đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và phê duyệt nội dung chương trình bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đề nghị cấp phép nhập khẩu dưới đây:

- Tên chương trình: …

- Thời lượng chương trình (số phút): …

- Người chịu trách nhiệm chương trình: …

6. Chúng tôi xin cam kết:

- Thực hiện đúng các quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

- Chịu trách nhiệm về mọi vi phạm pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan.

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đề nghị cấp giấy phép./.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA THƯƠNG NHÂN

(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên đối với tổ chức)

(Ký, ghi rõ họ tên đối với cá nhân)

2. Nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu cho cơ quan nào?

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL thì: Các thương nhân có nhu cầu đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến:

-Cục Nghệ thuật biểu diễn  tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu do các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương nhập khẩu.;

-Hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận hồ sơ và cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu do các đối tượng còn lại.

3. Đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu mất bao lâu?

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL thì thời gian đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu được thực hiện trong thời gian như sau:

-Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có văn bản thông báo cho Thương nhân đề nghị bổ sung đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

-Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cấp giấy phép phê duyệt nội dung. Trường hợp không cấp giấy phép phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có được đăng ký bản quyền không? Tại sao cần phải đăng ký?

Bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu hoàn toàn có thể được đăng ký bản quyền trong trường hợp đáp ứng được đầy đủ điều kiện bảo hộ theo quy định tại Điều 13 của Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022, cụ thể như sau:

+ Là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và cũng là chủ sở hữu của tác phẩm;

+ Là cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam, nước ngoài có tác phẩm được công bố đồng thời tại Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày tác phẩm được công bố lần đầu ở quốc gia khác;

+ Là cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam tôi chiên chưa được công bố ở bất kỳ quốc gia nào;

+ Là cá nhân và tổ chức nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế về quyền tác giả mà nước Việt Nam là thành viên.

Hơn nữa, bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu cần phải đăng ký bản quyền vì những lý do sau:

+ Đảm bảo cho người sáng tạo, sáng tác ra tác phẩm đó chống lại các hành vi sử dụng tác phẩm trái phép, tạo ra tác phẩm có giá trị sáng tạo, có sự lao động về trí tuệ, thời gian và tài chính;

+ Là sự chứng nhận cho sự sáng tạo của con người, là phần thưởng xứng đáng và động viên tinh thần cho người sáng tạo;

+ Tránh trường hợp xảy ra tranh chấp;

+ Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền cũng được coi là tài sản trong quá trình góp vốn, chuyển nhượng trên thực tế.

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc có liên quan đến bản ghi hình ca múa nhạc, sân khấu mà công ty NPLAW gửi đến quý độc giả. Nếu quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Website: nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan