Hiện nay, trong giai đoạn nền kinh tế thị trường gặp nhiều biến động, các nhà đầu tư có xu hướng mở rộng đầu tư các dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư vì lo ngại sự kéo dài của thời gian được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Điều này kéo theo sự quan tâm hơn đến các quy định pháp luật về dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư. Thông qua bài viết này, NPLaw sẽ cùng Quý Khách hàng tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan đến dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo thống kê của Cổng thông tin điện tử thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính xét trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh trong Quý I năm 2023, số giấy phép đăng ký đầu tư mới lên tới 216 giấy phép, trong năm 2022, số giấy phép đăng ký đầu tư mới là 893. Điều này thể hiện rõ ràng nhu cầu quan tâm đến pháp luật đầu tư dự án của các nhà đầu tư.
Đồng thời, các dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận đầu tư là một dạng dự án được quan tâm phát triển và có thể xem là chiếm phần lớn trong số các dự án được ghi nhận. Điều này kéo theo sự tăng nhanh trong nhu cầu tìm hiểu về pháp luật liên quan đến dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
Dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư là các dự án không thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh hoặc Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
Thông qua hình thức loại trừ các quy định tại Điều 30, Điều 31, Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư có cơ sở đánh giá, xác định dự án đầu tư của mình có thuộc trường hợp không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hay không.
Như vậy, dự án không thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư là các dự án không được liệt kê tại Điều 30, Điều 31 và Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020. Nhà đầu tư không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những dự án này.
Như đã trình bày ở trên, dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư là các dự án nằm ngoài các trường hợp phải chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được quy định tại Điều 30, Điều 31 và Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020.
Ngoài ra, trường hợp khác được liệt kê tại các Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư năm 2020 nhưng vẫn không phải chấp thuận chủ trương đầu tư là: Nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đô thị và xây dựng trước ngày Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành; Dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng và nhà đầu tư đã triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật trước ngày Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành; Nhà đầu tư đã trúng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, trúng đấu giá quyền sử dụng đất trước ngày Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành; Dự án được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đầu tư năm 2020 về thủ tục đăng ký đầu tư thì:
“Điều 38. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
2. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
b) Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
c) Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật này;
d) Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
đ) Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài”.
Theo đó, khi đáp ứng các điều kiện về ngành, nghề kinh doanh, địa điểm thực hiện, sự phù hợp với quy hoạch, suất đầu tư và tiếp cận thị trường như quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đầu tư năm 2020 thì được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thì:
“1. Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
a) Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
c) Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này”.
Như vậy, trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư khi chỉ có duy nhất một nhà đầu tư tham gia đấu giá, đấu thầu.
Căn cứ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP như sau:
“Điều 36. Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư
1. Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những nội dung quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, nhà đầu tư nộp Hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.”
Như vậy, có căn cứ khẳng định rằng, pháp luật ghi nhận cho phép cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện.
Căn cứ vào quy định tại Điều 48 về “Điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư”, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 như sau:
“5. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư gồm:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm chuyển nhượng dự án đầu tư;
c) Hợp đồng hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư;
d) Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng;
đ) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có);
e) Bản sao Hợp đồng BCC (đối với dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC);
g) Bản sao một trong các tài liệu sau của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
…
10. Đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án được thực hiện như sau:
a) Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 5 Điều này cho Cơ quan đăng ký đầu tư;
b) Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Đầu tư để điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tại Điều 47 của Nghị định này. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh được gửi cho nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng…”
Như vậy, đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc chuyển nhượng dự án phải tiến hành điều chỉnh dự án. Thủ tục điều chỉnh dự án được thực hiện như sau:
- Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 5 Điều 48 Nghị định 31/2021/NĐ-CP cho Cơ quan đăng ký đầu tư;
- Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Đầu tư 2020 để điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tại Điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh được gửi cho nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư năm 2020 quy định như sau:
“1. Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:
a) Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
b) Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
c) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
d) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác”.
Như vậy trong trường hợp nhà đầu tư không có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhà đầu tư không phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án. Trong trường hợp nhà đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư năm 2020 thì nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ.
Trên đây là nội dung tư vấn pháp lý của Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) liên quan đến nội dung dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong trường hợp Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề pháp lý về dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật TNHH Ngọc Phú để được đội ngũ Luật sư của chúng tôi tư vấn tận tình và nhanh chóng.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn