QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ĐĂNG KÝ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ

 

Quyền tác giả đang là một vấn đề nóng, thu hút nhiều sự quan tâm khi việc xâm phạm quyền tác giả ngày càng trở thành vấn nạn trong xã hội hiện nay với rất nhiều cách thức khác nhau. Để tránh những tình trạng đánh cắp, sao chép… thì một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Vậy đăng ký bảo hộ quyền tác giả là gì? Hiện nay, những vấn đề xoay quanh đến việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả diễn ra như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.

I. Thực trạng đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của quá trình công nghiệp hóa, vai trò của các sản phẩm sở hữu trí tuệ ngày càng được nâng cao và không ngừng gia tăng. Đi đôi với sự phát triển đó, ý thức đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của cá nhân và tổ chức cũng ngày càng được chú trọng. Trong đó, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả cũng không ngoại lệ. Đây được xem là biện pháp để bảo vệ tài sản thành quả lao động trí tuệ của các cá nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế cạnh tranh như hiện nay.

Bảo hộ quyền tác giả là gì?II. Đăng ký bảo hộ quyền tác giả được hiểu như thế nào?

1. Bảo hộ quyền tác giả là gì?

Bảo hộ quyền tác giả là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác lập, công nhận và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do họ sáng tạo. Trong trường hợp, những cá nhân hay tổ chức có các hành vi xâm phạm đến quyền tác giả sẽ bị pháp luật xử lý. 

2. Tại sao phải bảo hộ quyền tác giả?

Ngày nay khi mà việc xâm phạm quyền tác giả ngày càng trở nên phổ biến thậm chí trở thành vấn nạn thì bảo hộ quyền tác giả là hết sức cần thiết. Khi các hành vi lạm dụng, trộm cắp các ý tưởng, tác phẩm ngày càng nhiều và tinh vi thì việc bảo hộ quyền tác giả được xem là cơ sở để bảo vệ quyền công dân khi họ đã bỏ ra thời gian, sức lực, chất xám của mình để sáng tạo các tác phẩm phục vụ cho đời sống tinh thần của xã hội. Đồng thời, qua việc bảo hộ còn nhằm khuyến khích các tác giả tham gia, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, tạo nên một nền kinh tế tri thức lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích cho những chủ thể sáng tạo, xử lý những hành vi xâm phạm quyền tác giả qua đó bảo đảm công bằng giữa lợi ích của công dân và lợi ích của xã hội.

Đối tượng nào được đăng ký bảo hộ quyền tác giả?III. Đối tượng nào được đăng ký bảo hộ quyền tác giả?

Đối tượng được bảo hộ quyền tác giả là các tác phẩm – sản phẩm được “sáng tạo” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký được bảo hộ kể từ thời điểm tác phẩm ấy được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.

Căn cứ theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 6, Điều 7 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: 

- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác như:

  • Tác phẩm văn học, khoa học và tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết bao gồm: Tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn; bút ký, ký sự, tùy bút, hồi ký; thơ, trường ca; kịch bản; công trình nghiên cứu văn hoá, văn học, nghệ thuật, khoa học và các bài viết khác;
  •  Sách giáo khoa là tác phẩm được xuất bản, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông;
  • Giáo trình là tài liệu giảng dạy, học tập, nghiên cứu chính có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp duyệt, lựa chọn hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
  • Tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác là tác phẩm thể hiện bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà cá nhân, tổ chức tiếp cận có thể hiểu và sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau.

- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.

- Tác phẩm báo chí là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.

- Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

- Tác phẩm sân khấu là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa, múa rối, múa đương đại, ba lê, kịch nói, opera, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

- Tác phẩm điện ảnh là tác phẩm có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó.

- Tác phẩm điện ảnh không bao gồm bản ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; bản ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.

- Tác phẩm mỹ thuật là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục bao gồm:

  • Hội họa: Tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, giấy dó và các chất liệu khác;
  • Đồ họa: Tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su, khắc thạch cao, in độc bản, in đá, in lưới, tranh cổ động, thiết kế đồ họa và các chất liệu khác;
  • Điêu khắc: Tượng, tượng đài, phù điêu, đài, khối biểu tượng;
  • Nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện nghệ thuật đương đại khác.
  • Tác phẩm hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức nghệ thuật đương đại khác tồn tại dưới dạng độc bản. Tác phẩm đồ họa có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.

- Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp bao gồm: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, bộ nhận diện và bao bì sản phẩm; hình thức thể hiện của nhân vật); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn liền với tạo dáng sản phẩm; thiết kế nội thất, trang trí nội thất, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm.

- Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích.

- Tác phẩm kiến trúc là tác phẩm thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm:

  • Bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh;
  • Công trình kiến trúc.

- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ bao gồm họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc.

- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm:

  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là các loại hình nghệ thuật ngôn từ;
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là các loại hình nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương, múa rối, điệu hát, dân ca, làn điệu âm nhạc; điệu múa, dân vũ, vở diễn, trò chơi dân gian, lễ hội dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian khác.

IV. Quyền lợi gì khi đăng ký bảo hộ quyền tác giả?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 thì đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo (gọi chung là đơn) cho Cục Bản quyền tác giả để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả.

Đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Việc đăng ký bảo hộ không phải là cơ sở xác lập quyền tác giả; tác phẩm dù có đăng ký hay không đăng ký quyền tác giả đều được hưởng sự bảo hộ như nhau. 

Như vậy, theo quy định thì việc đăng ký là không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu tác giả chủ động thực hiện việc đăng ký quyền tác giả của mình thì sẽ mang lại quyền lợi cho họ rất lớn đặc biệt là trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Khi đó, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả sẽ là cơ sở để khi xảy ra tranh chấp, quyền lợi của tác giả được đảm bảo mà không phải chứng minh quyền tác giả của mình. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là bằng chứng mặc nhiên xác nhận tư cách và quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đã đăng ký.

Ngược lại, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không đăng ký quyền tác giả thì khi có tranh chấp xảy ra các chủ thể này phải có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm đó, tức phải tự mình cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm. Trong nhiều trường hợp việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chứng minh quyền của mình là rất khó, thậm chí không thể chứng minh được mình là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm có tranh chấp.

V. Hồ sơ và trình tự đăng ký bảo hộ quyền tác giả gồm những gì?

1. Hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Theo Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 và Điều 39 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có quy định về hồ sơ đăng ký quyền tác giả như sau:

- Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu quy định.

  • Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
  • Thời gian hoàn thành; 
  • Tóm tắt nội dung tác phẩm
  • Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; 
  • Thời gian, địa điểm, hình thức công bố; 
  • Thông tin về cấp lại, cấp đổi , cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai.
  • Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ. 

- 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả (bao gồm cả bản điện tử);

- Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả là người được ủy quyền;

- Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;

- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.

- Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó theo quy định của pháp luật.

2. Trình tự để đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Trình tự, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả gồm những bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả 

Bước 2: Công chứng, chứng thực

  • Tài liệu lưu trữ nếu là bản sao chụp phải được công chứng, chứng thực đối chiếu với bản chính trước khi nộp cho cơ quan có thẩm quyền;
  • Nếu các giấy tờ trên bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt và chứng nhận công chứng.

Bước 3: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp. 

Bước 4: Thanh toán phí, lệ phí;

Bước 5: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định hồ sơ và trả kết quả

  • Trong thời gian 01 tháng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. 
  • Trường hợp hồ sơ thiếu, sai sót cần điều chỉnh cơ quan có thẩm quyền sẽ có thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ. 
  • Trường hợp hồ sơ bị từ chối thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.
  • Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Nếu hồ sơ không hợp lệ hoặc giấy chứng nhận không được chấp nhận, bộ phận sẽ thông báo cho người nộp đơn. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ được đăng ký trong Cục đăng ký quốc gia về quyền tác giả và quyền liên quan

VI. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về đăng ký bảo hộ quyền tác giả

1. Đăng ký bảo hộ quyền tác giả mất bao nhiêu tiền?

Căn cứ vào Điều 4 Thông tư 211/2016/TT-BTC quy định thì  mức thu  phí đăng ký bảo hộ quyền tác giả sẽ phụ thuộc vào loại hình tác phẩm mà doanh nghiệp/cá nhân muốn đăng ký  cụ thể  như sau:

*Chi phí đăng ký quyền tác giả là 100.000 đồng (Một trăm nghìn đồng) áp dụng cho các đối tượng sau:

– Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác (gọi chung là loại hình tác phẩm viết);

– Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

– Tác phẩm báo chí;

– Tác phẩm âm nhạc;

– Tác phẩm nhiếp ảnh.

*Mức thu phí đối với việc đăng ký quyền tác giả là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) áp dụng cho các:

– Tác phẩm kiến trúc;

– Bản hoạ đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học.

* Mức thu phí đăng ký quyền tác giả là 400.000 đồng (Bốn trăm nghìn đồng) áp dụng cho các:

– Tác phẩm tạo hình;

– Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

*Mức thu phí đăng ký quyền tác giả là 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng) được áp dụng cho:

– Tác phẩm điện ảnh;

– Tác phẩm sân khấu được định hình trên băng, đĩa.

*Mức thu phí đăng ký quyền tác giả là 600.000 đồng (Sáu trăm nghìn đồng) áp dụng cho các đối tượng là: Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu hoặc các chương trình chạy trên máy tính

2. Quyền bảo hộ tác giả đăng ký ở đâu?

Căn cứ Điều 38 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có quy định về nơi nộp đăng ký bảo hộ quyền tác giả:

  • Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan là cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài có trụ sở, văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Trong đó đại diện hợp pháp bao gồm:
  • Trường hợp cá nhân đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan: Người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo ủy quyền của cá nhân;
  • Trường hợp tổ chức đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan: Người đại diện theo pháp luật của tổ chức hoặc người thuộc tổ chức được người đại diện theo pháp luật của tổ chức ủy quyền; tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo ủy quyền của tổ chức; người đứng đầu trụ sở, văn phòng đại diện hoặc đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam nếu là tổ chức nước ngoài.
  • Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan là cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài không có trụ sở, văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan trực tiếp qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hoặc thông qua ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.

3. Mất bao lâu để có giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ quyền tác giả?

Căn cứ điểm b, c Khoản 5 Điều 38 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì trong vòng 01 tháng kể từ ngày nhận đơn thì cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ. Trường hợp, hồ sơ chưa hợp lệ thì tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì phải sửa đổi bổ sung theo quy định, trừ trường hợp bất khả kháng.

Sau đó, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ thì trong vòng 15 ngày làm việc người nộp đơn sẽ có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả (Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022).

VII. Dịch vụ tư vấn về đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw 

Hotline: 0913449968 

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan