Quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường

 

Ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp bách cần được giải quyết hiện nay, và quan trắc môi trường chính là giải pháp hữu hiệu trong việc đưa ra những đánh giá về tình trạng môi trường. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường.

Thực trạng kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường hiện nay

I. Thực trạng kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường hiện nay

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, trong đó kinh tế tăng trưởng mạnh, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường; quốc phòng, an ninh được củng cố và ổn định; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả,... Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã bộc lộ những bất cập và tạo áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, không còn khả năng tiếp nhận chất thải, đặc biệt ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động công nghiệp; đa dạng sinh học và chất lượng rừng suy thoái đến mức báo động, nguồn gen bị thất thoát; hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng;..., gây hậu quả nghiêm trọng, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề này cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Qua đó có thể thấy rằng, hiện nay việc thực hiện quan trắc môi trường là điều cần thiết. Và việc kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường cũng ngày càng phát triển và phổ biến hiện nay.

II. Tìm hiểu về kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường

1. Kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường gì?

Theo khoản 25 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường: Quan trắc môi trường là việc theo dõi liên tục, định kỳ, đột xuất, có hệ thống về thành phần môi trường (đất, nước, không khí), các nhân tố tác động đến môi trường, chất thải nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng môi trường, diễn biến chất lượng môi trường và tác động xấu đến môi trường.

Như vậy, kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường là việc mà một tổ chức cung cấp cho khách hàng các dịch vụ liên quan đến việc theo dõi liên tục, định kỳ, đột xuất, có hệ thống về thành phần môi trường (đất, nước, không khí), các nhân tố tác động đến môi trường, chất thải nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng môi trường, diễn biến chất lượng môi trường và tác động xấu đến môi trường theo quy định pháp luật.
Tìm hiểu về kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường

2. Những đối tượng nào được kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường?

Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, những đối tượng được kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường bao gồm:

-Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

- Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thử nghiệm được thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

-Tổ chức sự nghiệp công lập có chức năng hoạt động trong lĩnh vực môi trường được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

III. Quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường

1. Quy định khi kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường

-Luật Bảo vệ môi trường 2020;

-Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

2. Điều kiện để kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường

Điều kiện để kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường

Theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Nghị định 08/2022/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, điều kiện để kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường được quy định như sau:

-Có quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp, trong đó có hoạt động quan trắc môi trường;

-Có năng lực thực hiện quan trắc môi trường đối với tối thiểu một trong các nền mẫu môi trường bao gồm: nước mặt lục địa; nước thải; nước dưới đất; nước biển; không khí xung quanh; khí thải; đất; trầm tích; bùn; chất thải rắn; nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Đối với mỗi nền mẫu môi trường (trừ mẫu khí thải) mà tổ chức đề nghị chứng nhận, tổ chức phải có năng lực thực hiện cả hoạt động quan trắc hiện trường và hoạt động phân tích môi trường. Năng lực phân tích môi trường đối với mỗi nền mẫu (trừ nền mẫu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị) mà tổ chức đề nghị chứng nhận phải bảo đảm điều kiện tối thiểu tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 91 Nghị định 08/2022/NĐ-CP;

-Đối với năng lực phân tích mẫu nước mặt lục địa hoặc nước thải mà tổ chức đề nghị chứng nhận: tổ chức phải có đủ năng lực phân tích môi trường đối với các thông số cơ bản theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường bao gồm: BOD5, COD, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng phốt pho (TP), tổng nitơ (TN);

-Đối với năng lực phân tích mẫu nước dưới đất mà tổ chức đề nghị chứng nhận: tổ chức phải có đủ năng lực phân tích môi trường đối với các thông số cơ bản theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường bao gồm: chỉ số pecmanganat, NH4+, NO3-, Fe;

-Đối với năng lực phân tích mẫu nước biển mà tổ chức đề nghị chứng nhận: tổ chức phải có đủ năng lực phân tích môi trường đối với các thông số cơ bản theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường bao gồm: TSS, NH4+, PO43-;

-Đối với năng lực phân tích mẫu không khí (không khí xung quanh hoặc khí thải công nghiệp) mà tổ chức đề nghị chứng nhận: tổ chức phải có đủ năng lực phân tích môi trường đối với các thông số cơ bản theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường bao gồm: SO2, NO2, CO, tổng bụi lơ lửng (TSP);

-Đối với năng lực phân tích mẫu đất hoặc trầm tích hoặc bùn thải từ hệ thống xử lý nước hoặc chất thải rắn mà tổ chức đề nghị chứng nhận: tổ chức phải có đủ năng lực phân tích môi trường đối với các thông số cơ bản theo quy định bao gồm: pH; các kim loại (gồm có: As, Cu, Zn, Pb, Ni, Cd, Cr, Hg) hoặc các hợp chất hữu cơ (hợp chất clo hữu cơ hoặc hợp chất phốt pho hữu cơ).

3. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh  doanh dịch vụ quan trắc môi trường

Theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường bao gồm:

-Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XXV ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP

- Hồ sơ năng lực của tổ chức thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XXVI ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

4. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường

Căn cứ khoản 3 Điều 93 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có quy định trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường như sau:

-Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ;

- Bước 2: Nộp hồ sơ:  Tổ chức đề nghị cấp giấy chứng nhận gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thông qua hình thức gửi bản giấy trực tiếp, gửi bản giấy qua đường bưu điện hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

-  Bước 3: Xử lý hồ sơ: 

+Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận gửi thông báo thu phí thẩm định cho tổ chức. Tổ chức nộp phí thẩm định và gửi chứng từ chứng minh đã nộp phí thẩm định (biên lai, phiếu thu hoặc chứng từ khác) cho cơ quan cấp giấy chứng nhận.

+Thời gian tổ chức nộp phí không tính vào thời gian thẩm định của cơ quan cấp giấy chứng nhận. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, cơ quan cấp giấy chứng nhận trả lại hồ sơ cho tổ chức đề nghị chứng nhận và yêu cầu bổ sung hồ sơ theo quy định;

+ Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được phí thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, cơ quan cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường cho tổ chức đề nghị chứng nhận (không bao gồm thời gian khắc phục, bổ sung hồ sơ của tổ chức).

+Việc thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường phục vụ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định quy định tại khoản 4 Điều 93 Nghị định 08/2022/NĐ-CP trên cơ sở: kết quả đánh giá, xem xét trên hồ sơ; kết quả đánh giá, kiểm tra thực tế tại tổ chức và kết quả của phiên họp hội đồng thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

+Đối với tổ chức đo khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tùy trường cụ thể, cơ quan cấp giấy chứng nhận có thể quyết định việc kiểm tra theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

+Trường hợp không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, cơ quan cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị chứng nhận biết và nêu rõ lý do.

IV. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường

1. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường

Theo quy định tại Điều Điều 93 Nghị định 08/2022/NĐ-CP  thì Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường.

2. Những ai được kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường?

Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, những đối tượng được kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường bao gồm:

+Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

+Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thử nghiệm được thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

+Tổ chức sự nghiệp công lập có chức năng hoạt động trong lĩnh vực môi trường được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

V. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường

Trên đây là những thông tin cơ bản về kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường. Nếu cảm thấy những thông tin trên vẫn còn gây khó khăn vướng mắc cho bạn, hãy liên hệ với chúng tôi. NPLaw luôn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất về pháp luật. NPLaw không chỉ tư vấn trong lĩnh vực môi trường, dân sự, hình sự, đầu tư mà còn nhiều dịch vụ khác. NPLaw nỗ lực trở thành đôi cánh đồng hành cùng sự thành công của khách hàng. Sự tin tưởng hôm nay của khách hàng sẽ là nền tảng giúp NPLaw phát triển hơn trong tương lai.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ – HÃNG LUẬT NPLAW

Hotline: 0913 449 968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan