QUY ĐỊNH VỀ BẰNG ĐỘC QUYỀN SÁNG CHẾ

Hiện nay, bằng độc quyền sáng chế đang được nhiều người quan tâm và tìm hiều. Vậy, các vấn đề pháp lý liên quan đến bằng sáng chế được quy định như thế nào? Điều kiện để được cấp bằng độc quyền sáng chế? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây. 

Mẫu bằng độc quyền sáng chế

I. Bằng độc quyền sáng chế là gì?

Sáng chế là một trong những đối tượng quyền sở hữu công nghiệp. Sáng chế được hiểu là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Bằng độc quyền sáng chế là một loại văn bằng chứng nhận các đặc quyền dành cho tác giả tạo ra sáng chế hoặc chủ sở hữu sáng chế, được cấp bởi Cục sở hữu trí tuệ trong một thời hạn nhất định, đổi lấy việc nội dung của sáng chế được công bố rộng rãi ra công chúng.

II. Điều kiện chung để được cấp bằng độc quyền sáng chế

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứmg các điều kiện sau đây:

- Có tính mới;

- Có trình độ sáng tạo;

- Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có tính mới;

- Có khả năng áp dụng công nghiệp.

III. Đối tượng nào không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế?

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:

- Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

- Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

- Cách thức thể hiện thông tin;

- Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

- Giống thực vật, giống động vật;

- Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

- Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

IV. Tính mới của độc quyền sáng chế được quy định như thế nào?

Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

– Thứ nhất: sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật sở hữu trí tuệ;

– Thứ hai: sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật sơ hữu trí tuệ 2005 công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

– Thứ ba: sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Tính mới của sáng chế phải mang tính chất tuyệt đối, tức là sáng chế cũng phải mới so với toàn thế giới chứ không phải chỉ ở riêng Việt Nam.

Sở hữu bằng sáng chế độc quyền

V. Một số câu hỏi thường gặp về bằng độc quyền sáng chế

1. Điều kiện về khả năng áp dụng công nghiệp để được cấp bằng độc quyền sáng chế được quy định như thế nào?

Điều kiện về khả năng áp dụng công nghệ để được cấp bằng độc quyền sáng chế như sau: 

+ Quy luật tự nhiên: Rõ ràng một giải pháp kỹ thuật dù sáng tạo đến đâu mà trái với quy luật tự nhiên thì không thể mang lại lợi ích gì cho xã hội khi mà giải pháp đó không thể tồn tại thực tiễn trong tự nhiên. 

+ Khả năng áp dụng trong thực tế: Các đối tượng mặc dù về mặt lý thuyết là có thể được nhưng xét về mặt thực tế là không khả thi thì bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp. 

+ Việc thực hiện lặp lại đối tượng: Giải pháp kỹ thuật đề cập trong sáng chế sẽ không có khả năng áp dụng công nghiệp trong trường hợp chỉ có thể thực hiện được các chỉ dẫn về đối tượng trong một số giới hạn lần thực hiện

+ Hiệu quả của giải pháp: Đương nhiên các giải pháp hiển nhiên không có ích lợi hoặc không phục vụ nhu cầu của xã hội, thậm chí gây tác hại như gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiêu phí quá mức năng lượng hoặc tài nguyên, có hại cho sức khỏe con người, bị coi là không có khả năng áp dụng.

2. Sáng chế như thế nào được coi là có trình độ sáng tạo?

Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là  một bước tiến sáng tạo. 

3. Ai có quyền đăng ký bảo hộ bằng độc quyền sáng chế?

Căn cứ Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước như sau:

- Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.

- Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật), một phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký nói trên.

- Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu - phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu - phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. 

Sở hữu trí tuệ, sở hữu bằng độc quyền

4. Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực trong bao nhiêu năm?

Theo điều 93 Luật Sở hữu  trí tuệ 2005 quy định bằng độc quyền sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sẽ có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn.

5. Đơn đăng ký bảo hộ sáng chế cần đáp ứng yêu cầu gì?

Đơn đăng ký bảo hộ sáng chế cần đáp ứng đ  hồ sơ sau: 

– Tờ khai (đơn) đăng ký bảo hộ sáng chế theo mẫu chung (02 bản được soạn thảo và ký bởi chủ đơn hoặc người được chủ đơn ủy quyền);

– Bản mô tả sáng chế bao gồm 03 phần: phần mô tả; yêu cầu bảo hộ sáng chế; hình vẽ/sơ đồ (nếu có);

– Bản tóm tắt sáng chế đăng ký;

– Chứng từ lệ phí khi nộp đơn đăng ký sáng chế.

Ngoài tài liệu trên, trường hợp chủ đơn sử dụng dịch vụ đăng ký sáng chế của tổ chức dịch vụ sẽ cần thêm Giấy ủy quyền đăng ký.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan